VnReview
Hà Nội

6 công nghệ và sản phẩm gây thất vọng nửa đầu năm 2014

Trong 6 tháng vừa qua, nhiều công nghệ cùng các tiến bộ mới đã lần lượt được ra mắt người sử dụng, nhưng cũng có những công nghệ không thực sự hữu ích hoặc là sản phẩm thất bại.

Chúng ta sẽ cùng điểm lại danh sách những điều gây thất vọng trong nửa đầu năm 2014 dưới đây, theo đánh giá của trang công nghệ Phonearena.

1. Công nghệ UltraPixel trên HTC One M8

Nhìn chung, HTC One M8 là một chiếc điện thoại hoàn hảo, ngoại trừ một điểm trừ nhỏ là công nghệ UltraPixel. Dù sở hữu các ưu điểm như hệ thống camera kép Duo Cam cho phép máy bắt ảnh nhanh hơn, các hiệu ứng chỉnh sửa ảnh thú vị, nhưng cảm biến có độ phân giải thấp cùng sự thiếu sót về phần mềm bổ trợ lại khiến cho những bức ảnh được chụp từ HTC One M8 chưa thực sự ấn tượng. Nếu bạn cần thêm bằng chứng? Hãy theo dõi khả năng chụp ảnh của nó so với các sản phẩm cao cấp tại đây.

2. Công nghệ nhận dạng dấu vân tay trên Samsung Galaxy S5

Video trải nghiệm nhận dạng vân tay trên Galaxy S5

Khi chiếc Galaxy S5 được giới thiệu, nhận dạng dấu vấn tay là một trong những tính năng nổi bật nhất. Tuy nhiên khi sử dụng, tính năng này không còn "tuyệt vời" như lời giới thiệu từ Samsung. Bị đặt cạnh công nghệ nhận dạng vân tay khá tốt của Apple, chiếc điện thoại của Samsung trở nên yếu thế. Với Apple ID, người dùng chỉ cần thao tác chạm, trong khi trên Galaxy S5 cần tới thao tác vuốt thiết bị mới có thể nhận dạng vân tay. Điều này gây khó chịu cho người sử dụng, nhất là khi dùng điện thoại bằng một tay. Ngoài ra, độ chính xác là điều Samsung cần cải thiện nhiều trong thời gian sắp tới. Tham khảo bài "Đánh giá chi tiết Samsung Galaxy S5".

3. Máy đo nhịp tim trên Samsung Galaxy S5

Cũng như công nghệ nhận dạng dấu vân tay, máy đo nhịp tim là tính năng nhận được nhiều sự quan tâm trong buổi ra mắt Galaxy S5. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng, máy đo này không ứng dụng được nhiều vào thực tiễn. Bởi vì, điều mà người dùng cần không phải là một chiếc máy bắt họ phải dừng các hoạt động lại mới có thể đo được nhịp tim. Ngoài ra, độ chính xác cũng là vấn đề cần được Samsung quan tâm hơn cho các phiên bản sau.

Video trải nghiệm tính năng nhận dạng vân tay trên Galaxy S5

4. Hạn chế trong việc cung cấp siêu phẩm OnePlus One

OnePlus One là một siêu phẩm điện thoại Android đầu tay của nhà sản xuất non trẻ OnePlus. Sở hữu một cấu hình siêu "khủng", cùng mức giá phải chăng (chỉ 299 USD - khoảng 6,5 triệu đồng), OnePlus One đã thành công trong việc chiếm được sự mong đợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên người tiêu dùng chỉ có thể mua nó khi nhận được lời mời từ OnePlus, đây chính là nguyên nhân khiến OnePlus One mất nhiều khách hàng tiềm năng.

5. Điện thoại Android của Nokia

Thời gian qua, Nokia đã gây ngạc nhiên khi liên tiếp giới thiệu nhiều điện thoại giá chạy trên nền tảng Android. Cho đến nay, họ đã các sản phẩm: Nokia X, Nokia X+, Nokia XL và sản phẩm mới Nokia X2. Giới công nghệ đã kì vọng Nokia có thể tạo nên sự khác biệt trong dòng điện thoại Android phổ thông giá rẻ so với các hãng khác. Tuy nhiên, tên tuổi lớn này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Dòng điện thoại Nokia X vẫn hoạt động rất chậm chạp, chỉ sở hữu cấu hình thấp và hạn chế lựa chọn các ứng dụng. Tham khảo bài "Đánh giá điện thoại Nokia X".

6. Ưu nhược điểm của màn hình QHD (1440 x 2560 pixel)

Bạn sẽ cảm thấy thật tuyệt vời khi sở hữu một màn hình QHD cùng với đồ họa siêu sắc nét của nó trên smartphone của mình. Nhưng bạn đã từng tìm hiểu về những nhược điểm có thể có của việc màn hình này có quá nhiều điểm ảnh chưa? Câu trả lời cho các nhược điểm đó là một câu hỏi khác: "Liệu chúng ta đã thực sự vượt qua tiêu chuẩn 1080p?" Ngoài ra, qua các thử nghiệm trên điện thoại LG G3 hay Oppo Find 7, màn hình QHD đã bộc lộ thêm nhược điểm về việc đòi hỏi và tiêu hao một lượng điện năng quá lớn.

Hoàng Anh

Theo PhoneArena

Chủ đề khác