VnReview
Hà Nội

Sẽ sớm đấu giá tần số 2,6 GHz phục vụ mạng 4G

Chống can nhiễu, tăng cường hệ thống kiểm soát tần số đối với các cảng hàng không và đẩy mạnh công tác số hoá truyền hình, chuẩn bị đấu giá dải tần số 2,6 GHz là những nhiệm vụ trọng tâm mà Cục Tần số đặt ra trong nửa cuối năm 2015.

Ngày 16/7, Cục Tần số đã có buổi Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan.

Tại Hội nghị, nhiều vấn đề nóng đang thu hút dư luận trong thời gian gần đây đã được đưa ra, trong đó có việc chống can nhiễu tần số.

Sáu tháng đầu năm 2015, Cục đã tiếp nhận, xử lý 83 vụ can nhiễu. Trong đó có 8 vụ can nhiễu hàng không, 61 vụ can nhiễu thông tin di động, 6 vụ can nhiễu phát thanh truyền hình, 6 vụ can nhiễu liên quan quốc phòng, an ninh, còn lại là các vụ can nhiễu mạng dùng riêng, mạng Viba. Hiện nay đang tiếp tục xác định nguồn nhiễu có hại gây ra cho mạng thông tin di động (băng 900 MHz và 2100 MHz) của Viettel, VMS, VinaPhone trên địa bàn Hà Nội (khoảng 50 điểm).

Chống can nhiễu tần số là vấn đề đang được nhắc nhiều trong nửa đầu năm 2015

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, cho rằng, chống nhiễu thì vẫn phải làm, nhưng phải đặt ra yêu cầu "phòng nhiễu", phòng phải từ khâu làm chính sách, quản lý thị trường và quản lý đầu ra phải có phân cấp rõ ràng cụ thể.

Nếu không có biện pháp đồng bộ, "chống cũng không xuể", ông Tuấn đề nghị phải xử phạt mạnh tay bởi chỉ "nhắc nhở" thì tính răn đe rất ít.

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan cũng chia sẻ, việc cấp phép sử dụng băng tần 2,6 GHz cho 4G vào năm 2016 đã rõ ràng và phù hợp, Cục sẽ hoàn thành kế hoạch và hồ sơ cho phép đấu giá băng tần 2,6 GHz vào cuối năm 2015.

Trong phạm vi quản lý của Cục thì Trung tâm 1 bao gồm Hà Nội, Trung tâm 2 bao gồm TP HCM, vấn đề được lưu ý là việc chống can nhiễu tần số, bảo đảm an ninh tần số tại các khu vực trọng điểm như các sân bay.

Đối với Trung tâm 3 bao gồm Đà Nẵng, vấn đề đôn đốc Đề án Số hoá truyền hình, trong đó có việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Quảng Nam sở hữu các thiết bị Set-top-box lại được đặt ra nhiều hơn.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đồng ý với nhiều nội dung mà Cục Tần số đưa ra, đồng thời có ý kiến chỉ đạo thêm rằng, Cục phải đảm bảo hệ thống thông tin vô tuyến điện hoạt động an toàn tin cậy. Thứ trưởng nhấn mạnh, tần số là tài nguyên quốc gia, khi xem xét luật cần đưa vào yếu tố phát triển kinh tế thị trường để phát huy giá trị tài nguyên hiệu quả.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục tăng cường hệ thống kiểm tra giám sát, đặc biệt là tại các sân bay, đồng thời cần nghiên cứu các thiết bị hàng không trên máy bay, xem những thiết bị này dùng loại băng tần gì, tính năng và khả năng như thế nào để vừa đánh giá năng lực, vừa có biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Thành Lương

Theo ICT News

Chủ đề khác