VnReview
Hà Nội

Hàng trăm hãng điện thoại Trung Quốc sắp bốc hơi

Khi kinh tế tăng trưởng chậm và thị trường tiến đến điểm bão hoà, một nửa trong số hơn 300 thương hiệu điện thoại của Trung Quốc có thể sẽ sớm biến mất.

Công ty Dakele có vẻ khá thông minh,hợp thời khi họ ra mắt điện thoại ở Trung Quốc cách đây 4 năm. Thị trường điện thoại lúc đó tăng trưởng gấp đôi sau mỗi năm và công ty này đưa các linh kiện có tên tuổi vào trong những sản phẩm có giá chỉ bằng một phần của iPhone.

4 tháng sau khi thành lập, Dakele đã có sản phẩm đầu tay, bán với giá 160 USD để cạnh tranh với những thương hiệu lớn của Trung Quốc là Huawei và Xiaomi. Chiếc Dakele 3 ra mắt năm ngoái đã nhận được nhiều lời khen ngợi, các đánh giá trên mạng gọi đó là sản phẩm nhái Apple tốt nhất.

Chiếc Dakele 3 (bên phải) có thiết kế nhái iPhone

Tuy nhiên, không lâu sau đó, những lời sáo rỗng bắt đầu xì hơi. Huawei đầu tư 300 triệu USD vào tiếp thị, Xiaomi cắt giảm giá và các sản phẩm nhái của nhái xuất hiện. Những vấn đề với nhà cung cấp và gọi vốn đã khiến Dakele đóng cửa vào tháng vừa qua. Đó không phải là hiện tượng cá biệt. Một nửa trong số 300 nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc có thể sẽ ra đi trong 12 tháng tới do tác động của cạnh tranh, tiêu thụ giảm và tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 25 năm qua, theo các chuyên gia kinh tế.

"Ngành điện thoại di động thay đổi nhanh đổi nhanh chóng và tàn nhẫn hơn nhiều so với dự tính", Ding Xiuhong, giám đốc điều hành của Dakele nói vậy trong bài viết đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. "Là một công ty mới, chúng tôi không thể tìm được các phương pháp và chiến lược để vượt qua".

Tiêu thụ smartphone ở Trung Quốc đã bùng nổ đầu thập kỷ này do thu nhập tăng, giá chip và màn hình giảm mạnh, cùng với việc các nhà mạng liên tục giảm giá cước dịch vụ. Các kệ hàng tràn ngập hàng trăm thương hiệu từ những công ty nội địa lớn như Huawei, Lenovo và Xiaomi đến những công ty nhỏ hơn như Dakele, Tecno Mobile và Gionee.

Trước năm 2012, sản lượng smartphone đã tăng gấp đôi sau mỗi năm, theo hãng nghiên cứu Canalys. Giá trị thị trường của Xiaomi đã tăng lên 45 tỷ USD và nhà sản xuất điện thoại này bắt đầu bán sản phẩm ở Ấn Độ, nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Lenovo bỏ ra 2,91 tỷ USD để mua lại bộ phận di động của Motorola để lên tầm toàn cầu ở mảng điện thoại.

Trong năm 2011, chỉ có 4 trong số 10 hãng điện thoại lớn nhất ở Trung Quốc là công ty nội địa. Năm ngoái, con số này đã là tám. Bây giờ, làn sóng này đã lên đến đỉnh. Smartphone không còn là mới lạ ở Trung Quốc và hầu hết thương hiệu nội địa nhắm đến phân khúc giá thấp và cao, là nhóm khách hàng ít nâng cấp thường xuyên như những người dùng điện thoại cao cấp của Apple, Samsung.

Jack Ding đã mở cửa hàng bán điện thoại và phụ kiện ở Bắc Kinh được 2 năm. Anh có khoảng 20 mẫu điện thoại khác nhau được trưng bày ở cửa hàng, đa phần là thương hiệu nội địa như Huawei, Lenovo và ZTE. Tuy vậy, việc tiêu thụ điện thoại hiện nay khá chậm.

"Tôi không được tính đến đến chuyện bán điện thoại để kiếm lời", Jack Ding nói. Trong khoảng thời gian 20 phút, chỉ có một khách hàng vào mua một chiếc thẻ nhớ giá 120 tệ (khoảng 400.000 đồng).

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu ngưng trệ, tăng trưởng năm ngoái ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay. Doanh số smartphone của Trung Quốc năm ngoái chỉ tăng 2%, mức thấp nhất từng được ghi nhận theo số liệu của hãng nghiên cứu Canalys. Trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng smartphone là 150%. Hệ quả của sự giảm sút này có thể sẽ khiến một nửa số nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc bốc hơi, theo nhận định của James Yan, chuyên gia phân tích của hãng Counterpoint Research.

"Thị trường điện thoại sẽ thanh lọc chỉ còn lại khoảng 150 thương hiệu", James Yan dự báo. "Một số nhà sản xuất nhỏ sẽ tồn tại nhưng nhiều nhà sản xuất như Dakele sẽ phá sản".

Giá cổ phiếu của Lenovo tăng 1,6% ở Hong Kong tuần vừa rồi và ZTE giảm 1,3%, so với mức tăng 1,3% của chỉ số chứng khoán Hang Seng Index. Ở Hàn Quốc, giá cổ phiếu Samsung giảm 0,9% trong chỉ số chứng khoán Kospi tăng 0,1%. Cổ phiếu của Hon Hai, nhà sản xuất thuê lớn nhất cho Apple, đã giảm 1,3% so với mức giảm 0,4% của chỉ số chứng khoán Taiex ở Đài Loan.

Khi các nhà sản xuất nhỏ bị thanh lọc cũng là lúc các thương hiệu lớn mở rộng thị phần. Hai thương hiệu hàng đầu Trung Quốc là Xiaomi và Huawei đã chiếm tổng cộng 30% thị phần smartphone năm ngoái, so với 22% thị phần của Apple và Samsung.

"Thị trường ngày càng khốc liệt với nhóm những nhà sản xuất lớn như Huawei hoặc Xiaomi bởi vì nó đang tiến đến điểm bão hoà," CK Lu, chuyên gia phân tích của Gartner nhận xét. "Để đối phó với tình hình thị trường này, họ đang mở rộng xuống phân khúc thấp, nơi đang là trận địa của những thương hiệu nhỏ".

Xiaomi chỉ bán ra 181.000 chiếc smartphone trong năm 2011. Năm ngoái, họ đã dẫn đầu thị trường với 64,9 triệu smartphone bán ra, theo hãng Canalys.

Huawei cũng đã tăng bảy lần doanh số lên 63 triệu chiếc trong cùng khoảng thời gian đó. Hãng này đã đầu tư 1 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu phát triển smartphone trong năm qua.

"Chúng tôi đã thấy và dự đoán quá trình thanh lọc trong thị trường điện thoại Trung Quốc", Joe Kelly, người phát ngôn của Huawei nói. "Bạn phải có khả năng phát triển điện thoại khác biệt với hãng khác. Nếu không, bạn sẽ là người phải ra đi".

Chiếc smartphone Dakele 3 được định hướng sẽ trở thành smartphone thành công kế tiếp giống như Xiaomi Mi4 hay Huawei Mate. Smartphone này có màn hình phủ sapphire, cảm biến hình ảnh của Sony và vi xử lý MediaTek Inc với giá bán 230 USD, bằng 1/3 so với giá bán của iPhone 6. Công ty này có hơn 1 triệu người theo dõi trên mạng.

"Thất bại của công ty làm chúng tôi tan nát con tim", Ding Xiuhong viết trong bài đăng trên Weibo. Trang web của Dakele đã bị hạ xuống và Ding Xiuhong không trả lời các câu hỏi khi được liên hệ qua điện thoại cũng như tin nhắn.

Thương hiệu OnePlus cũng không theo kịp đối thủ, phải cắt giảm nhân sự ở Trung Quốc và chuyển trọng tâm sang các thị trường nước ngoài, trong đó có Anh. Carl Pei, đồng sáng lập của OnePlus, dự đoán sẽ có lượng lớn nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc ra đi trong 5 năm tới. "Sẽ chỉ còn lại vài thương hiệu ở Trung Quốc và một số công ty toàn cầu còn tồn tại", Carl Pei nói.

Với những công ty muốn tồn tại, chiến lược của họ thường đặt trọng tâm vào thị trường nước ngoài. Xiaomi hiện có 3,2% thị phần smartphone ở Ấn Độ so với 0,9% của Apple, theo thống kê từ bộ phận điều tra thị trường của hãng tin Bloomberg. Ngoài thị trường châu Á thì châu Phi sẽ là điểm đến tiếp theo với các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.

NHM

Theo Bloomberg

Chủ đề khác