VnReview
Hà Nội

Cách mới để sạc pin cho điện thoại: gửi tin nhắn SMS

Những người dân sống ở các khu vực chưa có điện có thể sạc pin cho điện thoại bằng cách gửi một tin nhắn. Đây là cách sạc pin rẻ nhất hiện nay.

Tại quán cà phê ở cạnh công viên quốc gia Mount Elgon của Uganda, Juliet Nandutu đang thử nghiệm một "đồ chơi" mới: một trạm sạc pin năng lượng mặt trời cho điện thoại di động, kích hoạt chỉ bằng một tin nhắn. Cô đang cung cấp dịch vụ này cho những người dân làng của cô. "Tôi sạc 18 điện thoại một ngày, đôi khi lên 20 chiếc", cô nói.

Mỗi ngày, Juliet Nandutu sạc bao nhiêu chiếc điện thoại là phụ thuộc vào nguồn điện ở làng. Nếu có điện, mọi người có thể sạc điện thoại ở nhà, nhưng thường họ hay bị mất điện. "Nguồn điện không ổn định", cô nói. "Cứ mất rồi có liên tục".

"Trạm sạc" được chở phía sau xe đạp

Nguồn điện không ổn định đặt ra nhiều vấn đề với các khu vực nông thôn tại các nước đang phát triển, đặc biệt ở vùng châu Phi và châu Á, nơi mật độ sử dụng ĐTDĐ đang tăng nhanh. Người nông dân dùng ĐTDĐ để nhận các thông tin giá cả cập nhật tại các thị trường ở gần và xa, cho phép họ kiểm soát tốt hơn nông sản. Ở Kenya, những người không tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng vẫn thường nhận, gửi tiền qua ĐTDĐ. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 500-650 triệu người dùng ĐTDĐ không có điện. Giờ đây, công ty Buffalo Grid ở Lon Don (Anh) và trạm sạc điện thoại di động của họ có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Thông thường, không có điện, người dân phải đi nhiều km để đến một thị trấn gần và sạc điện thoại, những nơi có máy nổ hoặc có máy dùng năng lượng mặt trời. Quan trọng hơn, nó không rẻ tí nào. Ở Uganda, sạc một ĐTDĐ có thể mất 500 Uganda shilling, hoặc khoảng 0,2 USD. Đó là số tiền lớn với những người kiếm được chưa đến 1 USD/ngày, đặc biệt khi bạn phải sạc điện thoại 2-3 lần/tuần. Các khu vực nông thôn này lại cần có sóng điện thoại khỏe hơn, bởi có ít trạm thu phát sóng di động (BTS) gần đó, vì thế càng cần nhiều "vạch pin trên điện thoại hơn". "Tại các vùng sâu vùng xa, khoảng 50% số tiền chi cho ĐTDĐ là dành để sạc pin", Damon Millar của công ty Buffalo Grid nói. "Mức giá điện này vào loại đắt nhất trên thế giới".

Công nghệ cơ bản của Buffalo Grid, hiện đã thử nghiệm ở Uganda, sẽ giúp giảm chi phí. Một tấm pin mặt trời 60 watt để sạc pin được chở đến làng bằng xe đạp. Pin sẽ chiết xuất điện từ tấm pin mặt trời này bằng một kỹ thuật gọi là Maximum Power Point Tracking (MPPT). Công suất điện của một tấm pin mặt trời sẽ tùy thuộc vào các điều kiện môi trường, như nhiệt độ và ánh sáng mặt trời, cũng như các điện trở của mạch nối với nó. MPPT kiểm soát các điều kiện và thay đổi điện trở để đảm bảo công suốt điện cao nhất có thể.

Khách hàng gửi 1 tin nhắn SMS giá 110 shilling đến thiết bị sạc pin. Khi nhận được tin nhắn, đèn LED trên thiết bị sạc pin sẽ sáng lên, cho biết nó đã sẵn sàng để sạc pin cho điện thoại. Mỗi một tin nhắn cho phép điện thoại được sạc trong 1,5 giờ. Một thiết bị sạc pin Buffalo Grid có thể dùng trong 3 ngày và sạc cho 30-50 điện thoại mỗi ngày.

Để giảm giá, Buffalo Grid hy vọng có thể hợp tác với các nhà mạng để trợ giá sạc pin cho điện thoại, thậm chí cung cấp miễn phí. Nhà mạng được lợi gì? "Khi nhà mạng mang điện đến cho những chiếc điện thoại đã cạn pin, người dùng sẽ sử dụng điện thoại để gọi điện, nhắn tin", Buffalo Grid nói. "Thay vì trả tiền sạc, mọi người sẽ trả tiền dịch vụ gọi điện, nhắn tin".

Tuy nhiên, đôi khi điện thoại có thể mất hơn 1,5 giờ để sạc, và người dân lại phải gửi thêm một tin nhắn nữa vì tưởng vẫn chưa sạc được. "Đó chỉ là do thời gian sạc kéo dài hơn", Nandutu nói. Song gửi 2 tin nhắn vẫn rẻ hơn mức giá thông thường để sạc 1 điện thoại.

Hoàng Luân

Chủ đề khác