VnReview
Hà Nội

Mua sắm online Việt Nam 2017: xem trên điện thoại nhưng lại mua qua máy tính

Theo thống kê của một đơn vị khảo sát thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, trong năm 2017 người Việt đã bắt đầu quen với xu hướng mua hàng online. Tuy nhiên, phía sau đó còn có nhiều con số có thể sẽ khiến bạn bất ngờ...

Mức tăng trưởng truy cập di động trong năm 2017 của 6 nước trong khu vực Đông Nam Á;

Theo bản báo cáo mới nhất của iPrice - dịch vụ thống kê thị trường thương mại điện tử trong khu vực dựa trên hệ thống dữ liệu từ 1.000 doanh nghiệp ở 6 quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam) đã cho thấy, sự tăng trưởng về lượt truy cập di động tại Đông Nam Á vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong năm qua lượt truy cập di động ở thị trường này có mức tăng trưởng trung bình 19%, chiếm 72% tổng lượt truy cập của các trang thương mại điện tử. Indonesia dẫn đầu cuộc đua với 87% lượt truy cập bằng di động, trong khi Việt Nam tuy có con số thấp nhất trong số 6 nước thống kê nhưng cũng ở mức 72%.

Do vậy, có thể nói Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về tầm ảnh hưởng của thiết bị di động với thương mại điện tử cao hơn hẳn các quốc gia phương Tây. Lượt truy cập từ thiết bị di động đóng góp phần lớn vào doanh thu của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Tuy nhiên...

Lượt truy cập (tỷ lệ chuyển đổi) không liên quan đến độ trưởng thành của thị trường

Một trong những dữ liệu quan trọng đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử chính là tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ này được tính dựa trên hoạt động marketing của doanh nghiệp và mức độ hiệu quả của website doanh nghiệp đó. Nói cách khác, đây là số % của số lượt truy cập website (có thể) dẫn tới đơn hàng mua sắm thành công, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi có thể là yếu tố mang đến lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Tỷ lệ chuyển đổi của các doanh nghiệp trong khu vực

Không quá bất ngờ khi các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất trong khu vực (lên tới 65%), Singapore và Indonesia lần lượt ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Điều này cho thấy mức độ "trưởng thành" của thị trường online không thực sự có sự tương quan với tỷ lệ chuyển đổi của các nước trong khu vực. 

Theo thống kê, dù lượng truy cập từ di động tăng trưởng thần tốc cùng với sự hỗ trợ của các ứng dụng mua sắm di động ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ chuyển đổi của thiết bị di động vẫn thua xa so với PC. 

Việt Nam có tỷ lệ chuyển đổi dựa theo lượt truy cập lớn nhất khu vực

Cụ thể, tỷ lệ chuyển đổi trung bình trên thiết bị di động, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có chỉ số cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (1x). Trong khi tỷ lệ chuyển đổi trung bình trên PC của Việt Nam cao hơn gấp 1,7 lần trên thiết bị di động và cũng là quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất trong khu vực.

Giá trị đơn hàng liên quan mật thiết với GDP của mỗi quốc gia?

So với các nước trong khu vực, Singapore là quốc gia có GDP cao nhất với 90.520 USD, trong khi GDP của Việt Nam chỉ có 6.880 USD, sự chênh lệch này cũng ít nhiều được phản ánh trong cán cân thương mại điện tử, khi mà giá trị trung bình của mỗi đơn hàng của Singapore cũng cao hơn Việt Nam tới 3,7 lần, 91 USD so với 23 USD.

Giá trị giỏ hàng có mối tương quan mật thiết với GDP của mỗi quốc gia.

Giá trị đơn hàng trung bình (tính theo USD)

Dù người Việt thích lướt Internet trên điện thoại, nhưng khi cần quyết định mua sắm có vẻ như họ vẫn có xu hướng thích mở trình duyệt trên máy tính để tìm hiểu kỹ và chọn mua hàng hơn là qua điện thoại, nhất là các món hàng có giá trị cao, một phần do niềm tin trong mua sắm online ở Việt Nam vẫn chưa thực sự "chín muồi". Do vậy, giá trị giỏ hàng dựa trên tỷ lệ chuyển đổi cho thấy các đơn hàng trên PC vẫn có giá trị cao hơn trên di động, với mức chênh lệch từ 8% đến 20%.

Ngày/giờ ảnh hưởng như thế nào đến mua sắm trực tuyến?

Theo thống kê của iPrice, số đơn đặt hàng trung bình dựa trên từng quốc gia (tương ứng với 100%), số lượng đơn đặt hàng cao nhất lại diễn ra vào khung giờ từ 9 giờ đến 17 giờ trong ngày, đây cũng là khung giờ làm việc và đi học của người dùng. Ngoại trừ ngoại lệ của Singapore (mua sắm vào buổi chiều và buổi tối), các quốc gia trong khu vực cũng như Việt Nam đều có khung giờ giống nhau và sụt giảm đáng kể trong khoảng thời gian từ 17 giờ tới 19 giờ, đây là giờ tan tầm và di chuyển về nhà trước khi quay lại với mua sắm online cho tới 23 giờ. 

Số lượng mua sắm theo khung giờ trong ngày

Trong khi đó, ngày thứ Tư vẫn là mốc thời gian mua sắm nhiều nhất của người Việt và các nước trong khu vực trước khi sụt giảm mạnh vào cuối tuần. Khá ngạc nhiên khi cuối tuần lượng truy cập Internet tăng nhưng lượng mua sắm online lại giảm mạnh, có lẽ đây là khoảng thời gian mọi người thích tận hưởng vui chơi hơn là dành thời gian để mua sắm online.

Số lượng mua sắm dựa theo các ngày trong tuần

Thời gian online dựa theo các ngày trong tuần

Một năm đầy biến động của thương mại điện tử Đông Nam Á

Theo theo báo cáo Google-Temasek's eConomy SEA Spotlight 2017 report, 2017 là một năm quan trọng của ngành thương mại điện tử tại thị trường Đông Nam Á với tổng giá trị giao dịch (GMV) của những mặt hàng giao dịch lần đầu vượt qua 10 tỷ USD, vượt xa con số 5,5 tỷ USD của năm 2015, lãi gộp hằng năm (CAGR) cũng vượt trên 41% chỉ trong vòng vài năm trở lại đây.

Thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á 2017 cũng đã chứng kiến một bước ngoặt lớn khi Amazon quyết định đặt chân vào thị trường Đông Nam Á hay sự tăng trưởng mạnh mẽ của Shopee và Lazada đạt kỷ lục với 250 triệu USD doanh thu trong chiến dịch Cách mạng mua sắm. Còn các ông lớn Trung Quốc là Alibaba và Tencent cũng đang thi nhau giành giật miếng bánh thị trường này, đặc biệt là các thương vụ thâu tóm/mua lại cổ phần của các ông lớn thương mại điện tử như Lazada hay Tiki ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, dù một số đơn vị mới nhảy vào như Shopee đang miễn phí cước vận chuyển nhằm thu hút khách hàng nhưng có lẽ tương lai họ cũng sẽ sớm quay về mô hình thu phí vận chuyển như Lazada, vốn đã từng miễn phí để thu hút khách hàng và chuyển qua thu phí khi đã đạt được mục đích, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới lựa chọn mua sắm của khách hàng. May mắn thay, sự phát triển của các hình thức thanh toán trực tuyến đang dần giúp bức tranh thương mại điện tử Việt Nam khởi sắc, dù hiện phần lớn doanh nghiệp như Lazada, Tiki hay Shopee vẫn đang phải "đốt tiền" chịu lỗ nhằm hút khách và mở rộng cơ sở dữ liệu người dùng, một cuộc chơi đường dài tàn khốc sẽ còn tiếp tục "nảy lửa" trong năm 2018.

TM

Chủ đề khác