VnReview
Hà Nội

Sự thật về smartphone màn hình cong của Samsung

Nếu thông tin về chiếc smartphone màn hình cong sắp ra mắt của Samsung khiến bạn cảm thấy phấn khích và nghĩ tới một thiết bị có thể gập lại rồi nhét vào trong túi, hãy khoan dùng trí tưởng tượng đó và phân tích kĩ hơn vào công nghệ của Samsung.

Samsung (cả LG, Nokia và Apple) đang nghiên cứu thử nghiệm công nghệ màn hình có thể co giãn khi bạn gập chúng, tuy nhiên nhiều khả năng smartphone màn hình cong sắp ra mắt của hãng này đơn giản chỉ được trang bị một lớp kính uốn cong đặt trên tấm nền hiển thị (AMOLED hoặc LCD) mà thôi. Nói cách khác, phần kính này được uốn cong trong quá trình sản xuất và người dùng không thể thay đổi hình dạng của nó hay của máy.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một chiếc điện thoại được thiết kế như vậy. Chính Samsung cũng đã từng tung ra chiếc Nexus S và Galaxy Nexus với thiết kế hơi gợn cong. Ngoài ra, chiếc YotaPhone đang được phát triển cũng sử dụng kính cường lực Gorilla Glass 3 được uốn cong.

nexus Samsung s curved

Cả Samsung Nexus S...

Samsung Galaxy Nexus curved

...và sau này là Galaxy Nexus đều có màn hình cong

Chính vì Samsung không hề xa lạ gì với việc chế tạo các thiết bị có lớp kính cong, nhiều khả năng thiết bị mới, dự kiến sẽ được hãng điện thoại Hàn Quốc giới thiệu vào tháng 10, cũng sẽ đi theo con đường thiết kế của các đàn anh dòng Nexus. Màn hình cong giúp việc nghe điện thoại trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Hơn nữa về mặt thẩm mỹ nó cũng giúp người dùng trở nên nổi bật hơn trong đám đông. Nói tóm lại, khách hàng sẽ sở hữu một chiếc điện thoại bớt nhàm chán hơn.

Thế còn công nghệ màn hình dẻo thực sự thì sao? Tương lai của chúng vẫn còn ở khá xa. Việc tạo ra kính uốn cong là một chuyện, nhưng chế tạo ra chất liệu đủ dẻo và bền để có thể co giãn mà không bị vỡ hiện nay vẫn là rảo cản công nghệ.

Kể cả kính Corning Willow Glass, vốn có thể uốn được cũng chưa phải là giải pháp toàn diện. Lớp kính nằm ở trên tấm màn hình có thể uốn dẻo được nhưng còn tấm màn hình LCD và AMOLED ở phía dưới hiện tại chưa có vật liệu cho phép uốn nắn linh hoạt được. Thực sự, tấm màn hình LCD hay AMOLED mới là yếu tố cốt yếu.;

Ngành công nghiệp di động hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều chướng ngại vật về công nghệ và chất liệu, và chúng ta chưa thể sử dụng một chiếc điện thoại có thể uốn cong theo đúng nghĩa của nó, chừng nào những chướng ngại vật đó còn tồn tại.

Việt Dũng (Theo Cnet)

Chủ đề khác