VnReview
Hà Nội

Sự hồi sinh của TV Sony dòng cao cấp

Mới đây, các thống kê thị trường đã cho thấy sự trở lại của TV Sony ở phân khúc cao cấp và vươn lên ngoạn mục, chiếm tới 39% thị phần phân khúc TV có giá 1.500 USD (khoảng 35 triệu đồng) trở lên từ mức 17,5% vào năm ngoái, trong lúc hai đối thủ là LG sụt giảm 8% từ 35,8% xuống còn 27,8% và Samsung giảm mạnh chỉ còn 13,2%.

TV Sony 2017

Sony ra mắt OLED TV tại thị trường Việt Nam hồi tháng 5/2017. Ảnh: Tinhte

Theo báo Yonhap của Hàn Quốc, chỉ một năm trước đây, Samsung chiếm 39,5% thị phần trong phân khúc cao cấp, với LG và Sony lần lượt là 17,7% và 17,5%. Điều gì đã giúp Sony phục hồi? Liệu sự hồi sinh của Sony trên thị trường TV cao cấp có đe dọa sự dẫn đầu của Samsung Electronics Co. và LG Electronics Inc. của Hàn Quốc?

Theo các chuyên gia, Samsung có vẻ yếu thế trong cuộc đua phân khúc TV cao cấp khi Sony và LG đã đưa ra thị trường TV OLED với những ưu điểm vượt trội khắc phục các giới hạn công nghệ của đèn nền LCD, trong khi Samsung vẫn theo QLED thực chất là công nghệ chấm lượng tử trên đèn nền LCD.

Cuộc đua giữa hai công nghệ OLED và QLED?

OLED (Organic Light-Emitting Diode) nghĩa là đèn đi-ốt phát quang hữu cơ, trong đó, một tấm phim carbon nằm trong panel màn hình sẽ tự phát sáng khi có dòng điện chạy qua. Điều quan trọng nhất là ánh sáng này có thể được phát ra trên cơ sở pixel-by-pixel, do đó một pixel trắng sáng hoặc màu có thể xuất hiện bên cạnh pixel màu đen hoặc màu hoàn toàn khác, mà không pixel nào ảnh hưởng đến pixel nào. Điều này tương phản trực tiếp với TV LCD truyền thống, vốn dựa vào một đèn nền riêng biệt để tạo ra ánh sáng sau đó truyền qua một lớp pixel.

Các dòng TV OLED có độ mỏng rất ấn tượng, góc nhìn có xu hướng rộng hơn đáng kể, và thời gian đáp ứng nhanh chóng, độ tương phản rất tốt. Tuy nhiên, TV OLED vẫn còn khá đắt và hiện mới chỉ có trên các dòng TV cao cấp kích thước lớn. Trên thị trường, Sony, LG chiếm ưu thế với dòng TV này.

LED vs OLED tv

So sánh OLED TV với TV thông thường, có thể thấy chênh lệch lớn về độ mỏng và độ sắc nét, màu sắc. Ảnh: 4kledtvreview

QLED là viết tắt của Quantum-dot Light Emitting Diode - đi-ốt phát quang chấm lượng tử, về lý thuyết có nhiều điểm tương đồng với OLED, đặc biệt là mỗi pixel cũng có thể phát ra ánh sáng riêng của nó, nhưng trong trường hợp này là nhờ các chấm lượng tử - các hạt bán dẫn nhỏ có kích thước chỉ vài nanomet. Hiện chỉ có Samsung đi theo công nghệ QLED.

Theo trang What Hi-Fi, những chấm lượng tử này (một lần nữa, về mặt lý thuyết) có khả năng cho ra màu sắc rực rỡ, sống động và đa dạng - thậm chí còn hơn cả OLED. Tuy nhiên, vấn đề là các chấm lượng tử trong TV QLED ở thời điểm hiện tại không tự phát ra ánh sáng của riêng chúng. Thay vào đó, chúng chỉ đơn giản là cho ánh sáng từ đèn nền đi qua chúng, tương tự như các loại TV LCD đèn nền LED thông thường. TV QLED mà Samsung đang quảng cáo thực chất không phải là một thế hệ TV mới, nó chỉ là một cải tiến từ công nghệ mà Samsung đã sử dụng vào năm 2016.

Mặc dù thực tế sử dụng cho thấy TV QLED của Samsung cho màn hình sáng hơn, nhưng chúng không thể mỏng như một chiếc TV OLED, độ tương phản cũng kém hơn. Hơn nữa, hiện nay, các chiến dịch quảng cáo đang khiến người tiêu dùng tin rằng TV độ sáng càng cao hình ảnh sẽ càng đẹp, nhưng đây là hướng suy nghĩ sai lầm vì độ sáng TV không ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, và độ sáng TV chỉ nên điều chỉnh sao cho phù hợp với môi trường xung quanh và dễ chịu nhất với mắt. TV được tăng độ sáng quá cao thực chất là để che giấu hạn chế về độ tương phản.

Mặc dù Samsung tích cực quảng cáo cho công nghệ QLED nhưng do những hạn chế kể trên, TV OLED của Sony và LG vẫn được ưa chuộng hơn ở phân khúc TV cao cấp.

TV Sony được bình chọn là TV OLED tốt nhất 2017

Một trong những nguyên nhân lý giải cho việc TV Sony lội ngược dòng và phục hồi trên thị trường, đó là các dòng TV OLED cao cấp của Sony được thị trường đón nhận tốt. Ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn các dòng TV màn hình lớn, mà ở phân khúc TV màn hình lớn thì công nghệ OLED đang thống lĩnh. Mới đây, giải thưởng thiết kế nổi tiếng Red Dot Award 2017 vừa trao giải cao nhất "Best of the Best" cho TV Sony Bravia OLED A1.

TV Sony Bravia OLED A1 có thiết kế như một khung tranh

Ban tổ chức Red Dot Award 2017 đánh giá cao mẫu TV của Sony nhờ sự kết hợp giữa thiết kế phá cách sáng tạo, phần cứng tiên tiến và những công nghệ độc quyền cho chất lượng hình ảnh đẹp. Dòng TV OLED của Sony như một khung tranh khổng lồ, thiết kế đề cao sự tối giản chỉ gồm màn hình và chân đế giúp tôn lên nét đẹp sang trọng cũng như tạo nên vẻ cứng cáp. Theo đánh giá của Red Dot Award, Bravia A1 cho chất lượng hình ảnh đẹp rõ nét nhờ sự kết hợp giữa phần cứng OLED cùng hàng loạt công nghệ xử lý độc quyền trong chip X1 Extreme, có chất ảnh đặc trưng cân bằng giữa màu sắc và độ chi tiết, tái tạo hình ảnh chân thực. Tất cả đều được nâng cấp lên nhờ khả năng thể hiện độ tương phản của tấm nền OLED 8 triệu điểm ảnh, với mỗi điểm ảnh là một đi-ốt hữu cơ tự phát sáng, cho khả năng thể hiện màu đen tuyệt đối.

Tại Việt Nam, TV Sony vốn được ưa chuộng nhờ độ bền cao, màu sắc ấm áp chân thực và âm thanh sống động. Riêng trên dòng TV Bravia A1 còn được áp dụng công nghệ âm thanh Acoustic Surface, biến toàn bộ màn hình trở thành một chiếc loa khổng lồ, mang lại chất lượng âm thanh rất ấn tượng.

Đáng chú ý, mặc dù tấm nền OLED trang bị trên TV Sony là do LG sản xuất, nhưng các đánh giá của các trang công nghệ uy tín như CNET, Stuff.tv… đều nhận định TV Sony cho chất lượng hình ảnh và âm thanh nhỉnh hơn TV LG, dù không nhiều. Đây chắc chắn là một yếu tố sống còn giúp mang lại những khách hàng trung thành cho TV Sony.

Theo trang Yonhap, các nhà quan sát ngành công nghiệp nói rằng để chống lại sự tăng trưởng trở lại của Sony, LG và Samsung hiện đang bắt đầu cải tiến các nỗ lực tiếp thị của mình. Một chuyên gia về điện tử tiêu dùng cho biết: "Các công ty Hàn Quốc lâu nay vẫn dẫn đầu trong lĩnh vực TV cao cấp, nhưng Sony đang vượt qua họ. Điều này làm cho Samsung và LG phải nỗ lực để có thể vượt trên đối thủ của họ một bước".

V.H

Chủ đề khác