VnReview
Hà Nội

Qualcomm có quyền năng như thế nào trong làng di động?

Qualcomm là vị chúa tể có quyền năng vô hạn và có mặt khắp mọi nơi trong ngành di động nhưng không phải ai cũng nhận thấy được sức mạnh của tập đoàn này.;

Qualcomm hiện diện bên trong hầu hết smartphone tên tuổi bán ra ở thị trường Mỹ. Từ những chiếc máy cao cấp như LG G2, G3 hoặc dòng Xperia Z của Sony hay dòng One của HTC, các máy của Motorola cho tới các máy Windows Phone, BlackBerry đều có "trái tim" là Snapdragon – hệ thống vi xử lý tích hợp (chipset) nổi tiếng của Qualcomm.

Thậm chí, ngay cả hai nhà sản xuất smartphone hàng đầu hiện nay, Apple và Samsung, dù đã cố "tự lập" phát triển bộ vi xử lý riêng, dòng A của Apple và Exynos của Samsung nhưng những sản phẩm chủ chốt của họ vẫn không thoát khỏi sự "dựa dẫm" vào modem LTE của Qualcomm. Tuy nhiên, đây vẫn mới chỉ là một góc nhỏ trong tầm ảnh hưởng sâu rộng của hãng bán dẫn này. Ngoài sức mạnh tới từ chipset vi xử lý, Qualcomm còn ghi tên cả mình vào hàng loạt những tính năng hữu ích khác hiện đang có mặt trên các mẫu di động mà chưa chắc người dùng đã biết tới.

Cách đây hơn một tuần, nhà mạng Verion của Mỹ trình làng chiếc Motorola Droid Turbo với những thông số cấu hình hấp dẫn, trong đó có một khả năng vô cùng độc đáo có tên gọi Moto Turbo Charger. Tính năng này cho phép người dùng chỉ sạc 15 phút là đủ pin để sử dụng máy tới 8 giờ đồng hồ. HTC cũng có tính năng tương tự gọi là Rapid Charger hay Samsung Galaxy Note 4 có tính năng sạc từ 0% đến 50% pin trong 30 phút. Những tính năng sạc nhanh này dù được gọi dưới nhiều cái tên "hoa mỹ" hoặc đến từ các nhà sản xuất điện thoại khác nhau nhưng chúng đều có một điểm chung không thể "chối bỏ" là được "khởi nguồn" từ tính năng Quick Charge 2.0 của Qualcomm.

Chúng ta thường chỉ biết rằng, Google và Apple là hai "đầu tàu" dẫn dắt công cuộc phát triển của công nghệ thiết bị di động toàn cầu. Song ít ai biết được, Qualcomm mới chính là "người hùng thầm lặng" hiện thực hóa những ý tưởng để dẫn đến thành công của cuộc cách mạng này.

Đơn giản hơn, chúng ta có thể hiểu, nếu không có các bộ vi xử lý tích hợp Snapdragon chứa đựng rất nhiều cảm biến bên trong nó, hàng loạt những tính năng thú vị như Dot View hay Motion Launch trên dòng HTC One đều sẽ trở nên vô dụng. Hay ngay cả khả năng tiết kiệm pin tuyệt vời trên chiếc Sony Xperia Z3 hoặc Z3 Compact từng làm tốn "không ít giấy mực" của giới truyền thông cũng được hoạt động chủ yếu dựa trên bộ vi xử lý Snapdragon 801 có tích hợp chip quản lý năng lượng của Qualcomm.

Theo Steve Horowitz, giám đốc phần mềm Motorola (cựu kỹ sư Android) cho biết, "mối quan hệ đối tác tuyệt vời" với nhà sản xuất Snapdragon chính là "bí quyết" giúp hãng có tốc độ nâng cấp phần mềm thần tốc. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất điện thoại khác cũng đều dành những "lời có cánh" khi nói về người khổng lồ này. HTC đã nhận định, "Qualcomm là một đối tác cực kỳ quan trọng của chúng tôi". Hay như LG cũng từng công bố: "Chúng tôi và Qualcomm đang có được mối quan hệ đối tác tuyệt vời dựa trên sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau". Hãng sản xuất điện thoại đến từ Hàn Quốc còn cho biết thêm, "Dù tại cùng một thời điểm, có thể có nhiều sự lựa chọn cho cùng một vấn đề, song chính nhờ có những sự cách tân đến từ Qualcomm, sản phẩm của chúng tôi đã leo được lên đỉnh của thế giới".

Video với tựa đề "Tiến bộ giúp kết nối và thay đổi cuộc sống ở khắp mọi nơi" của Qualcomm

Không thể phủ nhận, Qualcomm dường như đang "một mình một ngựa" độc hành trong suốt cuộc chạy đua sản xuất chipset (ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại) giữa các "ông lớn" trên thế giới. Tuy miễn cưỡng có thể nhắc đến "cựu" đối thủ, Nvidia với dòng chipset Tegra và K1 mới trong Nexus 9 và Shield Tablet khá ấn tượng, nhưng về cơ bản thì công ty này đã rút chân ra khỏi thị trường điện thoại thông minh từ lâu. Nỗ lực gần nhất trong quá khứ nhằm cạnh tranh với Qualcomm của Nvidia là bộ vi xử lý Tegra 3 trên HTC One X từ năm 2012 và tất nhiên cuộc "nổi dậy" này đã thất bại sau đó.

Không chỉ dừng lại tại đây, ngoài vị thế đã có trên thị trường thiết bị di động, Qualcomm cũng đang từng bước xâm chiếm các thị trường khác, gồm smartwatch và các thiết bị nghe nhìn. Cho đến nay, Qualcomm cũng đã gặt hái được một số thành công nhất định. Những chipset do hãng sản xuất đã được các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn tin dùng cho các thiết bị đeo như LG G Watch R, Samsung Gear S, … và nhiều sản phẩm khác.

Dẫu thành công và nổi tiếng là vậy, nhưng mọi sự việc đều phải nhìn nhận theo hai mặt của vấn đề. Xét theo chiều hướng tiêu cực, chính sự độc tôn của Qualcomm lại khiến các nhà sản xuất khó chịu vì phải quá phụ thuộc vào Snapdragon. Do đó, nhiều hãng cũng đã và đang tự mình gia công những chipset riêng mang thương hiệu của bản thân như Huawei với bộ vi xử lý lõi tứ hãng tự phát triển, hay Samsung với dòng Exynos hoặc gần đây nhất là sự xuất hiện của bộ vi xử lý lõi tám NUCLUN đến từ LG, … Song, LG cũng đã nhanh chóng chỉ ra rằng, "NUCLUN AP của công ty sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất sự linh hoạt hơn chút về các sự lựa chọn, nhưng về cơ bản, chúng không thể nào thay thế được dòng Snapdragon".

Tuy vậy, để lật đổ được "ngôi vương" của Qualcomm không hề đơn giản. Không phải ngẫu nhiên mà hãng này này lại có "uy quyền" thống trị lâu đến như vậy. Thành công như ngày hôm nay của hãng có được là nhờ những quyết định vô cùng cẩn thận, sáng suốt, đúng thời điểm, nghiên cứu kỹ và không được phép mắc sai lầm của những người quản lý công ty. Điển hình như, với sự lựa chọn chính xác trong cuộc chiến quyết định công nghệ mạng di động thế hệ tiếp theo (thay vì WiMAX thì công ty đã chọn LTE để tích hợp cho những sản phẩm của mình) đã giúp mang lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ cùng vị thế vững chắc cho Qualcomm, cũng như là những lợi ích to lớn cho các đối tác của hãng và người dùng thiết bị đầu cuối trên toàn thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, hãng còn dành rất nhiều tiền đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm và không ngừng cải thiện bản thân. Theo các số liệu thống kê, chỉ trong vòng 29 năm vận hành, Qualcomm đã chi tới hơn 30 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D).

Nhìn chung, sức ảnh hưởng của Qualcomm đến thế giới di động hiện nay là vô cùng lớn. Trong tương lai gần trước mắt, có lẽ vẫn chưa xuất hiện điều gì có thể gây ảnh hưởng cho vị thế "độc tôn" của người khổng lồ này. Tuy nhiên, cây to đón gió vẫn là quy luật không đổi từ trước đến nay. Để củng cố vững chắc và bảo vệ cho ngôi vương của mình, những nỗ lực trong tương lai của Qualcomm chắc chắn sẽ phải không hề nhỏ.  

Hoàng Anh

Theo TheVerge

Chủ đề khác