VnReview
Hà Nội

iPhone cũ dù đã qua "mông má" lại vẫn... hot

Nhu cầu cao khiến việc bán iPhone cũ tân trang lại đang là ngón nghề béo bở của các cửa hàng kinh doanh điện thoại. Trung bình khi bán một chiếc iPhone 5, 5s cũ được tân trang, người bán sẽ lãi từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng/máy. Với các dòng iPhone đời mới (iPhone 6,6 Plus) thì mức lợi nhuận cũng cao hơn, dĩ nhiên là tùy thuộc vào trình độ "mông má" của cửa hàng.

Máy iPhone cũ vẫn đắt hàng

Chỉ cần bỏ ra hơn 7 triệu đồng, người dùng đã có thể sắm cho mình một chiếc iPhone 5s 16GB đã qua sử dụng với hình thức đẹp nhưng rẻ hơn hàng xách tay mới từ 3-4 triệu đồng, thậm chí, chỉ bằng nửa giá hàng chính hãng. iPhone 5s loại second-hand như thế lúc nào cũng đắt hàng.

Giống như 5s, giá bán iPhone 5c bản khóa mạng tại Hà Nội đang là khoảng 3,5 triệu đồng, mức giá tốt khiến nó trở thành một trong những smartphone được nhắc đến nhiều nhất trong một tuần trở lại đây.

Dù vậy, theo giới buôn điện thoại ở Hà Nội thì iPhone 5 mới là dòng sản phẩm bán chạy nhất trong số các máy iPhone đời cũ. Anh Phương, chủ một cửa hàng bán iPhone trên phố Lý Nam Đế, tiết lộ iPhone 5 bản 16GB (giá dao động trong khoảng 5,5 - 5,8 triệu) luôn trong tình trạng cháy hàng. "Khách mua hàng thường phải gọi đặt trước vài ngày thì mới có máy dùng", anh Phương cho biết. Trung bình, một ngày cửa hàng anh có thể bán ra được 4 đến 5 máy, chiếm đến gần nửa doanh số cả ngày.

iPhone cũ có giá rẻ hơn khá nhiều so với hàng mới

Còn theo anh Nhật, chủ một cửa hàng bán điện thoại trên phố Kim Mã, thì so với các dòng điện thoại cùng tầm giá là Galaxy E7, HTC Desire 816G, Xperia C3, rõ ràng, thương hiệu Táo Khuyết và hiệu năng tốt đã giúp iPhone 5 phần nào chiếm được lợi thế hơn. Bởi máy có thể phục vụ hầu hết những nhu cầu của người dùng hiện nay như đàm thoại, chụp ảnh, nghe nhạc, giải trí… Các mẫu iPhone 5 hay iPhone 5c đã qua sử dụng được người trẻ như học sinh, sinh viên mua khá nhiều vì giá tốt, trong khi 5s thì kén khách hơn.

Riêng với iPhone 5, model đã bị Apple khai tử từ năm 2013, tức là đã không được sản xuất từ gần 2 năm nay nên chắc chắn không còn loại hàng mới như 5s và 5c. Hàng bán ra thường chỉ đi kèm với phụ kiện, chất lượng cũng không đồng đều nhau. Thông thường với iPhone đời cũ và đã qua sử dụng, các cửa hàng khi nhập đều kiểm tra chất lượng của máy và bán ra cũng có bảo hành đầy đủ.

Nhưng theo tiết lộ của giới buôn điện thoại, dù được quảng cáo là hàng mới, hoặc mới 98-99% với đầy đủ phụ kiện (Fullbox), thì hầu hết iPhone bán ra trên thị trường xách tay là hàng cũ, đã qua sử dụng. Chiếm phần lớn là loại hàng quốc tế gắn SIM sử dụng ngay được, trong khi loại hàng khoá mạng (locked) giờ ít hàng, khách không chuộng nhiều do cần thêm SIM ghép.

"Công nghệ" tân trang iPhone cũ đã qua sử dụng

Như đã đề cập, các dòng iPhone đã qua sử dụng vẫn luôn là mặt hàng hot và có sức hụt mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Nhưng trước khi được bán đến tay người dùng, các máy iPhone cũ thường sẽ được các chủ hàng tân trang lại nhằm nâng cao giá bán. Vậy công nghệ này thực chất ra sao?

Phóng viên VnReview đã tới đường Láng, nơi được biết đến như là một trong những trung tâm tân trang iPhone cũ lớn nhất ở Thủ đô Hà Nội, thậm chí có thể gọi đây là khu "chợ trời" linh kiện iPhone. Những chiếc iPhone cũ bị trầy xước hoặc móp méo có thể trở nên sáng bóng như mới chỉ sau vài chục phút "mông má". Ngoài việc đáp ứng nhu cầu làm đẹp của một bộ phận khách hàng, công nghệ làm mới iPhone được các chủ cửa hàng ưa dùng bởi nó giúp tăng giá trị của chiếc smartphone cũ, giúp họ thu lợi nhuận cao hơn.

iPhone cũ được các đầu nậu thu mua từ nhiều nguồn, sau đó được chuyển lại cho các cửa hàng sửa chữa điện thoại để làm mới lại. Bất kể những chiếc iPhone bị trầy xước vỏ hoặc hư hại ra sao thì tại "trung tâm mua bán" này vẫn có rất nhiều dịch vụ để sửa chữa và làm chúng sáng bóng như mới.;

Bên ngoài một cửa hàng sửa chữa iPhone

Theo một nhân viên kỹ thuật đề nghị giấu tên, đối với những vết trầy nhẹ thì kỹ thuật viên sẽ dùng máy phun cát mài lại để trông dễ nhìn hơn. Đối với iPhone bị móp, cũng có hai cách để sửa chữa. Nếu chỉ bị móp nhẹ thì cách khắc phục cũng là dùng thiết bị phun cát (hoặc giấy nhám siêu mịn) để mài nhẵn, sau đó sơn lại vào vết móp để màu sắc giống nguyên bản. "Ưu điểm của cách làm này là vẫn giữ được lớp vỏ zin theo máy, nhưng không thể tái tạo hoàn chỉnh các góc cạnh", người kỹ thuật viên chia sẻ.

Trong trường hợp iPhone bị móp nặng, phần khung viền không thể uốn nắn lại, kỹ thuật viên sẽ phải thay cả bộ vỏ cho máy. Nguồn gốc của những chiếc vỏ này có thể từ những thiết bị đã bị "chết" main, khoá iCloud hoặc thậm chí là vỏ từ các nhà sản xuất bên ngoài (thường là từ Trung Quốc). Theo tiết lộ anh Thắng, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại trên đường Láng, ngay cả khi máy iPhone chỉ còn phần "xác" thì các cửa hàng vẫn tận thu nhằm dùng các linh kiện như màn hình, vỏ, cổng kết nối, camera... để thay thế cho các máy khác bị lỗi. Ngoài ra, các linh kiện iPhone cũng thường xuyên được các chủ hàng trao đổi, mua bán lẫn nhau. "Nếu cần linh kiện gì, chỉ cần a lô là có ngay trong vài phút. Do đó, iPhone không bao giờ chết ở Việt Nam", anh Thắng nhấn mạnh.

Một bộ vỏ iPhone cũ đang chờ được "F5"

Thu nhập của đa phần người dùng Việt Nam vẫn ở mức thấp so với thế giới, do đó các iPhone đời cũ (iPhone 5, iPhone 5s, thậm chí 4 và 4s) hiện vẫn còn được sử dụng rất phổ biến. Nhu cầu cao nên cũng dễ hiểu khi iPhone cũ đang tràn lan trên nhiều con phố ở Hà Nội. Anh Hoàn, chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại trên phố Kim Mã, cho biết trung bình khi bán một chiếc iPhone 5, 5s cũ được tân trang, cửa hàng thường thu lãi từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng/máy. Với các dòng iPhone đời mới (iPhone 6,6 Plus) thì mức lợi nhuận cũng cao hơn, dĩ nhiên là tùy thuộc vào trình độ mông má của cửa hàng cũng như chất lượng thực của từng máy.

Những máy iPhone cũ được rao bán tràn lan trên mạng

Có nhiều lý do khiến iPhone đến nay vẫn là smartphone được người Việt ưa chuộng nhất. Ngoài thiết kế đẹp mắt và ấn tượng, người Việt tìm mua iPhone còn bởi thương hiệu Quả táo cắn dở. Trong gần một thập kỷ qua, Apple đã trở thành một trong những thương hiệu đáng tin cậy và nổi tiếng nhất trong thế giới công nghệ cao, do đó trong quan niệm của nhiều người tiêu dùng, sở hữu một chiếc iPhone cũng đồng nghĩa với sự sang trọng và sành điệu. Ngoài ra, mức giá hấp dẫn của điện thoại second-hand đã khiến không ít người sẵn sàng chi tiền để thoả mãn nhu cầu sắm điện thoại "hàng hiệu" của mình.

Tuy nhiên ngoài yếu tố giá cả, chất lượng của thiết bị chính là vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay. Đã có không ít trường hợp người dùng mua phải iPhone cũ bị tối màn hình, loa kém, máy treo liên tục… mà nguyên nhân đa phần nằm ở việc linh kiện "xịn" đã bị đánh tráo. Do đó, người tiêu dùng hãy là "những nhà thông thái", nên kiểm tra cẩn thận để tránh mua phải hàng kém chất lượng, đồng thời giảm thiểu khả năng "tiền mất, tật mang" xuống mức thấp nhất có thể.

 LD

Chủ đề khác