VnReview
Hà Nội

Sẽ thu hồi tần số của S-Fone và EVN Telecom đang bị "đắp chiếu"

Bộ TT&TT đang xem xét thu hồi băng tần trước đây cấp cho S-Fone và EVN Telecom vì hai băng tần này đã "đắp chiếu" hơn 1 năm nay.

Nhiều mạng di động đã không còn tồn tại trên thị trường di động Việt Nam.

Theo ICTNews, Bộ TT&TT đang chỉ đạo Cục Viễn thông xem xét thu hồi lại băng tần 450 MHz cấp cho EVN Telecom và băng tần 850 MHz cấp cho S-Fone đã ngừng cung cấp dịch vụ, không hoạt động nữa.

Hiện băng tần 450 MHz cấp cho EVN Telecom đã được bàn giao nguyên trạng cho Viettel theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2011. Sau đó, từ ngày 28/12/2011, Viettel tiến hành chuyển đổi khách hàng đang sử dụng mạng EVN Telecom chuyển sang sử dụng mạng Viettel và chính thức khai tử mạng CDMA dùng băng tần 450 MHZ của EVN Telecom xây dựng trước đó.

Theo các chuyên gia viễn thông băng tần 450 MHz là băng tần thấp hay bị can nhiễu nên rất ít quốc gia sử dụng băng tần đó để cung cấp dịch vụ di động. Như vậy, băng tần này có ít giá trị về mặt kinh tế và cũng là một trong những nguyên nhân khiến EVN Telecom phải "sang tên đổi chủ". Hiện băng tần 450 MHz cũng không còn giá trị sử dụng đối với Viettel sau khi doanh nghiệp này khai tử mạng CDMA của EVN Telecom chuyển sang.

Các chuyên gia cho rằng, trái ngược với băng tần đã cấp phép cho EVN Telecom, băng tần 850 MHz đã cấp cho S-Fone được cấp thuộc loại tốt nhất hiện nay và nó sẽ tạo lợi thế cho nhà mạng nào sở hữu nó. Vì vậy, khi mạng S-Fone không cầm cự nổi trên thị trường thì đã có doanh nghiệp viễn thông "nhòm ngó" băng tần này. Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cũng nhiều lần lên tiếng rằng S-Fone không đóng phí tần số vài năm nay. Vậy là đã đủ cơ sở để thu hồi băng tần này ngay cả khi S-Fone vẫn hoạt động chứ không phải đến khi S-Fone ngừng hoạt động như hiện nay.

Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Hoàng Sỹ Hóa, Tổng giám đốc SPT cho biết vẫn duy trì tối thiểu mạng S-Fone, nhưng qua theo dõi không còn thấy phát sinh lưu lượng. Theo ông Hoàng Sỹ Hóa, SPT đang đàm phán với SK Telecom về phần xử lý những thiết bị mạng của S-Fone. "Hiện hạ tầng mạng của S-Fone vẫn là tài sản của Hàn Quốc (SK Telecom;- PV) nên chưa thể thay đổi hoặc tối ưu được. SPT đang đàm phán thanh lý để SK Telecom rút hẳn ra khỏi S-Fone", ông Hoàng Sỹ Hóa nói. Còn ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, để giải quyết dự án S-Fone thì SPT và đối tác SK Telecom phải đàm phán với nhau nhằm xử lý vấn đề hạ tầng của mạng di động này.

Trả lời ICTnews trước đó về vấn đề liệu cơ quan quản lý có "thả phao" cứu các doanh nghiệp viễn thông sắp phá sản hay không? Ông Phạm Hồng Hải khẳng định, về phía Bộ TT&TT sẽ kiên quyết quan điểm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Những doanh nghiệp nào có năng lực cạnh tranh tốt thì tồn tại, bất kể đó là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.

"Doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lý, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ TT&TT sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này. Nhưng cũng sẽ không bảo vệ bằng mọi giá tất cả doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh. Vì vậy, những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh thì hoàn toàn có thể bị chết, chấm dứt và rút khỏi thị trường", ông Phạm Hồng Hải nói.

Việc xem xét thu hồi băng tần đã cấp cho EVN Telecom và S-Fone sẽ đặt dấu chấm hết cho mạng S-Fone cho dù SPT có hoàn thành thủ tục đàm phán để thanh lý với đối tác SK Telecom hay không. Như vậy, sự "ra đi" của S-Fone dẫu sao cũng để lại trong lòng người dùng Việt Nam một sự nuối tiếc bởi đây là mạng di động Việt Nam đầu tiên phá thế độc quyền trong lĩnh vực di động của VNPT và cũng là mạng một thời đình đám với slogan "nghe là thấy".

Theo ICTNews

Chủ đề khác