VnReview
Hà Nội

Sự trỗi dậy đầy bất ngờ của smartphone "secondhand"

Trong khi thị trường smartphone toàn cầu chứng kiến đà trượt dốc về mặt doanh số trong Quý 4/2017, thì thị trường smartphone đã qua sử dụng và tân trang (refurbished) lại tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc.

> Người dùng giờ chuộng mua smartphone cũ, tân trang hơn là máy mới

Theo AndroidAuthority, đây là vấn đề rất đáng quan ngại, bởi số liệu thống kê cho thấy thị trường smartphone đã sụt giảm từ 5-9% trong Quý 4/2017 - một con số khá đáng kể. Nhưng đó chỉ xét riêng thị trường smartphone mới, còn đối với thị trường smartphone tân trang, mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Thị trường này tăng 13% trong năm 2017, với 140 triệu thiết bị được "sang tên đổi chủ", tức chiếm gần 10% toàn bộ thị trường di động.

Những thiết bị "secondhand" bao gồm: smartphone đã qua sửa chữa, smartphone cũ nhưng vẫn còn "zin", và smartphone tân trang (refurbished). Kết hợp với thực tế là mỗi người dùng smartphone ngày nay đều có xu hướng sử dụng thiết bị của mình lâu hơn trước khi đổi sang thiết bị mới, doanh số ngày càng tăng của điện thoại secondhand đã và đang dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu đối với smartphone mới. Tình trạng này đã được Tom Kang - giám đốc nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint - xác nhận:

"Tốc độ đổi mới chậm chạp đã khiến những chiếc smartphone cao cấp hai năm tuổi nay bị xếp ngang hàng về mặt thiết kế và tính năng với các smartphone trung cấp mới ra mắt. Do đó, thị trường smartphone trung cấp và bình dân mới đang bị 'nuốt chửng' bởi các smartphone tân trang cao cấp, chủ yếu là iPhone của Apple và một số lượng ít smartphone Galaxy của Samsung".

Các thiết bị của Apple và Samsung chiếm đến 75% thị trường smartphone tân trang, trong đó Apple hiện dẫn trước với một khoảng cách khá xa.

Apple cho biết họ chẳng ngại gì điều này. Triết lý của Tim Cook là "càng nhiều người dùng iPhone càng tốt", và đây là một hướng đi cực kỳ hợp lý khi điểm mạnh của Apple chính là hệ sinh thái: hãng lôi kéo người dùng sử dụng thiết bị của mình, và "khoá chặt" họ lại bằng những tính năng, dịch vụ liên kết với nhau một cách không thể mượt mà hơn. Thậm chí Apple còn cố tìm chỗ đứng tại Ấn Độ khi thuyết phục chính phủ nước này rằng họ có thể bán những chiếc iPhone đã qua sử dụng cho người tiêu dùng Ấn Độ. Tất nhiên, chính phủ Ấn Độ không đồng ý.

Thị trường điện thoại tân trang còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Các cửa hàng sửa chữa điện thoại bên thứ ba, và các hướng dẫn sửa chữa từ iFixit đã tạo điều kiện khá dễ dàng, và với mức giá phải chăng, cho người dùng khi có nhu cầu thay màn hình, thay pin... Tại Mỹ hiện còn đang diễn ra cuộc vận động kêu gọi "quyền được sửa chữa" nhằm giúp người dùng kéo dài hơn nữa thời gian sử dụng các thiết bị của mình.

Một yếu tố quan trọng khác giúp thị trường smartphone secondhand "nở hoa" là việc các điện thoại mới thời gian gần đây không còn hấp dẫn như trước nữa. Theo nhiều nhà phân tích thì những cải tiến công nghệ đã chạm đến điểm bão hoà, với nhiều nhà sản xuất smartphone chuyển hướng chọn những chiến lược an toàn hơn cho các sản phẩm của mình, từ đó khiến người tiêu dùng bớt đi một lý do chính đáng để nâng cấp thiết bị sau một năm sử dụng.

Chiếc Samsung Galaxy S9 là một ví dụ hoàn hảo cho việc này. So với S8, S9 chỉ mang lại những cải tiến nhỏ về mặt thiết kế, cấu hình tốt hơn đôi chút, đi kèm là một mức giá chấp nhận được. Tương tự, iPhone 8 cũng chỉ là một bản nâng cấp nhỏ từ iPhone 7, tất nhiên vẫn tốt hơn người tiền nhiệm. Những sự thay đổi nhỏ nhặt đó cho phép các công ty có thêm nhiều thời gian nghiên cứu phát triển và giới thiệu những thay đổi lớn hơn. Đó cũng là xu hướng chung hiện nay: tập trung hoàn thiện thay vì chạy đua "vũ trang". Sony và OnePlus thì đi theo hướng khác, khi tung ra smartphone mới sau mỗi 6 tháng, còn LG lại tuyên bố có thể sẽ ngừng ra mắt các mẫu smartphone mới theo từng năm, thay vào đó là tăng thời gian hỗ trợ cho các thiết bị hiện tại và tung ra nhiều biến thể của các mẫu máy dòng G và V.

Trong khi camera, vi xử lý và màn hình smartphone đều ngày càng tốt hơn, phần lớn các smartphone cao cấp từ hai năm trở lại đây đều đã quá đủ cho nhu cầu chung. Và theo Counterpoint thì sự trỗi dậy của thị trường smartphone secondhand thực sự là một hiện tượng toàn cầu. Theo đó, số lượng smartphone secondhand tập trung nhiều nhất ở Mỹ và châu Âu, trong khi các thị trường hàng tân trang phát triển nhanh nhất lại là châu Phi, Đông Nam Á và Ấn Độ.;

Ngành công nghiệp di động sử dụng phương thức phân tích dữ liệu để dự đoán giá trị bán lại trong tương lai của các thiết bị. Tức là sẽ luôn có một mức giá mua lại cụ thể mà người dùng có thể dựa vào đó để tăng hoặc giảm giá bán lại thiết bị của mình tuỳ ý. Dưới đây là biểu đồ cho thấy mức độ giữ giá của những smartphone cao cấp trên thị trường hiện nay:

Rõ ràng, nếu muốn dễ dàng bán lại chiếc smartphone của mình, bạn nên chọn mua máy của những thương hiệu nổi tiếng và được tin tưởng trên toàn cầu, đặc biệt là Apple, Samsung và Google. Counterpoint còn cho biết mức tụt giá của các smartphone từ năm 2016 hiện tại là từ 25-30%, trong khi các smartphone từ năm 2017 lại có mức tụt giá từ 20-25%; qua đó cho thấy thị trường smartphone secondhand càng phát triển, giá bán lại của các smartphone đó càng tăng lên.

Ở thời điểm hiện tại, giá bán của chiếc iPhone X bản 64GB đã giảm khoảng 17% so với lúc ra mắt, còn Samsung Galaxy S8 bản 64GB thì giảm 18% - không tệ nếu xét việc Galaxy S9 vừa mới ra mắt. Cũng cần chú ý rằng có khá nhiều nơi thậm chí còn giảm giá chiếc S8 đến 21% so với giá ban đầu!

Nhìn chung, sự trỗi dậy này của thị trường smartphone secondhand dù hợp lý nhưng vẫn rất đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 25% lượng thiết bị được bán lại sau quá trình sử dụng, khá thấp. Với những "thuyết âm mưu" cho rằng các nhà sản xuất đã làm cách nào đó để những chiếc smartphone khó có thể hoạt động tốt được nếu vượt qua mốc 18-24 tháng, thì đó có thể là lý do khiến 75% lượng thiết bị còn lại không xuất hiện trên thị trường secondhand được nữa. Chưa kể, có nhiều trường hợp người dùng tặng lại máy cho gia đình hoặc bạn bè và các hãng nghiên cứu thị trường không thể biết được.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên xem xét lại giá trị bán lại của chiếc smartphone đang sử dụng mỗi ngày, và khả năng giữ giá của chiếc smartphone tiếp theo. Chắc chắn rằng, nếu ngành công nghiệp này tiếp tục gặp khó khăn trong việc tạo ra những đổi mới thực sự, và những yếu tố quan trọng như camera hay màn hình chỉ được cải tiến theo hướng từ "rất tốt" lên "rất rất tốt", thì smartphone secondhand không sớm thì muộn cũng sẽ tiếp tục trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người dùng.

Áp lực đang ngày một đặt nặng lên vai các nhà sản xuất smartphone, buộc họ phải tìm cách biến thị trường cao cấp trở thành một miếng bánh ngon ngọt thu hút những người dùng đang sở hữu các thiết bị cao cấp từ năm trước, và làm sao để thuyết phục người dùng trung cấp từ bỏ thói quen mua các điện thoại cao cấp đã qua sử dụng!

Minh.T.T

Chủ đề khác