VnReview
Hà Nội

Nếu bong bóng Bitcoin bị vỡ, điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Sự tăng giá điên cuồng của Bitcoin trong năm 2017 khiến chúng ta không thể không lo ngại về nguy cơ vỡ bong bóng của đồng tiền ảo này. Nếu điều đó xảy ra, nhiều triệu phú đi lên từ Bitcoin sẽ bị thiệt hại nặng và các chính phủ sẽ ra những quy định quản lý tiền ảo chặt chẽ hơn.

>> Bitcoin giảm tới 35% giá trị, xuống còn dưới 13.000 USD: Giáng sinh buồn cho các nhà đầu tư?

>> Hàn Quốc lo ngại tình trạng tự tử hàng loạt vì Bitcoin

Theo báo công nghệ Wired, nhiều phương tiện truyền thông và chuyên gia tài chính thường gọi sự tăng giá phi mã của Bitcoin trong thời gian gần đây là một bong bóng. Tuy nhiên, điều này thật sự nghe khá kì lạ. Bong bóng tài chính thường không được gọi khi nó đã xảy ra. Theo như định nghĩa của nhà tài chính Rumpelstiltskins, khi bạn gọi một sự vật hoặc hiện tượng là bong bóng, nó phải gần như sắp bị vỡ.

"Bong bóng tài chính thường được xác định khi chúng ta xét lại quá khứ", nhà nghiên cứu sử học về kinh tế William Derringer của Viện công nghệ Massachusetts cho biết, "Chúng ta chỉ có thể chắc chắn Bitcoin là một bong bóng khi nó đã thật sự vỡ".

Mặc dù vậy, sự biến động bất thường của Bitcoin vào tháng 12, lên đỉnh tới hơn 19.000 USD và bắt đáy xuống chỉ còn dưới 10.000 USD trong hai tuần, đã khiến đồng tiền ảo này nằm trong danh sách những bong bóng có khả năng xảy ra. Nói cách khác, Bitcoin chưa phải là bong bóng nhưng nguy cơ xảy ra là rất lớn.

"Giống như Bitcoin, hầu hết bong bóng trong quá khứ đến sau những cải tiến công nghệ (giống như bong bóng dotcom vào hồi những năm 2000) và đi đôi với các hình thức tài chính mới", ông Derringer cho biết, "Ngoài ra, bong bóng cũng là kết quả của sự đưa tin thiếu kiểm soát của các phương tiện truyền thông. Điều này khiến nhiều người coi đó là xu hướng đầu tư mới và đổ tiền vào. Từ đó, giá trị của một tài sản đã bị đẩy lên mức giá rất cao so với giá trị thật sự của nó. Tuy nhiên, đối với Bitcoin, điều này khá phức tạp vì chúng ta không biết giá trị chính xác của một chuỗi khối (blockchain) là bao nhiêu". ; 

Các nhà đầu tư hiện nay dường như không quan tâm tới những lời cảnh báo. Giá của Bitcoin đã leo từ mức 800 USD vào đầu năm 2017 và lên tới 17.000 USD trong những ngày gần đây. Việc Chính phủ Mỹ cho phép Bitcoin được giao dịch ở hai sàn lớn là CME và CBOE vào đầu tháng 12 đã được kì vọng sẽ giúp giảm giá Bitcoin nhờ tăng nguồn cung. Tuy nhiên, tính hợp pháp được tăng cường của Bitcoin đã đem lại tác dụng ngược lại, ngày càng nhiều người hơn đổ tiền vào đồng tiền ảo này.

Sự sụp đổ dây chuyền

Sự biến động giá của Bitcoin khiến chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi, liệu điều gì sẽ xảy ra nếu giá Bitcoin bị giảm xuống một cách thảm hại. Nói cách khác, nếu Bitcoin bị tụt giá xuống một mức đáy kỉ lục vì một lý do nào đó (hack, sàn giao dịch phá sản hoặc thao túng thị trường), điều tồi tệ gì sẽ xảy ra?

Một số người cho rằng, giống như các bong bóng trước đây, ảnh hưởng của Bitcoin có thể bị hạn chế. Mặc dù số lượng nhà đầu tư vào Bitcoin tăng nhanh trong thời gian gần đây, phần lớn số lượng Bitcoin trị giá 366.8 tỷ USD nằm trong tay của một số ít người cực kì giàu có, từ những nhà đầu tư Bitcoin thời đầu, các ông lớn tại thung lũng Silicon cho tới những công ty chuyên đào tiền ảo.

"Hầu hết Bitcoin nằm trong tay một vài nghìn người rất, rất giàu có. Vì vậy, nếu bong bóng vỡ, những người này chỉ đơn giản là nghèo đi một chút. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn", nhà phân tích Ari Paul tới từ công ty BlockTower Capital cho biết.

Biểu đồ về đợt tụt giá bất thường của Bitcoin ngay trước Giáng sinh 2017.

Tuy nhiên, thiệt hại về tài chính chắc chắn sẽ xảy ra trên một mức độ nào đó. Sự tụt giá đột ngột của Bitcoin có thể khiến những công ty chuyên thực hiện trao đổi Bitcoin sang tiền mặt trở nên điêu đứng. Các công ty trao đổi sụp đổ có thể khiến tính thanh khoản của thị trường Bitcoin trở nên yếu một cách trầm trọng và gây nhiều tác động xấu tới nhà đầu tư.

"Bong bóng Bitcoin có thể bị vỡ vào năm 2020", nhà nghiên cứu tiền tệ Garrick Hilerman của trường đại học Cambridge cho biết, "Những nhà đầu tư lớn nhất sẽ tiếp tục củng cố vị thế và đẩy mạnh đầu tư khi thị trường ổn định. Tuy nhiên, nhiều công ty cung cấp dịch vụ trao đổi và ví Bitcoin sẽ phải đóng cửa".

Các công ty sản xuất phần cứng đào tiền ảo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bong bóng Bitcoin vỡ.

Sự sụp đổ của Bitcoin chắc chắn sẽ gây ra một sự sụp đổ dây chuyền trên toàn bộ hệ thống tiền ảo. Trong đợt tụt giá bất thường của Bitcoin trước ngày nghỉ lễ Giáng sinh, nhiều đồng tiền ảo khác như Litecoin, Ethereum và Monero cũng đã có sự tụt giá tương tự. Các công ty cung cấp phần cứng để đào Bitcoin và các đồng tiền ảo khác có thể gặp khó khăn khi kịch bản vỡ bong bóng tiền ảo xảy a.

"Nvidia, Intel và các nhà sản xuất chip khác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", ông Hileman cho biết, "Điều này có thể khiến cho nhiều người thất nghiệp".

Vay tiền để mua Bitcoin và cái kết đắng cho nhà đầu tư?

Nhiều nhà kinh tế học đồng ý với quan điểm cho rằng một sự sụp đổ giống với khủng hoảng tài chính 2008 có khả năng sẽ xảy ra. Nhiều hệ thống tài chính đã bị kéo sập do nhiều người mắc nợ và không có khả năng chi trả sau khi đầu tư thất bại. "Một bong bóng tài chính lớn luôn được xây dựng từ vô số khoản vay và tín chấp khác nhau", ông Hileman cho biết.

Mọi chuyện đang ngày càng tồi tệ hơn khi các công ty tiền ảo bắt đầu nhắc tới những cụm từ như "đòn bẩy tài chính", "cho vay" và "tín dụng". Chỉ vài ngày trước đây, tờ báo tài chính Financial Times tiết lộ công ty giao dịch tiền ảo bitFlyer của Nhật Bản đã cho các nhà đầu tư vay số tiền gấp 15 lần khả năng tài chính của họ để mua Bitcoin.

Bán nhà vì Bitcoin là nguy cơ có thật đối với nhiều người Nhật Bản.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Bitcoin trượt giá và khiến các nhà đầu tư không thể trả tiền nợ? Những người này sẽ bị ngân hàng và các công ty tài chính siết nợ bằng tất cả tài sản hiện có, kể cả ngôi nhà họ đang ở. Bong bóng lớn hơn, nhiều người vay tiền để đầu tư, bong bóng vỡ, nhiều người trắng tay. Đó là vòng luẩn quẩn có thể khiến những nhà đầu tư kinh nghiệm cũng mắc sai lầm.

Thậm chí, tại Hàn Quốc, bóng ma khủng hoảng tài chính 1998 và nguy cơ tự tử hàng loạt do phá sản đang ám ảnh người dân nước này trong cơn biến động tỷ giá Bitcoin. "Sông Hàn hôm nay lạnh như thế nào?" là câu nói được nhiều người Hàn Quốc dùng để ám chỉ nguy cơ vỡ bong bóng Bitcoin.

Chính phủ siết chặt quy định

Sẽ có ngày càng nhiều áp lực yêu cầu Chính phủ phải siết chặt quản lý tiền ảo.

Dù hậu quả có lớn thế nào đi chăng nữa, việc bong bóng Bitcoin bị vỡ chắc chắn sẽ dẫn tới những quy định chặt chẽ hơn của các Chính phủ. Khi ngày càng có nhiều người dân, kể cả nhà đầu tư từ phố Wall, đổ tiền vào Bitcoin, Chính phủ các nước đã không thể ngồi yên. Trên thực tế, điều này đã thật sự xảy ra, Bộ Tài chính Hàn Quốc yêu cầu các nước trong khối G20 cần phải thảo luận về những quy định chặt chẽ hơn để quản lý tiền ảo.

"Sự sụp đổ của Bitcoin sẽ kết thúc những gì đang xảy ra", giáo sư Brent Goldfarb tới từ trường đại học Maryland cho biết, "Điều này sẽ tạo áp lực thay đổi những quy định về tiền ảo, giống như cách Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ đã được thành lập vào năm 1929 để quản lý thị trường chứng khoán".

Mặc dù vậy, đưa ra những quy định về việc mua bán tiền ảo, vốn được giao dịch trên toàn cầu và hoàn toàn ẩn danh là rất khó khăn. Điều này đòi hỏi những nỗ lực vô cùng lớn của Chính phủ để tránh tình trạng đầu cơ gây ra mức giá phi mã của Bitcoin như chúng ta đang thấy hiện nay.

Bitcoin sẽ là một hoa tulip khác?

Những ai từng học về kinh tế chắc chắn sẽ biết tới câu chuyện về bong bóng hoa tulip. Vào năm 1630, nhiều người dân tại Hà Lan tin rằng củ hoa tulip rất đáng để đầu tư. Thế kỷ 17 là thời điểm thị trường hoa bùng nổ và vẻ đẹp của hoa tulip đã khiến nó trở thành món hàng hấp dẫn.

Nhiều người dân Hà Lan, từ doanh nhân, thợ nề, mục sư, luật sư cho tới nông dân đã đổ mạnh tiền để mua củ hoa tulip. Tuy nhiên, họ không đem củ hoa tulip đi trồng mà lại đem cất vào trong tủ kính. Điều này khiến cung vượt quá cầu và khiến giá một củ hoa tulip cao một cách kỉ lục, thậm chí đắt hơn cả một căn nhà. Một niềm tin mãnh liệt của nhiều người Hà Lan vào thời điểm đó là giá củ hoa tulip sẽ tăng mãi mãi.

Sau một khoảng thời gian tăng giá điên cuồng, giá củ hoa tulip bất ngờ tụt giá thảm hại vào tháng 2 năm 1637. Không có nguyên nhân rõ ràng được nêu ra nhưng nhiều khả năng là do lượng cầu củ hoa tulip đã tăng lên. Điều này khiến cho giá của củ hoa tulip giảm thảm hại, xuống mức dưới 1% so với trước đây. Lợi nhuận ảo trên giấy bị xóa sạch và nhiều người trắng tay. Các nhà kinh tế học gọi đây là bong bóng hoa tulip, bong bóng tài chính gây hậu quả nghiêm trọng đầu tiên được biết tới.

Một khi bong bóng vỡ, Bitcoin có thể trở lại mức giá dưới 1.000 USD như đầu năm 2017 hoặc bị thay thế bởi một đồng tiền ảo hoặc phương thức tài chính khác tin cậy hơn. Tuy nhiên, giống như hoa tulip, Bitcoin sẽ không thể chết. Mặc dù là nguyên nhân gây ra khủng hoảng, hoa tulip vẫn được nhiều người Hà Lan yêu thích và là một phần quan trọng của nền kinh tế nước này. Bitcoin sẽ luôn được mọi người nhắc tới như là biểu tượng của cơn sốt tiền ảo trong năm 2017. Hoa tulip vẫn đẹp và Bitcoin vẫn sẽ có người đầu tư.

Nguyễn Long

Chủ đề khác