VnReview
Hà Nội

Viễn thông Việt Nam ra sao sau tái cơ cấu VNPT?

Việc MobiFone tách khỏi tập đoàn VNPT sẽ có tác động như thế nào tới thị trường viễn thông Việt Nam? VinaPhone và MobiFone sẽ cạnh tranh với nhau như thế nào? Đó là những vấn đề đang được dư luận quan tâm sau khi Đề án tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng phê duyệt hôm 10/6 vừa qua.

Quyết định số 888/QĐ-Ttg ký ngày 10/6 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn VNPT, theo đó sẽ điều chuyển nguyên trạng mạng di động MobiFone tách khỏi tập đoàn VNPT về trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT).

Việc tái cơ cấu tập đoàn VNPT được đánh giá là sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của VinaPhone và MobiFone

Chuyển từ "anh em" sang "đối thủ" hay "đối tác"?

Sau khi tách khỏi VNPT, chuyển biến đầu tiên tác động tới thị trường viễn thông sẽ là việc VinaPhone và MobiFone từ "anh em một nhà" chuyển sang thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau, không còn dùng chung hạ tầng và đồng bộ trong các kế hoạch đầu tư, kinh doanh. Đây sẽ là khác biệt lớn nhất và tạo ra chuyển biến mới của thị trường viễn thông.

Trước mắt, việc chia tách mối quan hệ "liên thủ" giữa VinaPhone và MobiFone sẽ làm hạn chế phần nào khả năng cạnh tranh của 2 nhà mạng này trước mạng di động nắm thị phần khống chế Viettel. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, về lâu dài việc chia tách này sẽ giúp VinaPhone và MobiFone chủ động về chiến lược kinh doanh và có động lực phát triển tốt hơn.

Việc dùng chung hạ tầng truyền dẫn và kết nối liên mạng giữa VinaPhone-MobiFone về cơ bản cũng có thể chuyển đổi sang thành các hợp đồng kinh tế song phương, đảm bảo quyền lợi mỗi bên để cùng nhau phát triển. Về tổng quan, mối quan hệ Vina-Mobi sẽ trở thành đối tác nhiều hơn là đối thủ trên thị trường viễn thông.

Trong vai trò đối tác, MobiFone sẽ được lợi nhiều hơn so với trước đây, bởi không còn phải theo cơ chế xin-cho của tập đoàn VNPT mà chuyển sang thỏa thuận hợp tác. Đơn cử như việc roaming thuê bao của MobiFone sang VinaPhone ở vùng sâu vùng xa, nơi số trạm BTS của MobiFone khá ít, hiện các thuê bao trả sau của MobiFone cũng vẫn chỉ dùng được sóng của VinaPhone để thoại và nhắn tin, chứ không thể kết nối Internet, dù là kết nối GPRS hay EDGE, mặc dù thuê bao VinaPhone ở cùng vị trí có thể dùng kết nối 3G rất tốt.

Trong khi đó, các dịch vụ roaming hiện nay trên thế giới đều hỗ trợ kết nối dữ liệu chứ không chỉ đơn thuần là thoại và tin nhắn. Nếu theo cơ chế thỏa thuận hợp tác, MobiFone hoàn toàn có thể ký hợp đồng kinh tế để thuê bao của mình roaming cả kết nối dữ liệu sang mạng VinaPhone, chứ không bị hạn chế như hiện nay.

Cạnh tranh để tạo động lực phát triển

Trước đây, trong giai đoạn Viettel bứt phá từ một mạng di động nhỏ, giá rẻ để trở thành một nhà mạng ngang hàng rồi vượt qua cả VinaPhone và MobiFone, nguyên do chính khiến 2 nhà mạng đàn anh bị chậm chân chính là bởi bộ máy cồng kềnh và cơ chế xin-cho chậm chạp của tập đoàn VNPT.

Hơn ai hết, lãnh đạo các mạng VinaPhone và MobiFone khi đó đều cảm nhận rõ sức nóng cạnh tranh từ Viettel phả vào gáy, khi mỗi ngày có tới hàng chục ngàn thuê bao rời mạng chuyển sang Viettel. Nhưng họ cũng không thể trở tay kịp vì bất kỳ chương trình khuyến mại hay kế hoạch đầu tư hạ tầng nào cũng đều phải thông qua tập đoàn xét duyệt, và thường phải hàng tháng sau mới triển khai được. Khi kế hoạch được duyệt thì thị trường đã chuyển sang một giai đoạn mới, thuê bao mới cũng đã bị mạng đối thủ thu hút hết.

Về lâu dài, việc tách khỏi VNPT sẽ giúp MobiFone hoạt động chủ động và hiệu quả hơn, không mất thời gian chờ tập đoàn phê duyệt dự án đầu tư hay kế hoạch kinh doanh (về bản chất là để đồng bộ với hoạt động kinh doanh của VinaPhone), nên sẽ nhanh nhạy với thị trường hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Công ty TNHH VNPT-VinaPhone được thành lập theo Đề án tái cơ cấu VNPT cũng sẽ hợp nhất các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ viễn thông của VNPT để tăng cường hiệu quả hoạt động, dựa trên việc hợp nhất mảng kinh doanh dịch vụ của các công ty như VinaPhone, VDC, VTN, VTI .

Công ty VNPT-VinaPhone do vậy sẽ phải vận dụng mọi năng lực và thế mạnh vốn có về dịch vụ viễn thông của VNPT để trụ vững và theo kịp "cuộc đua tam mã" của thị trường di động, tránh bị tụt hậu. Đây là nhiệm vụ sống còn, bởi doanh thu của VinaPhone vẫn đang đóng vai trò chủ đạo trong tổng doanh thu của cả tập đoàn VNPT.

Thế chân vạc sẽ bớt nghiêng?

Kể từ khi Viettel vượt lên trên VinaPhone và MobiFone, thế chân vạc của thị trường viễn thông di động tại Việt Nam đã được ví như chiếc vạc nghiêng, với một chân cao hơn hẳn. Mới đây, kỷ niệm 25 năm thành lập, tập đoàn Viettel cũng đã mạnh dạn công bố con số đang nắm giữ tới 51,1% thị phần di động tại Việt Nam. Như vậy, tổng số thị phần hiện tại của cả VinaPhone và MobiFone cộng lại vẫn thấp hơn Viettel, và đó là một thực tế mà chỉ 5 năm trước, không mấy ai dám nghĩ là thật.

Theo nhìn nhận khách quan của giới chuyên môn, trong giai đoạn để Viettel vượt lên, tập đoàn VNPT đã lộ rõ sự cồng kềnh trong bộ máy và chậm chạp trong phản ứng với nhu cầu của thị trường, khiến thuê bao chuyển mạng hàng loạt trước sức hút của nhà mạng quân đội.

Nhưng với việc tái cơ cấu mô hình tập đoàn và sự chuyển giao sang thế hệ lãnh đạo trẻ năng động, nhiệt huyết, VNPT vẫn còn rất nhiều cơ hội để khai thác những thế mạnh tiềm tàng từng bị lãng quên.

Tác động lớn nhất tới thị trường viễn thông từ việc tái cơ cấu VNPT sẽ là làm tăng áp lực cạnh tranh, khi cả VinaPhone và MobiFone sẽ đều hoạt động độc lập và tập trung vào cuộc đua của thị trường, chứ không còn vừa chạy vừa chờ nhau như trước. Điều này cũng hứa hẹn thị phần của VinaPhone và MobiFone sẽ có sự cải thiện tốt hơn, và cũng không ngoại trừ khả năng tổng thị phần của 2 nhà mạng này sẽ vượt qua Viettel trong thời gian tới.

Theo Vietnamnet

Chủ đề khác