VnReview
Hà Nội

Reuters: VinFast và cuộc chơi mạo hiểm trên thị trường xe hơi

Ở thời điểm mà các công ty xe hơi tại các quốc gia phát triển đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các công ty công nghệ thừa tiền, Việt Nam lại đang đặt cược vào ngành công nghiệp sản xuất xe hơi với hi vọng đó sẽ là tấm vé giúp mang lại một nền kinh tế giàu mạnh hơn, giống như Nhật Bản và Hàn Quốc vậy.

Cổng vào nhà máy VinFast

Dưới đây là bài viết về Vinfast của hãng tin Reuters, VnReview xin lược dịch để các bạn theo dõi.

VinFast, một công ty con thuộc tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup, sẽ trở thành nhà sản xuất xe hơi quốc nội đầu tiên của Việt Nam khi những mẫu xe thành phẩm đầu tiên của họ lăn bánh trên đường phố vào tháng 8 năm sau.

"Liệu có nơi nào trên thế giới bạn có thể làm điều này với tốc độ không tưởng như kia hay không?" - Shaun Calvert, Phó Chủ tịch mảng sản xuất tại VinFast Trading and Production LLC, cho biết, trong khi nhìn về khu vực nhà máy mà mới 9 tháng trước thôi chẳng có gì ngoài một vùng biển.

Calvert nói trong khi đi dạo quanh nhà máy mới của công ty, một đảo phức hợp trải dài ở thành phố cảng Hải Phòng, nơi hai mẫu xe của VinFast sẽ được sản xuất.

Khởi đầu, VinFast sẽ có thể sản xuất 250.000 xe mỗi năm trong vòng 5 năm tới, tương đương với 92% tổng số xe hơi được bán ra tại Việt Nam trong năm ngoái.

Vingroup cho biết họ chỉ mới bắt tay vào tạo nên VinFast hơn một năm trước, và đã bỏ ra khoảng 3,5 tỷ USD cho dự án này.

"Chúng tôi đang thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của thị trường xe hơi nội địa, do đó chúng tôi hoàn toàn tập trung vào việc giành chiến thắng tại đây trước tiên" - CEO Jim Deluca nói trước sự kiện Paris Motor Show tuần nay, nơi VinFast tiết lộ những thị trường xuất khẩu đầu tiên của mình.

"Chúng tôi dự kiến mở rộng cả trong và ngoài ASEAN".

Hầu hết xe hơi đang bán tại Việt Nam đều mang các nhãn hiệu nước ngoài, lắp ráp trong nước từ các linh kiện nhập khẩu. Nhưng một loạt thoả thuận thương mại tự do gần đây đã giúp giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường. Khoản thuế nhập khẩu 30% áp dụng lên các xe hơi đến từ các quốc gia ASEAN khác cũng đã bị bãi bỏ trong năm nay.

Xe máy điện

Vingroup hiện đang đứng đầu thị trường bất động sản tại Việt Nam với Vinhomes, gia nhập thị trường chăm sóc sức khoẻ với Vinmec, điều hành một chuỗi siêu thị có tên Vinmart, và còn chen chân vào thị trường du lịch giải trí với các khu nghỉ dưỡng Vinpearl.

CEO Vinfast Jim Deluca

CEO VinFast Jim Deluca

"Ngày nay, có khoảng 4 triệu khách hàng có liên hệ với Vingroup theo cách này hay cách khác, do đó đây là một nhãn hiệu lớn, một nhãn hiệu tạo cảm hứng, và những khách hàng đó đã sẵn sàng cho một sản phẩm nội địa của VinFast" - Deluca nói.

Tại một quốc gia mà xe máy chạy đầy những con đường đông đúc của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, VinFast cũng sẽ sản xuất 250.000 xe máy điện mỗi năm cùng với 250.000 xe hơi, với tham vọng đạt được 1 triệu sản phẩm mỗi năm.

VinFast cũng đã bắt đầu phát triển một loại xe hơi chạy pin điện thông qua quan hệ hợp tác với EDAG Engineering (ED4.DE) của Đức, và sẽ giới thiệu chiếc xe này trong tương lai, Deluca cho biết.

"Chúng tôi nhận thấy trong lĩnh vực xe hơi, tốt nhất bạn nên bắt đầu với động cơ đốt trong, sau đó mới tung ra xe hơi chạy pin điện" - Deluca nói - "Từ góc nhìn cơ sở hạ tầng, việc sạc điện một chiếc xe máy sẽ dễ dàng hơn nhiều so với sạc một chiếc xe hơi".

"Niềm tự hào quốc gia"

VinFast còn thu hút nhiều chuyên gia từ nước ngoài. Có ít nhất 5 thành viên trong đội ngũ lãnh đạo của VinFast, bao gồm Deluca và Calvert, là những cựu binh của General Motors Co (GM.N).

Hồi tháng 6, ông trùm xe hơi Mỹ đã đồng ý chuyển nhượng toàn quyền sở hữu nhà máy tại Hà Nội cho VinFast để công ty Việt Nam có thể sản xuất xe hơi cỡ nhỏ dưới giấy phép toàn cầu của GM từ năm 2019.

Nhưng, dù cho những chuyên gia kinh nghiệm mà VinFast đã thu nạp được, việc dấn bước vào ngành công nghiệp xe hơi cạnh tranh rất cao không tránh khỏi những nguy cơ lớn.

Các công ty lắp ráp xe hơi nội địa của Việt Nam đã thử - và đã thất bại - trong việc bán những mẫu xe hơi sản xuất trong nước cho người dân. Trong khu vực, các công ty như Proton của Malaysia hay Holden của Úc cũng gặp nhiều khó khăn để thu hút được sự chú ý ngoài phạm vi quốc gia mình.

"Câu hỏi quan trọng ở đây là tại sao thế giới lại cần thêm một nhãn hiệu xe hơi nữa, trong thời kỳ mà phần cứng đang trở thành những món hàng hoá thông dụng" - Bill Russo, lãnh đạo công ty tư vấn Automobility Ltd ở Thượng Hải và là cựu lãnh đạo của Chrysler nói.

"Thực tế họ đã phải thuê ngoài đảm nhiệm việc thiết kế và sản xuất và đang dựa dẫm vào R&D (nghiên cứu và phát triển) nước ngoài cho thấy họ đang đi theo một con đường truyền thống vốn không thể cạnh tranh trong thời đại dịch vụ vận tải kỹ thuật số".

Bùi Ngọc Huyền, Chủ tịch Vinaxuki, hãng đã cố trở thành một hãng sản xuất xe hơi quốc nội, nhưng đã ngừng hoạt động sản xuất vào năm 2012 trước khi chiếc xe hơi đầu tiên của họ chính thức ra mắt, nói rằng tiềm lực tài chính dồi dào của Vingroup có thể sẽ giúp họ làm nhiều điều, nhưng cũng cảnh báo rằng việc xây dựng một thương hiệu sẽ tốn nhiều thời gian.

"Bạn phải đi từ việc sản xuất những chiếc xe hơi nhỏ, rẻ, sang những chiếc xe sang trọng hơn" - ông nói - "Sẽ mất nhiều năm để một nhà sản xuất xe hơi mới có thể tinh chỉnh các sản phẩm của mình và dành được sự tự tin từ người tiêu dùng. Sẽ mất từ 10 đến 20 năm".

Deluca nói rằng những mẫu xe đầu tiên của VinFast sẽ "có giá chấp nhận được" để thu hút người dùng trong nước, nhưng từ chối đưa ra mức giá cụ thể.

Nhưng ở Việt Nam, nơi có hàng trăm nghìn người sẵn sàng xuống đường với cờ đỏ sao vàng để ăn mừng thành công của một đội bóng U23, VinFast rõ ràng đang dựa vào một lợi thế cạnh tranh khác: niềm tự hào dân tộc.

"Chúng tôi nghĩ niềm tự hào dân tộc là một lợi thế rất lớn cho VinFast" - Deluca nói - "Điều chúng tôi đang làm ở đây là một thứ đặc biệt dành cho mọi người Việt Nam".

Minh.T.T

Chủ đề khác