VnReview
Hà Nội

Liệu Apple Watch mới có thể cứu vãn thị trường thiết bị đeo?

Theo các báo cáo mới nhất, các thiết bị đeo tay (wearable) vẫn bị người dùng ngó lơ vì nhiều lý do. Dù vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu về thị phần, Apple Watch vẫn không có nhiều đột phá để người dùng sẵn sàng bỏ tiền ra sở hữu.

Liệu trong phiên bản cập nhật mới nhất Apple Watch 2 sắp tới, Apple có kéo người dùng xích lại gần hơn với các thiết bị đeo hay càng khiến khoảng cách ngày càng trở nên xa dần?

Theo trang The Guardian, ngay trước khi công bố lần đầu tiên vào năm 2014, Apple Watch được kỳ vọng sẽ là quả bom kích nổ mảng thiết bị đeo giống như với iPhone và iPad đã từng làm được trong quá khứ. Hai năm sau, cơn sốt các thiết bị đeo (đồng hồ thông minh, vòng tay tập thể dục, kính hay quần áo thông minh) được dự đoán vẫn chưa trở thành hiện thực. Sự phấn khích của người tiêu dùng xung quanh các sản phẩm thiết bị đeo dường như phai nhạt dần.

Dựa trên các cuộc khảo sát trực tuyến tại Mỹ và Canada, một báo cáo của Forrester Research tháng trước cho thấy thị phần người sử dụng các thiết bị đeo đã giảm từ 21 % năm 2015 còn 14% trong năm nay. Ngay cả những người trưởng thành am hiểu công nghệ ở độ tuổi 28-36, tỷ lệ sử dụng thiết bị đeo đã giảm từ 35% còn 28%.

Trong khi đó, thống kê của IDC chỉ ra rằng, doanh số của Apple Watch cũng giảm đáng kể 55% trong quý hai kéo theo toàn bộ thị trường smartwatch giảm xuống một phần ba. Các công ty cho rằng, sự suy giảm chủ yếu do khách hàng chờ đợi bản cập nhật mới từ tin đồn Apple Watch sẽ được công bố cùng với iPhone 7. Trong hội nghị tháng 7 vừa qua, CEO Tim Cook cũng đã khẳng định về Apple Watch "một giao diện người dùng cải tiến, cải thiện đáng kể hiệu suất, và các tính năng tập thể dục, sức khỏe hoàn toàn mới" khiến người dùng tò mò hơn và chờ đợi.

Apple đã không tiết lộ doanh số bán hàng của Apple Watch từ khi được bán vào tháng 4/2015. Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính đã bán được 12 triệu chiếc trong 12 tháng đầu tiên của mình - nhiều hơn iPhone trong năm đầu tiên nhưng ít hơn so với iPad. Trong tháng ba, Apple giảm giá 50 USD cho mẫu Sport còn 299 USD để thúc đẩy doanh số bán hàng. Gã khổng lồ công nghệ vẫn chiếm ưu thế, nhưng đã giảm từ 72% còn 47% do các đối thủ cạnh tranh như Samsung , Lenovo và LG Electronics xâm nhập thị trường thiết bị đeo tiềm năng này.

Báo cáo mới của IDC phát hành trước ngày Apple ra mắt iPhone 7 cho thấy một sự phân chia rõ ràng trên thị trường giữa các thiết bị đeo cơ bản như vòng tay thể dục, và các thiết bị thông minh như smartwatch. Các lô hàng thiết bị đeo cơ bản đã tăng 49 % trong quý hai, ngược lại thiết bị đeo thông minh giảm đến 27%. Nguyên nhân đơn giản do các thiết bị đeo cơ bản có mức giá thấp hơn, nhiều lựa chọn hơn; trong khi đó các tiết bị đeo thông minh cao cấp lại không đem đến nhiều sự khác biệt quá lớn.

Chuyên gia tư vấn của Endeavor Partner cũng đã xác nhận tỉ lệ người dùng từ bỏ sử dụng các thiết bị đeo cao hơn so với các sản phẩm tiêu dùng chủ đạo khác trong một báo cáo hồi đầu năm. Trong các phản hồi của người tiêu dùng, dễ dàng nhận thấy những người từ bỏ thiết bị đeo vì nhiều lý do: họ nhận chúng như những món quà không mong muốn, thất vọng với khả năng hạn chế của thiết bị, hoặc không nhận thấy sự cần thiết ngoài chiếc điện thoại thông minh,…

Nói về Fitbit, hãng dẫn đầu thị trường thiết bị đeo trong quý 2 với thị phần 25%. Trong khi tăng trưởng vẫn còn cao thì bản thân chi phí Fitbit đã tăng vọt, gây áp lực lên lợi nhuận. Trong một phân tích về kết quả quý II của mình, Jan Dawson của Jackdaw Research đã chỉ ra rằng việc tăng chi phí tiếp thị, nghiên cứu và phát triển, và các chi phí khác đã đẩy lợi nhuận hoạt động đến gần bằng không.

Cho đến khi thật sự tạo ra cuộc cách mạng, có lẽ các hãng sản xuất thiết bị đeo vẫn còn rất nhiều việc phải làm, kể cả đó là Apple đi chăng nữa.

TATA

Chủ đề khác