VnReview
Hà Nội

5 đột phá công nghệ lớn sắp phổ biến trên smartphone

Giới smartphone gần đây đã quen với việc chỉ được đón nhận những cải tiến nhẹ về công nghệ trên các sản phẩm mới ra mắt. Tuy vậy, những tính năng sáng tạo chưa từng có trước đây sẽ xuất hiện trên các smartphone trong thời gian tới.

Trong một năm vừa qua, nhiều hãng đã đưa ra những tính năng khá thú vị để hấp dẫn khách hàng. Apple tích hợp cảm biến vân tay Touch ID vào iPhone 5s. Google và Motorola phát triển Moto X biết lắng nghe người dùng mọi lúc mọi nơi. Trong khi đó, LG và Samsung bước những bước đầu tiên trong sản xuất smartphone cong và màn hình dẻo.

Còn những rào cản công nghệ nào sẽ được ngành di động nghiên cứu và vượt qua? Hãy cùng tìm hiểu một số công nghệ có thể được áp dụng để nâng cao trải nghiệm smartphone trong tương lai.

Chụp ảnh nhanh hơn, lấy nét sau khi chụp

;

Công nghệ chụp ảnh đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Ở đây chúng ta không nói về việc nhét cảm biến camera kích thước cực khủng vào thân máy như chiếc Lumia 1020.

Hãng DigitalOptics đang phát triển hệ thống chụp ảnh MEMS (hệ thống vi cơ điện tử), cho phép tự động lấy nét với tốc độ cực nhanh và còn tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với công nghệ đang có hiện nay. Được đặt tên là mems|cam, module này có thể chụp liên tiếp 6 bức và lưu thành một file, giúp bạn có thể lấy nét sau khi chụp. Hơn nữa tốc độ chụp còn nhanh hơn gấp 7 lần so với công nghệ camera hiện nay. Oppo sẽ là nhà sản xuất đầu tiên tung ra smartphone được trang bị mems|cam.

đột phá smartphone

Đây là một bước tiến gần hơn tới một công nghệ rất thú vị có tên Lytro, sử dụng nhiều ống kính siêu nhỏ để chụp ảnh, cho phép bạn lấy nét và thay đổi góc ảnh sau khi đã chụp. Trừ khi các hãng sản xuất tìm ra cách sản xuất Lytro với kích thước nhỏ hơn, chúng ta vẫn phải chấp nhận sử dụng các tính năng chụp ảnh ít ấn tượng hơn. Dù sao mems|cam vẫn là một bước tiến lớn khi đem ra so sánh với camera của các smartphone cao cấp hiện tại.

Loa ngoài được nâng cấp đáng kể

Chất lượng loa ngoài của smartphone nhìn chung khá tồi, âm thanh không có chiều sâu. Tuy nhiên trong tương lai gần, chúng ta có thể sẽ được thưởng thức âm thanh tốt hơn nhiều phát ra từ những bộ loa ngoài. HTC đã dẫn đầu trong lĩnh vực này nhờ hợp tác với Beats Audio và công nghệ Boomsound. Quyết định đặt 2 loa ngoài ở phía trước trên HTC One mang đến chất lượng âm thanh loa ngoài tốt nhất từng thấy trên một chiếc smartphone. Tuy nhiên, do hạn chế về giá cả và thiết kế, hầu hết các nhà sản xuất chỉ trang bị một loa ngoài.

đột phá smartphone

Nhờ hãng bán dẫn NXP (Hà Lan), chúng ta sẽ được đón nhận thêm cải tiến nữa về chất lượng loa ngoài. TFA9895 là một bộ amplifier class-D hiệu suất cao với thuật toán bảo vệ khuyếch âm tinh vi, tích hợp sẵn công nghệ nén đa băng tần. Nói cách khác, linh kiện này mang tới chất lượng âm thanh được cải thiện, giảm độ méo mà không làm ảnh hưởng tới âm lượng và không tốn pin.

Dự kiến sẽ có nhiều smartphone được trang bị TFA9895 trong những tháng sắp tới. Khách hàng có thể mong chờ nhiều thiết bị hơn có loa ngoài stereo kép như HTC One. Nhờ vậy, chúng ta có thể tận hưởng âm thanh lớn và chất lượng cao hơn trên điện thoại mà không cần tới tai nghe.

Pin dung lượng lớn và sạc nhanh hơn

Hết pin vẫn là một trong những mối lo lớn nhất của hầu hết người dùng điện thoại thông minh. Ngày nay, với việc các hãng sản xuất tiếp tục nâng cấp độ phân giải màn hình và trang bị nhiều tính năng khác, vấn đề pin càng trở nên đáng quan tâm. Công nghệ pin li-ion hiện nay đòi hỏi kích thước lớn để chứa được nhiều điện năng hơn. Pin silicon nở ra khi sạc và co lại khi xả dẫn tới giảm tuổi thọ pin, dù các nhà nghiên cứu đang cố tìm cách qua mặt đặc tính này.

Graphen cũng là một loại chất liệu đang được quan tâm. Trong khi đó công nghệ in 3D có thể được áp dụng để chế tạo những viên pin siêu nhỏ. Vào tháng Năm vừa qua, một cô gái 18 tuổi có tên Eesha Khare đã chế tạo một bộ siêu tụ điện, cho phép sạc đầy pin smartphone chỉ trong 30 giây. Cô giành được giải thưởng của Intel và có thông tin cho rằng Google đang theo đuổi phát minh của Khare. Tuy nhiên, điểm yếu của công nghệ này là nó không thể giữ năng lượng trong một khoảng thời gian lâu như li-ion.

Các nguồn năng lượng thay thế và sạc không dây

đột phá smartphone

 

Một trong những cách đối phó với vấn đề về pin đó là xem lại nguồn năng lượng mà chúng ta khai thác.

Sạc không dây đã xuất hiện được một thời gian khá dài nhưng phải đến khi được áp dụng rộng rãi người ta mới thấy sự tiện lợi của nó. Tuy vậy, một trong những rào cản để đưa sạc không dây đến với nhiều người dùng hơn là việc thiếu đi một chuẩn chung trong khi có nhiều công nghệ sạc không dây khác nhau. Chuẩn Qi đang là chuẩn đi đầu hiện nay, trong khi đó Samsung cũng đang phát triển một bộ sạc không dây cộng hưởng từ có thể hoạt động từ một khoảng cách xa hơn. Điều đó có nghĩa là smartphone trong túi quần của bạn cũng có thể được sạc nếu có một bộ sạc gần nơi bạn đứng.

đột phá smartphone

Một tiềm năng nữa đến từ những thiết bị có khả năng tự sạc. Trên thị trường hiện nay đã có những bộ sạc và bộ vỏ kèm pin gắn ngoài sử dụng năng lượng mặt trời. Pin mặt trời còn được tích hợp vào bên trong màn hình, tuy nhiên công nghệ này vẫn đang nằm trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Dù vậy, không một công nghệ năng lượng mặt trời nào đem lại đủ nguồn điện, hơn nữa còn đòi hỏi ánh nắng chiếu trực tiếp.

Công nghệ dẻo

Samsung và LG đang giành vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến smartphone màn hình dẻo, nhưng chắc chắn vào thời điểm hiện tại chúng sẽ không gây được ấn tượng đối với bạn. Thế hệ màn hình dẻo đầu tiên chỉ chú trọng vào độ bền và tích hợp trên thân máy cứng. Không còn lo ngại bị nứt, vỡ màn hình nhưng điều thú vị nhất ở công nghệ dẻo là nó dẫn tới sự ra đời của các kiểu dáng điện thoại mới.

đột phá smartphone

Thiết bị trong mơ sẽ có khả năng nhét vừa túi quần, lại có thể mở ra để trở thành một chiếc máy tính bảng 10 inch. Vấn đề nằm ở chỗ ngoài tấm nền màn hình, các linh kiện khác trong máy không thể được uốn dẻo.

Graphen có thể là chất liệu giúp hiện thực hóa thiết bị trong mơ kể trên và đang được nghiên cứu rất sâu rộng. Graphen là một lớp carbon rất khỏe và dẻo, có thể sử dụng làm bộ tụ điện. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng graphen để chế tạo pin, vừa khiến điện thoại trở nên dễ uốn cong hơn. Điều đáng buồn là chúng ta vẫn còn cách tương lai đó nhiều năm, nhưng biết đâu ngành công nghiệp di động sẽ sớm được chứng kiến bước đột phá quan trọng nào đó.

Việt Dũng

Theo Android Authority

Chủ đề khác