VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh Nokia Asha 210

Là một thành viên của gia đình Asha – những mẫu điện thoại giá rẻ nhắm vào các thị trường đang phát triển, Asha 201 sẽ ra mắt vào Quý II/2013 tại châu Âu, Mỹ Latin, châu Phi và châu Á với giá khoảng 1,5 triệu đồng.

Asha sẽ có 2 phiên bản: 1 SIM và 2 SIM. Nokia cũng sẽ phối hợp với Facebook, Weibo và WhapsApp để đem các ứng dụng này lên Asha 210. Tùy thuộc vào thị trường, Asha 210 sẽ có một phím tắt dẫn tới 1 trong 3 ứng dụng này – và tại Việt Nam, rất có thể Asha 210 sẽ có trọng tâm là Facebook.

Hiện tại, VnReview chưa có sản phẩm này để đánh giá. Vì vậy, trước mắt mời bạn đọc tham khảo bài đánh giá nhanh Asha 210 của Cnet. Trong thời gian tới, VnReview sẽ gửi tới bạn đọc đánh giá Asha 210 của mình.

Thiết kế

1

Thiết kế của Asha rất nhỏ gọn và mang xu hướng lịch lãm, đơn giản, chịu nhiều ảnh hưởng từ dòng sản phẩm Lumia. Ngoại trừ cạnh trên của điện thoại (bao gồm jack cắm tai nghe 3,5mm và cổng microUSB), cùng một cổng lắp SIM phụ ở cạnh trái, 4 rìa của Asha 210 gần như không có lỗ hổng. Asha 210 có thân hình làm từ nhựa polycarbonate, khá mỏng và chắc chắn. Theo CNET, Asha 210 sẽ đem lại cảm giác khá "mượt mà" khi cầm.

5

Asha 210 sẽ có kích cỡ 11,1 cm x 6 cm, độ dày 1,1 cm. Với cân nặng vào khoảng 97 gram, Asha 210 sẽ khá nhẹ và vừa tay người dùng. Asha 210 có 4 màu: trắng, lục lam, đỏ sậm và đen.

Màn hình mặt trước của Asha 210 sẽ bao gồm một màn hình 2,4 inch độ phân giải QVGA (320 x 240). Trong khi màn hình này rõ ràng sẽ không hiển thị các đoạn video HD một cách sắc nét, các đoạn văn bản cũng như các biểu tượng trông vẫn khá rõ ràng và dễ đọc. Phía dưới màn hình là 2 nút chọn, một nút để nhận/ngừng cuộc gọi, một nút điều hướng ở giữa, 1 nút camera ở phía bên phải, và nút bật ứng dụng xã hội (Facebook, Weibo và WhatsApp) được đặt ở phía bên trái.

Bàn phím QWERTY vật lý của Asha 210 sẽ được chiếu sáng khi sử dụng, chúng cũng có vân bề mặt khiến cho việc đánh chữ trở nên dễ dàng hơn. Nút cách trống khi được giữ lâu sẽ đảm nhiệm vai trò bật/tắt Wi-fi. Theo đánh giá của CNET, bàn phím của Asha 210 có phần hơi khó sử dụng do bàn phím quá chật chội. Tuy vậy, các phím đều dễ bấm và bề mặt vân của bàn phím sẽ được nhiều người ưa thích.

3

Ở mặt sau là camera (không có đèn flash). Dưới camera là loa của máy. Nắp sau của máy có thể dễ dàng tháo rời, và nhờ đó bạn có thể dễ dàng tháo/lắp thẻ SIM, thẻ microSD (dung lượng tối đa 32GB) cũng như pin của điện thoại.

2

Tính năng

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Asha 210 là Nokia đang đẩy mạnh tính kết nối của sản phẩm tới các mạng xã hội và dịch vụ nhắn tin Facebook, Weibo và WhatsApp. Sử dụng Wi-fi hoặc kết nối 2G, người dùng có thể sử dụng một phím tắt ở phía bên trái nút điều hướng để truy cập các ứng dụng này. Tại Việt Nam, rất có thể phím tắt này sẽ dẫn tới Facebook, song trên các máy có WhatsApp, khoản phí hàng năm của dịch vụ này cũng sẽ được miễn cho người dùng Asha 210.

4

Camera 2MP của Asha 210 có một số tính năng tùy chỉnh và khả năng zoom 4X. Pin của Asha 210 có dung lượng 1110 mAh, tương đương với khoảng thời gian đàm thoại 12h và khoảng thời gian chờ 24 ngày.

Giao diện của Asha 210 là loại giao diện rất đơn giản và thân thiện với người dùng mang tên Series 40 Asha, bao gồm trình duyệt sử dụng công nghệ điện toán đám mây Xpress Internet của Nokia. Asha 210 cũng có 64MB bộ nhớ trong và Bluetooth 2.1.

Nhận định

Mức giá khoảng 1,5 triệu đồng của Asha 210 là khá hợp lý với các thị trường đang phát triển. Asha 210 cũng hỗ trợ các công nghệ cần thiết nhất, ví dụ như tính năng camera và kết nối Internet. Khả năng sử dụng 2 SIM của Asha 210 có lẽ cũng sẽ thích hợp với nhiều người dùng Việt Nam. Điểm nhấn của Asha 210 là sự kết hợp chặt chẽ với Facebook và WhatsApp, do đó có thể mẫu điện thoại này sẽ thu hút nhiều người dùng trẻ tuổi và năng động.

Lê Hoàng

Chủ đề khác