VnReview
Hà Nội

Đây là cách Samsung chống nước cho Galaxy Z Flip 3 và Z Fold 3

Liệu Samsung Galaxy Z Fold 3 và Galaxy Z Flip 3 có đủ cứng cáp và có bền hơn so với những thế hệ trước?

Hai mẫu điện thoại gập mới nhất của Samsung là Galaxy Z Fold 3 và Galaxy Z Flip 3 vẫn có những bộ phận có thể chuyển động như thế hệ trước. Hiện tại, nhiều dòng điện thoại khả năng kháng nước bắn và ngập nước trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng với điện thoại gập thì để có thể kháng nước cần nhiều giải pháp phức tạp hơn. Có quá nhiều kẽ hở để nước có thể lọt vào bên trong chiếc điện thoại màn hình gập và trong đó có một số vị trí thường xuyên di chuyển.

Giải pháp bịt kín các cổng kết nối của Samsung khá thông minh, nhưng nó lại chưa phải điểm quan trọng nhất mà hãng cần cải thiện. Điều quan trọng nhất là Samsung cần một chiếc màn hình cứng cáp hơn cho dòng điện thoại màn hình gập của mình. Samsung cho biết họ cũng đã gia cố màn hình của thế hệ mới. Trên thực tế, qua trò chuyện với một kỹ sư chính của Samsung, tôi đã hiểu lý do vì sao Samsung tự tin thế hệ điện thoại màn hình gập thứ 3 của hãng đủ bền để trở thành một thiết bị được sử dụng phổ biến hơn.

Samsung đã từng phải muối mặt dừng phát hành mẫu Galaxy Fold đầu tiên vì các sản phẩm mẫu bị nứt vỡ, đôi khi chẳng vì lý do gì. Và tất nhiên là không thể không nhắc đến lỗi pin trên Galaxy Note 7 dẫn đến phát nổ, gây nguy hại trực tiếp đến người dùng và buộc hãng phải thu hồi toàn bộ.

Nhưng cuối cùng thì dòng Galaxy Fold tiếp tục được ra mắt cũng đã có sự thay đổi và có nhiều điểm mới so với trước. Và dòng Galaxy Note – với thời lượng pin lớn nhất trong các dòng điện thoại Samsung – cũng đã quay trở lại thị trường.

Samsung đã rất nỗ lực. Và họ vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực với dòng điện thoại màn hình gập, một thị trường mà Samsung đang dẫn đầu và sẽ tiếp tục duy trì vị trí này. Năm nay, chiếc điện thoại màn hình gập thế hệ thứ 3 của Samsung có đồng thời cả màn hình cứng cáp hơn, phần khung chắc chắn hơn và khả năng kháng nước. Cuối cùng thì thảm họa của chiếc Galaxy Fold thế hệ đầu tiên đã có thể trôi vào quá khứ.

Các phần của Galaxy Z Flip 3 (Ảnh: Samsung)

Việc trang bị tính năng kháng nước cho điện thoại không có gì quá bí mật. Nó chỉ đơn giản là tìm những chỗ nước có thể tràn vào bên trong và bịt chúng lại, có thể là bằng keo hoặc đệm cao su. Với điện thoại gập, chúng có nhiều vị trí vào nước hơn bình thường. Nhà sản xuất phải xử lý dòng điện thoại này như hai chiếc điện thoại riêng biệt. Với những vị trí như loa, cổng USB-C và khe SIM thì việc xử lý chúng hoàn toàn như những chiếc điện thoại bình thường.

Nhưng ngoài những vị trí đó, có những điểm trên điện thoại gập cần giải pháp xử lý phức tạp hơn. Vấn đề lớn nhất nằm ở các bộ phận chuyển động. Đặc biệt là phần bản lề giúp màn hình chuyển động một cách linh hoạt, trong đó phần khó khăn nhất chính là cáp nối.

Với khe SIM, nhà sản xuất chỉ cần dùng đệm cao su là có thể ngăn nước tràn vào trong. Nhưng với phần bản lề thì lại không thể, do vậy Samsung đã bơm chất bôi trơn vào bên trong để ngăn nước (Ảnh: Samsung)

Phần chổi quét chống bụi bằng nylon bên trong Galaxy Z Fold 3 (Ảnh: Samsung)

Cơ bản là chẳng có cách nào để bịt kín hoàn toàn phần bản lề bởi có quá nhiều bộ phận chuyển động bên trong nó được lắp đặt rất sát nhau. Về phần ngăn bụi lọt vào bản lề, giải pháp của Samsung là lắp đặt chổi quét bằng sợi nylon vào khoảng trống chưa đến 1mm trong bản lề. Dù không thể loại bỏ hoàn toàn bụi lọt vào bên trong nhưng nó đã có hiệu quả rõ rệt khi xuất hiện trên thế hệ thứ hai.

Tuy nhiên, phần chổi này không thể ngăn chất lỏng lọt vào trong. Vì vậy, Samsung đành chấp nhận nó và "tạo ra một loại chất bôi trơn đặc biệt có thể bám vào các bộ phận tí hon bên trong thiết bị", ông Hee-cheul Moon, kỹ sư cơ khí chính của Samsung cho biết.

Băng dính hai mặt được sử dụng để bịt kín các khe hở bên dưới màn hình trên Galaxy Z Flip 3 và Galaxy Z Fold 3 (Ảnh: Samsung)

Chất bôi trơn có thể bị hao mòn, nhưng Samsung tin rằng chúng đủ cho 200.000 lần gập. Thậm chí, Samsung đã thử ngâm điện thoại trong Coca-Cola. Công bằng mà nói thì Samsung không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào cho rằng điện thoại của hãng có thể ngâm trong nước có ga. Cả hai dòng Z Fold 3 và Z Flip 3 đều đạt chuẩn kháng nước IPX8, có nghĩa là chúng vẫn có thể hoạt động sau 30 phút ngâm dưới nước với độ sâu lên đến 1,5m. Có thể bạn sẽ so sánh với chuẩn IP68 trên các dòng điện thoại khác như iPhone 12 hay Galaxy S21, nhưng con số "6" ở đây thể hiện khả năng kháng bụi, là chuẩn mà điện thoại gập của Samsung còn đang thiếu.

Về phần màn hình với nhiều lớp linh kiện, Samsung chỉ đơn giản là bịt kín chúng lại với một loại chất mà Samsung gọi là chất kết dính nhạy cảm với áp suất. Trong trường hợp nước lọt vào bên trong máy, chất này sẽ chảy giữa màn hình và hai phần của điện thoại, đồng thời dính vào phần bản lề. Samsung cho biết tất cả sẽ không có vấn đề gì.

Việc bịt kín hai mặt của điện thoại cần những vật liệu mới. Trên điện thoại gập, màn hình cao hơn một chút so với thân máy. Nó cần phải di chuyển một chút khi điện thoại gập lại hay mở ra. Bên trong thân máy cũng có nhiều kẽ hở cần được bịt lại, và để làm điều đó, Samsung đã tạo ra một loại băng dính hai mặt dày. Lớp băng dính này đủ dày để màn hình vẫn có thể di chuyển với biên độ nhỏ.

Cũng từ chỗ này đã phát sinh thêm một vấn đề khác: hai phần của điện thoại cần được nối với nhau bằng dây cáp. Vấn đề này không thể giải quyết chỉ bằng một lớp đệm cao su đơn giản vì khu vực này thường xuyên chuyển động. Thay vào đó, lớp đệm phải có khả năng di chuyển theo cả 3 chiều. Cách xử lý của Samsung cho vấn đề này cực kỳ thông minh: "đúc đệm tại chỗ" (cures-in-place gaskets).

Một miếng đệm cao su được đúc ngay trên Galaxy Z Flip 3. Tại nhà máy, hợp chất được bơm vào ở dạng lỏng và sau đó tạo thành một lớp đệm linh hoạt bọc quanh dải cáp kết nối (Ảnh: Samsung)

"Khi được bơm vào, chúng ở dạng lỏng hoặc dạng keo sệt", kỹ sư Moon cho biết. "Khi tiếp xúc với không khí, chúng sẽ chuyển thành thể rắn". Hãy tưởng tượng nó như một loại epoxy dẻo dính chặt vào điện thoại và dải cáp để tạo thành một lớp đệm kín nước nhưng vẫn cho phép có sự chuyển động linh hoạt hơn lớp đệm cao su thông thường. Nó ở dạng keo khi được đưa vào thiết bị ở nhà máy, và đông đặc trước khi quy trình lắp ráp hoàn tất.

Liệu tất cả những thay đổi đó có khiến việc sửa chữa hai dòng điện thoại mới khó khăn hơn? Tất nhiên là có. Các chất kết dính là phần khó sửa chữa trên điện thoại nói chung. Với Galaxy;Z Fold 3 và Z Flip 3, Samsung đã giới thiệu ít nhất 3 loại chất kết dính khác nhau và không may là chúng dường như là những điểm rất quan trọng để quyết định mua hai mẫu điện thoại màn hình gập này. Các cửa hàng sửa chữa điện thoại của bên thứ ba sẽ rất vất vả để xử lý tất cả các lớp băng dính hai mặt và các loại keo bên trong.

Phía sau màn hình của Galaxy Z Fold 3 (Ảnh: Samsung)

Cải tiến lớn nhất trên Samsung Galaxy Z Flip ra mắt năm 2020 là lớp kính Ultra Thin Glass trên màn hình gập. Tuy nhiên, lớp kính này lại nằm bên dưới một lớp nhựa. Giải pháp này có thể giúp tăng độ bền của màn hình và giúp nó chắc chắn hơn, nhưng cảm nhận của người dùng khi thao tác trên cả hai dòng Flip và Fold hoàn toàn là một lớp nhựa dẻo. Thêm vào đó là một số điện thoại bị hỏng bản lề chỉ sau vài lần sử dụng.

Năm nay, Samsung cần giải quyết những vấn đề này, thêm tính năng kháng nước và còn một thử thách nữa: đó là đảm bảo rằng chiếc điện thoại Galaxy Z Fold có thể chịu được thao tác chạm và viết, vẽ bằng bút cảm ứng S Pen.

Tôi không rõ liệu Samsung có thể đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra hay không – nhưng có thể nói việc tăng độ bền cho màn hình là một mục tiêu quan trọng nhất mà Samsung nên làm được. Màn hình là bộ phận dễ hỏng nhất và gần như là bộ phận tương tác với người dùng nhiều nhất.

Samsung cho biết hãng đã sắp xếp lại các lớp của màn hình để cải thiện độ bền. Vì vậy, thứ tự các lớp màn hình sẽ là lớp số hóa Wacom cho đầu bút cảm ứng (chỉ có trên Z Fold 3), kế đến là lớp màn hình OLED, tiếp theo là lớp kính Ultra Thin Glass, lớp bảo vệ bằng polymer và trên cùng là lớp bảo vệ màn hình mới có tên "Stretchable PET" (Polyethylene terephthalate).

Samsung cho biết lớp bảo vệ màn hình mới bằng PET có độ bền tốt hơn và tạo cảm giác giống lớp bảo vệ màn hình bằng kính hơn (Ảnh: Samsung)

Tương tự với các thiết bị gập thế hệ trước của Samsung, chắc chắn bạn không được gỡ lớp bảo vệ trên cùng ra. So với thế hệ trước, lớp bảo vệ bằng PET có thể co dãn và "ít lưu dấu vân tay và ít bị trầy xước, cấn móp hơn", Byeng-seok Choi, chuyên gia cao cấp tại Nhóm hoạch định sản phẩm flagship Samsung, cho biết.

Lớp số hóa cho bút cảm ứng S Pen được chia làm hai phần và sẽ có thuật toán để xác định vị trí đầu bút khi nằm giữa hai phần này (Ảnh: Samsung)

S Pen dành cho Z Fold 3 có đầu bút mền hơn và được bo tròn so với các thế hệ  bút S Pen khác (Ảnh: Samsung)

Ông Choi cho biết với điện thoại Z Fold 3, Samsung đã tạo ra "tấm nền có độ bền cao hơn 80% hoặc hơn so với trước" (Samsung cũng có tuyên bố tương tự với điện thoại Z Flip 3). Ông cũng tuyên bố rằng nó cho cảm giác tương đương các lớp bảo vệ màn hình bằng nhựa được sử dụng trên các dòng điện thoại thông thường, "vì vậy, tôi tin rằng người dùng sẽ không nhận ra có bất kỳ khác biệt nào, vì họ vốn đã trải nghiệm qua loại vật liệu này".

Becca Farsace và Chris Welch là hai biên tập viên có cơ hội được trải nghiệm sản phẩm trên tay, họ cũng cho biết dường như hai sản phẩm mới ít bám vân tay hơn thế hệ trước.

Với lớp số hóa Wacom, Samsung không biến nó thành lớp nền có thể gập lại. Thay vào đó, họ sử dụng hai lớp riêng biệt cho mỗi bên. Với hệ điều hành thì hai lớp này được xem là một lớp duy nhất và khoảng trống giữa hai lớp sẽ được xử lý bởi một "thuật toán mới" giúp xác định vị trí của đầu bút cảm ứng dựa trên dữ liệu từ cả hai bên.

Tuy mọi giải pháp đều ổn thỏa, nhưng câu chuyện sử dụng bút cảm ứng S Pen trên Galaxy Z Fold 3 phần nào đã bị lược bỏ. Thay vì cho phép người dùng sử dụng loại S Pen đang có, Samsung lại cho ra mắt một phiên bản đặc biệt với đầu bút có thể thu vào. Đầu bút S Pen dành cho Galaxy Z Fold 3 có "đầu bút tròn bằng cao su" và nó mềm hơn so với các đầu bút S Pen trước đây. Khi lực nhấn lớn, đầu bút sẽ thụt vào để ngăn người dùng nhấn quá mạnh vào màn hình. Giải pháp này khá phức tạp và cho thấy rõ ràng vấn đề độ bền của màn hình vẫn còn phải cân nhắc.

Khung Armor Aluminum và các bộ phận trên điện thoại gập của Samsung (Ảnh: Samsung)

Cuối cùng, Samsung sử dụng hợp kim nhôm mới do hãng từ phát triển, được cấp bằng sáng chế và lấy tên là Armor Aluminum. Samsung không chia sẻ thông tin chi tiết về thành phần chính xác của hợp kim và quy trình chế tạo. Dù vậy, Sung-ho Cho, kỹ sư chính tại Phòng thí nghiệm nâng cao của Samsung, cho biết công ty "đã có thể tăng độ cứng từ 10% trở lên".

Samsung đã công bố một đoạn phim ngắn giới thiệu loại hợp kim mới này. Trong đó, họ đã đập một khối nhôm Armor Aluminum và một khối nhôm 7000 series (loại được dùng trên hầu hết các loại điện thoại ngày nay). Và đúng như bạn mong đợi, các vết cấn móp trên hợp kim nhôm của Samsung nhỏ hơn nhiều so với 7000 series.

Samsung sử dụng hợp kim nhôm mới cho phần khung và bản lề của Z Fold 3 và Z Flip 3. Trong tương lai, hãng đang lên kế hoạch chuyển sang sử dụng Armor Aluminum cho cả những dòng điện thoại khác.

Ông Cho cho biết Samsung vẫn sử dụng nhôm không chỉ vì chúng nhẹ mà còn đủ cứng để bảo vệ viền màn hình không bị nứt. "Nhôm giúp bộ khung đủ cứng và bền để giảm thiểu tối đa tác động lên các vật liệu khác", ông nói. "Nó hoạt động như lớp đệm chống sốc giữa các loại vật liệu khác nhau".

Tháo rời Galaxy Z Fold 3 (Ảnh: Samsung)

Năm nay, Samsung không hề ngần ngại chia sẻ mục tiêu của mình là đưa dòng điện thoại gập trở thành dòng sản phẩm chính. Với Galaxy Z Flip 3, cuối cùng thì Samsung đã hạ mức giá xuống mốc 1000 USD. Trong khi đó, mức giá của Galaxy Z Fold 3 vẫn còn khá cao, nhưng với việc hỗ trợ bút cảm ứng và camera trước dưới màn hình, dòng Galaxy Fold được kỳ vọng sẽ thay thế vị trí flagship hàng đầu hiện nay của Galaxy Note.

Tuy nhiên, giá thành sản phẩm chỉ là một trong số các mục tiêu mà Samsung cần đạt được. Với những tuyên bố về độ bền, Samsung hy vọng họ đã có thể vượt qua thêm một rào cản giúp những chiếc điện thoại màn hình gập có thể sễ dàng thay thế cho các dòng khác.

Điểm chung của các sản phẩm Samsung là khi sự cố xảy ra, người dùng rất dễ phát hiện ra chúng. Màn hình mờ dần, pin bị phồng, hay phần mềm dính đầy quảng cáo. Samsung rất hay để sót lỗi trong sản phẩm – thật sự là quá thường xuyên.

Nhưng đổi lại, một điểm cộng ở Samsung là họ hiếm khi từ bỏ lý tưởng mà họ tin tưởng. Từ năm này qua năm khác, Samsung khắc phục những sự cố mà không gây quá nhiều sự chú ý, nhưng vẫn có thể nâng cao trải nghiệm người dùng. Cho đến một năm, một cách âm thầm, Samsung sẽ có thể hoàn thiện sản phẩm.

Câu hỏi duy nhất còn lại là liệu năm 2021 có phải là thời điểm đó? Và nếu không, thì liệu Samsung có thể tìm ra vấn đề trước khi một công ty khác có thể tạo ra một chiếc điện thoại gập thật sự hoàn hảo?

Minh Bảo (Theo The Verge)

Chủ đề khác