VnReview
Hà Nội

Sếp Qualcomm tiết lộ ba lợi thế lớn của các nhà sản xuất điện thoại Việt

Không thể phủ nhận điện thoại thông minh đang ngày càng phổ biến và thị trường dần bão hòa, nhưng sếp Qualcomm cho rằng đây cũng chính là cơ hội cho các nhà sản xuất điện thoại "Made in Vietnam" trong những năm tới.

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương

Bên lề buổi gặp mặt báo chí cuối năm tại TP.HCM vào ngày 25/1, ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Vietnam, Cambodia và Lào cho biết, theo thống kê hiện vẫn đang có tới 40% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại cơ bản (feature phone) làm phương tiện liên lạc hàng ngày và đây là một con số đầy tiềm năng mà các nhà sản xuất điện thoại trong nước nên nhắm tới.;

Ba lợi thế của các doanh nghiệp Việt

Với sự xuất hiện của các smartphone thương hiệu Việt như Mobiistar, Asanzo và nhất là smartphone "Made in Vietnam" như Bphone của Bkav, ông Thiều Phương Nam cho rằng tiềm năng của smartphone ở Việt Nam vẫn tiếp tục rộng mở. Tất nhiên, việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi với sự thống trị của các thương hiệu lớn như Samsung, Apple, Oppo, Huawei,... nhưng lợi thế của các doanh nghiệp Việt là họ am hiểu thị trường để đưa ra các thiết kế phù hợp tối ưu cho người dùng.

Ví dụ, các công ty nước ngoài thường mang sản phẩm về Việt Nam thường phải mang sản phẩm với các băng tần phù hợp với nhiều nước trên thế giới, trong khi các nhà sản xuất trong nước chỉ cần thiết kế tối ưu cho cơ sở mạng/băng tần Việt Nam nên thiết kế ăng-ten sẽ đơn giản hơn, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. 

Thứ hai là các ứng dụng bản địa hóa sẽ tối ưu cho Việt Nam, thứ ba là Việt Nam vẫn còn một thị trường khá lớn ở các tỉnh lẻ - một cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa am hiểu và tiếp cận.

Các đối tác lớn của Qualcomm tại Việt Nam trong hệ sinh thái di động

40% vẫn đang xài "cục gạch", 60% lượng smartphone được bán ra bằng trả góp

Nói về thị trường smartphone trong năm qua, ông Nam đánh giá rất tích cực và đầy tiềm năng, với lượng % người dùng vẫn còn lớn với hơn 40% người dùng vẫn đang sử dụng mạng 2G và feature phone, trong khi con số này trung bình ở các nước phát triển trên thế giới chỉ còn dưới 10%. Chỉ cần một nửa lượng người này chuyển lên smartphone đã là rất lớn và chu kỳ thay máy của giới trẻ hiện nay rút xuống chỉ còn 1 đến 1,5 năm.

Ngoài ra, xu hướng khá đặc biệt ở Việt Nam là người dùng đang có xu hướng mua hàng cao cấp ngày càng nhiều nhờ vào các chương trình trả góp, theo thống kê trong năm qua có khoảng 60% lượng smartphone bán ra tại Việt Nam là qua hình thức trả góp, khiến giá bán trung bình của smartphone Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Tạo ra xu hướng kỳ lạ ở trong nước: vừa tăng cả số lượng, vừa tăng cả giá bán...

Cũng theo ông Nam, phân khúc smartphone từ 3-6 triệu đang chiếm tỷ lệ lớn trong nửa cuối năm vừa qua và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm nay. Do phân khúc này người dùng đã có thể sở hữu các tính năng gần như tương tự trên các flagship cao cấp, tất nhiên ở cấp độ khác, khiến phân khúc ở giữa này ngày càng phình to. Trong khi phân khúc dưới 2 triệu là dành cho những người bắt đầu chuyển đổi từ feature phone lên smartphone.

Cơ hội cho smartphone "made in Vietnam" đang rất rộng mở

Sẽ có điện thoại hỗ trợ 4G có giá thành sản xuất chỉ 25 USD

Đại diện Qualcomm cũng nhấn mạnh, việc thúc đẩy điện thoại 4G cơ bản sẽ giúp giảm tải gánh nặng băng tần dành cho 2G, trong khi hiện nay các nhà mạng Việt Nam vẫn đang phải gánh cùng lúc cả ba nền tảng 2G - 3G và 4G rất tốn kém trong công tác vận hành và duy trì.

Để đáp ứng điều này, ngoài việc đưa các chipset 4G lên cả các điện thoại cơ bản (feature phone), Qualcomm còn quan tâm tới hai giải pháp để giúp quá trình này diễn ra thuận lợi hơn. Đó là giải pháp tùy biến một phiên bản Android đặc biệt cho các điện thoại 4G nhằm giải quyết các vấn đề về pin và phần cứng ở mức cơ bản; hoặc họ sẽ hợp tác với các đơn vị thứ ba đưa ra một hệ điều hành riêng dành cho feature phone để vừa đơn giản thao tác sử dụng nhưng vẫn tận dụng được các lợi thế của 4G như lướt web, nhắn tin OTT hay các ứng dụng giải trí đa phương tiện.

Theo Qualcomm, giá thành sản xuất của các thiết bị hỗ trợ 4G cơ bản này sẽ chỉ rơi vào tầm 25 USD (dưới 600 ngàn đồng) và mức giá thương mại sẽ nằm dưới mức 1 triệu đồng, tùy nhà sản xuất. Đây được coi là chiến lược nhằm hút người dùng về băng tần 4G cùng với các nhà mạng của Qualcomm, bên cạnh phân khúc smartphone 4G đang có.

TM

Chủ đề khác