VnReview
Hà Nội

Ứng dụng gọi taxi sôi động ở Ðông Nam Á

Sự xuất hiện của các ứng dụng gọi taxi trên điện thoại thông minh được cho là đem lại luồng gió mới trong tình trạng giao thông tồi tệ tại các đô thị lớn ở ASEAN.

Theo Reuters, trong số 10 thành phố tồi tệ nhất để đón taxi theo xếp hạng của trang tourism-review.com hồi tháng 3 thì hết một nửa đã là các đô thị ở ASEAN, trong đó có Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines), Phnom Penh (Campuchia) và Bangkok (Thái Lan).

Tại Singapore, trước khi có những ứng dụng di động gọi taxi thì việc đón taxi khá mệt mỏi, nhất là vào giờ cao điểm. Bangkok thì không xa lạ gì với "đặc sản" kẹt xe. Vào giờ cao điểm, chuyện tài xế taxi từ chối chở khách vì đường xa, tắc đường hay trời mưa là chuyện thường diễn ra.

Tại Manila, không chỉ có chuyện taxi từ chối chở khách mà ngay cả khi khách đã lên được taxi, đôi lúc cũng bị tài xế lừa lọc hay làm tiền. Kuala Lumpur không khá hơn khi tài xế thường thỏa thuận giá với khách chứ không bật đồng hồ tính cước.

Ngày càng nhiều người ở Đông Nam Á dùng ứng dụng di động để gọi taxi - Ảnh: AFP

Thị trường sôi động

Các ứng dụng gọi taxi những năm gần đây trở nên quen thuộc ở Ðông Nam Á. Các ứng dụng kiểu này giúp hành khách gọi taxi thông qua vài cú chạm trên điện thoại thông minh, đảm bảo có xe đến sớm nhất, theo dõi được xe đang ở vị trí nào và sắp đến nơi chưa. Hệ thống đánh giá tài xế trong các ứng dụng cũng khiến tài xế taxi phải trung thực và đàng hoàng hơn.

Ứng dụng Uber, ra mắt năm 2009, nay đã có mặt ở 45 quốc gia với tầm phủ sóng hơn 100 thành phố. Ứng dụng này cho phép người dùng gọi xe riêng không dán mác taxi. Cước đi xe sẽ dựa trên quãng đường và thời gian di chuyển. Số tiền sẽ được trừ tự động vào thẻ ngân hàng của khách. Theo AFP, hiện Uber đã có mặt tại nhiều đô thị ở ASEAN như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, Jakarta và TP.HCM.

GrabTaxi lại là một ứng dụng tập trung khu vực Ðông Nam Á. Khai trương năm 2012 ở Malaysia, GrabTaxi giờ đây cũng có mặt ở Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và cả Việt Nam. Không giống như Uber, GrabTaxi giúp người sử dụng gọi những chiếc taxi thông thường.

Ngoài Uber và GrabTaxi, các ứng dụng khác đang tham gia thị trường này tại ASEAN như Easy Taxi và Blue Bird, một ứng dụng của Indonesia. Theo trang iMoney Philippines, GrabTaxi hiện là ứng dụng gọi taxi mạnh nhất Ðông Nam Á. Cứ mỗi hai giây lại có một lệnh gọi taxi được thực hiện thông qua ứng dụng này tính trên cả khu vực.

Giới tài xế cũng cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng dụng gọi taxi đang đem lại lợi ích cho họ. Một tài xế Singapore nói doanh thu của anh ta tăng 20-30% kể từ khi tham gia ứng dụng gọi taxi. "Ðó là việc đôi bên cùng có lợi. Hành khách đỡ phải đợi và tài xế chúng tôi không phải đi lòng vòng tìm khách, tiết kiệm được thời gian và tiền xăng" - tài xế này nói.

Vấn đề pháp lý

Uber nói họ luôn chào đón sự cạnh tranh và sẵn sàng đối mặt với các đối thủ khác như GrabTaxi, Blue Bird hay Easy Taxi. AFP dẫn lời tổng giám đốc khu vực Ðông Nam Á của Uber Michael Brown nói: "Khi người ta được đem đến nhiều lựa chọn, đó là một điều tốt".

Tuy nhiên, theo Reuters, chính quyền Malaysia và Indonesia cho rằng việc Uber "gọi" các xe hơi riêng của các công ty khác là không tuân theo các quy định gắt gao mà taxi truyền thống đang phải tuân thủ. Uber luôn phản đối lập luận này, họ khẳng định chỉ làm trung gian kết nối tài xế và khách hàng hơn là đóng vai trò một công ty thuê xe.

Sở Giao thông Jakarta vẫn giữ quan điểm Uber làm trái luật. Tại Malaysia, chính quyền bắt đầu truy quét các xe riêng sử dụng cho dịch vụ Uber kể từ ngày 1-10 và phạt mỗi tài xế vi phạm tới 10.000 MYR (khoảng 3.070 USD). Báo Malay Mail Online dẫn lời ông Brown nói việc cấm các tài xế từ các công ty kiếm sống và ngăn việc người dân có một phương tiện di chuyển an toàn và tin cậy không chỉ ảnh hưởng đến người dân và du khách, mà còn làm tổn thương cả thành phố.

Uber cũng vấp phải các vấn đề pháp lý tại San Francisco, New York (Mỹ) hay Frankfurt (Ðức). Tại Seoul (Hàn Quốc), giới

chức cho rằng dịch vụ này nên tuân theo các quy định như taxi bình thường hoặc các công ty cho thuê xe.

Reuters dẫn lời chuyên viên tư vấn xu hướng tiêu dùng Daphne Kasriel-Alexander thuộc Công ty tư vấn Euromonitor International nói rằng "hệ thống giao thông công cộng không tương xứng và quá tải", cộng với việc người tiêu dùng trung lưu đang tăng lên đã thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng gọi xe ở Ðông Nam Á.

Gần đây GrabTaxi tung ra dịch vụ GrabCar cho phép người dùng gọi xe riêng kiểu như Uber. Uber cũng đã có dịch vụ UberTaxi, kết nối người dùng với các taxi đăng ký thông thường như đối thủ GrabTaxi.

-----------------o0o------------------

Uber bị soi tại TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Ðường bộ VN có chỉ đạo để giải quyết làm rõ tính pháp lý của dịch vụ Uber. Theo sở, trong loại hình dịch vụ taxi mới này, những xe tham gia dịch vụ không có phù hiệu taxi, logo, đồng hồ tính tiền cước. Về bản chất, đây là loại hình xe hợp đồng vận tải nhưng không được các cơ quan chức năng cấp phép và không có phù hiệu xe chạy hợp đồng theo quy định hiện hành.

Ðiều này dẫn đến bức xúc cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tài xế taxi, ảnh hưởng đến trật tự vận tải trên địa bàn TP.HCM. Trước đó, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ xe Uber và cho rằng nếu dịch vụ này phát triển sẽ ảnh hưởng tới "nồi cơm" của hàng ngàn tài xế taxi tại TP.HCM.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề khác