VnReview
Hà Nội

iPhone X có thể là ác mộng tồi tệ nhất của Apple?

Khi những giấc mơ không còn đẹp, liệu rằng những ngày tháng sau này với Apple có thể là giông bão hay ác mộng bủa vây?

Trong nhiều thập kỷ qua, kết quả kinh doanh của Apple ngày càng phụ thuộc vào một sản phẩm duy nhất. Đó là iPhone. Theo Business Insider, đây không phải là tiết lộ quá mới, thậm chí vào thời điểm này mọi năm, doanh thu từ iPhone thường chiếm tới 60-70% tổng doanh thu hàng quý của Apple.

Suốt chiều dài lịch sử iPhone, Apple thường chỉ tung ra một model mỗi năm. Cách làm này giúp Apple có thể tập trung mọi nguồn lực phát triển một mẫu iPhone đủ tốt, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, và trên hết giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên kể từ năm 2013 tới nay, Apple đã thay đổi quy luật đó với việc mỗi năm tung ra hai model mới, và lần đầu tiên vào năm 2017 là ba model mới: iPhone 8, 8 Plus và iPhone X.

Về mặt lý thuyết, việc đa dạng hóa sản phẩm giúp giảm nguy cơ tụt hậu so với thị trường, đồng thời tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Nhưng vấn đến cân đối quy mô, thị phần khi ngày càng có nhiều mẫu iPhone ra đời sẽ trở nên khó khăn hơn, tạo nên rủi ro kinh doanh khá lớn. Điều gì thực sự sẽ xảy ra nếu iPhone thất bại?

Thất bại của iPhone cũng đồng nghĩa với chiến lược sai lầm

Sự thất bại của iPhone thực sự không còn là dự báo, quá trình đó đang diễn biến một cách thầm lặng và chỉ trực bùng phát.

Khi Apple lần lượt tung ra các tính năng như Siri hay 3D Touch, hãng đều có cách giải thích không mấy thuyết phục về việc tại sao khách hàng thực sự cần các tính năng đó.

Nhưng may mắn thay, Apple vẫn ghi điểm trước mắt công chúng tại sự kiện ra mắt mỗi năm. Dù đi sau về công nghệ nhưng cách Apple "biến hóa" các tính năng, khiến chúng trở thành những yêu cầu tất yếu của smartphone lại rất thành công. Đơn cử như chiếc iPhone thế hệ đầu tiên chính là khởi nguồn mạnh mẽ cho ngành công nghiệp smartphone và điện thoại cảm ứng ngày nay.

Hay khi Apple bắt đầu đi theo xu hướng màn hình lớn với bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus, đó cũng trở thành những tín hiệu và động lực quan trọng dẫn lối cho các hãng sản xuất khác đi theo.

Apple đã có một thời vàng son từ cách đây nhiều năm

Apple nắm trong tay một đội ngũ phát triển tính năng khá "thức thời". Rất nhiều tính năng mới trên iPhone từ lâu đã trở thành niềm mong ước của nhiều người dùng. Đó là màn hình lớn, sạc không dây hay dung lượng RAM cao hơn,…

Không chỉ vậy, Apple còn có vị "thuyền trưởng" tài ba. Tim Cook, vị CEO kế nhiệm có chiến lược kinh doanh mang thiên hướng rất khác so với thời Steve Jobs. Cook muốn tạo ra một Apple lớn mạnh hơn, bán được nhiều iPhone hơn và quan trọng luôn phải duy trì vị thế lãnh đạo ngành công nghiệp smartphone.

Steve Jobs - vị thuyền trưởng tài ba của Apple

Ông đồng thời cũng là chuyên gia điều phối chuỗi cung ứng chuyên nghiệp, người lèo lái Apple vượt qua các thời điểm khó khăn nhất về nguồn cung.

Nhưng dù có trong tay tất cả những lợi thế đó, Apple vẫn có thể gục ngã lúc nào không hay. Có hai kịch bản khả dĩ nhất có thể khiến Apple thất bại: Sản phẩm không gây ấn tượng và Apple không kịp đáng ứng nhu cầu.

Trên thực tế, kịch bản thứ hai đã dần hiển hiện trước mắt chúng ta.

Mang trong mình hàng loạt các công nghệ cấp tiến, iPhone X thu hút mọi ánh nhìn không chỉ bởi màn hình tỷ lệ mới, đó còn là Face ID và công nghệ sạc không dây. Nhưng cũng chính bởi vậy, Apple đang tự làm khó mình với việc "tham lam" đưa vào iPhone X quá nhiều các tính năng mới và chưa có nhà sản xuất nào dám "kinh qua" cho tới khi Apple bắt tay thực hiện.

Sự khó khăn từ nguồn cung cảm biến FaceID, màn hình OLED và hơn hết là "sự thúc giục" từ thị trường khiến Apple dường như đang lạc trong một mê cung, không thể tìm thấy lối ra. Dự báo từ giới phân tích đưa ra, Apple có thể chỉ xuất xưởng 20-30 triệu iPhone X trong năm nay. Thậm chí đã có tin đồn cho rằng, iPhone X chỉ mới đáp ứng được 10% sản lượng yêu cầu.

Bất chấp những dự báo không mấy khả quan, lượng đặt hàng iPhone X hôm 27/10 vẫn rất lớn, thậm chí chạm ngưỡng kỷ lục. Nhưng kỷ lục cũng chẳng phải thông tin vui nếu Apple thực sự đang phải "vắt chân lên cổ" để kịp sản xuất đủ sản lượng.

Ác mộng gọi tên iPhone X

Chuyên trang phân tích tài chính, thị trường nổi tiếng The Motley Fool đã có một góc nhìn khá sâu sắc về nguy cơ Apple đang gặp phải:

"Do tính cạnh tranh cao trong ngành công nghiệp, các công ty buộc phải giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới nhằm kích thích nhu cầu mua sắm, nâng cấp của khách hàng.

Sự thành công của mỗi sản phẩm mới phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố như sự chấp thuận của thị trường, khả năng quản lý rủi ro liên quan đến các tính năng mới, quản lý hiệu quả các cam kết mua hàng, mức tồn kho phù hợp với nhu cầu thị trường, tính sẵn có của sản phẩm và chi phí dự kiến có thể phải bỏ ra cho các rủi ro chất lượng, khiếm khuyết trong giai đoạn mới ra mắt.

Theo đó, các công ty khó lòng dự trù được hết các tác động của sản phẩm mới và quá trình chuyển đổi giữa các thế hệ".

Những phân tích của The Motley Fool dường như rất đúng trong trường hợp hiện tại của Appe. Chuỗi cung ứng của Táo Khuyết đang gặp phải "khúc xương chẹn họng" khá lớn do công nghệ Apple đưa vào iPhone X năm nay rất phức tạp, thậm chí vượt ngoài dự đoán của chính Apple.

Trái lại, nhu cầu iPhone X vẫn đang tăng lên từng ngày. Dù là ứng cử viên sáng giá cho vị trí "anh hùng thừa kế" nhưng nếu iPhone X không sản xuất kịp đáp ứng nhu cầu thị trường, đây có thể là sản phẩm iPhone thất bại và là cơn ác mộng khủng khiếp nhất của Apple từ trước đến nay.

Một câu hỏi được đưa ra ngay lúc này, liệu rằng con thuyển Apple có đủ sức vượt qua giông bão và tiến tới bến bờ bình yên hay không? Câu hỏi này chắc chắn sẽ do chính Apple tự tìm câu trả lời từ doanh số iPhone X lên kệ và phản hồi từ phía người dùng.

Tiến Thanh

Chủ đề khác