VnReview
Hà Nội

Chủ tịch Honor toàn cầu: Thị trường điện thoại Việt Nam chưa đủ cạnh tranh

Chủ tịch hãng điện thoại vừa tham gia thị trường Việt Nam cho rằng thị trường không khốc liệt như nhiều người ví von.

Honor, hãng điện thoại tách ra khỏi Huawei, vừa chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào ngày 7/3. Tại sự kiện, hãng giới thiệu hai mẫu 9 Lite và 7X nhắm đến đối tượng người dùng trẻ. Cả hai máy đều có thiết kế đẹp, giá mềm, hiện chỉ bán qua các trang thương mại điện tử.

Thêm sự có mặt của Honor, thị trường smartphone Việt Nam sẽ càng chật hẹp với hàng chục thương hiệu điện thoại khác nhau, phần nhiều trong đó là các nhãn Trung Quốc. Những tên tuổi Trung Quốc nổi bật hiện nay gồm Oppo, Huawei, Vivo, Xiaomi; nhỏ hơn có Infinix, Tecno, Meizu, Itel,...

Hai năm trước, Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam, người từng có kinh nghiệm làm việc tại châu Âu, cho rằng thị trường smartphone tại Việt Nam rất cạnh tranh. Thị trường này có hàng chục hãng smartphone tham gia trong khi nhiều nước châu Âu chỉ chưa tới chục nhãn hiệu.

Ông George Zhao, Chủ tịch Honor toàn cầu – Ảnh: Hải Đăng

Tuy vậy, ông George Zhao - Chủ tịch Honor toàn cầu - trả lời ICTnews tại sự kiện hồi giữa tuần cho rằng thị trường smartphone Việt Nam chưa đủ cạnh tranh.

"Thị trường này cạnh tranh chưa đủ và tôi không thấy đối thủ thực sự nào ở đây", ông George Zhao nói. Ông Zhao có 20 năm làm việc tại Huawei và sau đó phụ trách thương hiệu Honor, ông cũng từng có thời gian đảm nhiệm vị trí cao của Huawei tại châu Âu.

"Ở nơi cạnh tranh như Trung Quốc, chúng tôi đã thành công thì tại Việt Nam chúng tôi cảm thấy rất tự tin", ông Zhao khẳng định. "Tôi nghĩ việc lọt vào top 5, hay top 3 tại thị trường này là có thể thực hiện được". Honor đặt mục tiêu vào top 3 thị trường smartphone Việt Nam trong 3 năm tới.

Honor đặt mục tiêu vào top 3 hãng smartphone tại Việt Nam trong 3 năm nữa - Ảnh: Hải Đăng

Trong năm 2017, theo hãng nghiên cứu thị trường Sino-Market Research (Trung Quốc), Honor dẫn đầu mảng bán hàng online tại quốc gia này với doanh số 55 triệu smartphone, thu về 12 tỷ USD. Hãng vượt qua Xiaomi với cách biệt doanh thu 2,4 tỷ USD.

Huawei cho ra thương hiệu Honor từ năm 2011 và đến năm 2013 thì tách hoàn toàn Honor ra khỏi nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei. Ban đầu Honor chủ yếu nhắm vào phân khúc điện thoại tầm trung và chỉ bán online. Đến năm 2014, hãng bắt đầu xâm nhập thị trường toàn cầu, bắt đầu từ Malaysia, sau đó đến châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nga.

Theo ông Zhao, Honor và Huawei độc lập với nhau dù cùng thuộc tập đoàn. Honor có mô hình kinh doanh riêng, đội ngũ kinh doanh và tiếp thị riêng, nhắm đến phân khúc người dùng trẻ tuổi.

"Giới trẻ Việt Nam rất năng động, bắt kịp các xu hướng thời trang và công nghệ trên thế giới. Tuy vậy nhiều sản phẩm smartphone tại đây vẫn rất truyền thống. Honor sẽ mang đến những điện thoại có thiết kế đẹp, luôn theo xu hướng, có dấu ấn riêng để đáp ứng nhóm người dùng này", người phụ trách cao nhất tai Honor toàn cầu nhấn mạnh.

Không chỉ Honor, Huawei, Oppo, Xiaomi, Infinix là các hãng Trung Quốc thường xuyên tung các sản phẩm nhắm vào giới trẻ. Tuy vậy, những người trẻ thường không trung thành với một thương hiệu cố định, hay thay đổi.

Trả lời ICTnews về vấn đề trên, ông George Zhao cho rằng đó là lý do Honor sẽ luôn vận động để thay đổi, sáng tạo nhằm cho ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu. "Nếu chúng tôi ngừng sáng tạo, người dùng sẽ bỏ chúng tôi mà đi", ông Zhao nói.

Trong sự kiện tổ chức cách đây ba ngày, Honor tung ra hai mẫu máy Honor 9 Lite và Honor 7X. Honor 9 Lite có hai mặt kính, trong đó có phiên bản màu xanh đẹp mắt, giá bán 4,29 triệu đồng. Honor 7X có cấu hình tốt và giá bán 5,49 triệu đồng.

"Các bạn có thể so sánh hai smartphone của chúng tôi với sản phẩm bất kỳ hãng đối thủ nào, cả về thiết kế lẫn tính năng. Chúng tôi rất tự tin", ông Zhao nói.

Honor 7X có cấu hình vi xử lý 8 nhân, RAM 4GB, ROM 64GB, gần như giống hoàn toàn về cấu hình với Huawei Nova 2i nhưng lại có giá rẻ hơn đối thủ. Trước đó, Huawei Nova 2i đã là chiếc máy có giá rất tốt trên thị trường. Xiaomi cũng có những sản phẩm với giá rất cạnh tranh. Liệu có sự cạnh tranh về giá giữa các hãng Trung Quốc?

"Chúng tôi sẽ không cạnh tranh về giá bán với các đối thủ. Chất lượng sản phẩm, thiết kế, sáng tạo mới là thứ chúng tôi hướng đến", chủ tịch Honor giải thích.

Trong sự kiện giới thiệu hai smartphone mới tại Việt Nam, Honor đồng thời cũng công bố hợp tác với đối tác Bigo Live - ứng dụng phát video trực tiếp với đa số người dùng trẻ, và IGG - nhà phân phối trò chơi chiến lược Lords Mobile.

"Chúng tôi tin rằng đứng một mình sẽ khó thành công và cần có các đối tác để tạo hệ sinh thái. Trong thời đại Internet, chúng tôi có thể quảng bá lẫn nhau và mang đến khách hàng cho nhau", ông Zhao khẳng định.

Theo ICTNews

Chủ đề khác