VnReview
Hà Nội

Từ NES đến PlayStation: máy chơi game "hoài cổ" đang bùng nổ, nhưng trào lưu sẽ kéo dài bao lâu?

Khi bạn nhìn thế giới xung quanh và xem xét những thứ đang phổ biến - những bộ phim, âm nhạc, quần áo, và các sản phẩm đỉnh cao - bạn có cảm giác mọi thứ thú vị ngày nay đều là những thứ chúng ta từng thấy trước đây rồi.

Lấy các hệ máy chơi game cổ làm ví dụ. Khi Nintendo tung ra chiếc máy chơi game rất được yêu thích trước đây của hãng với diện mạo hiện đại mang tên NES Classic, giá 59 USD, chiếc máy này đã được bán hết veo gần như ngay lập tức. Công ty Nhật đã bán được 2,3 triệu máy chỉ trong vòng 5 tháng, kể từ mùa nghỉ lễ năm 2016. Được đà tiến tới, Nintendo trở lại với chiếc máy SNES Classic Edition vào mùa hè năm ngoái. Đơn đặt hàng trước đối với hệ máy này vào tháng 8/2017 nhiều đến mức khiến website của các nhà bán lẻ lớn sập trước lưu lượng truy cập khổng lồ (hoá ra, khá nhiều trong số đó là các con bot Internet điều khiển bởi những kẻ đầu cơ từ eBay).

Đến ngày 30/9/2018, tổng doanh số của hai hệ máy NES và SNES Classic đã vượt ngưỡng 10 triệu máy.

Đó là một con số không hề nhỏ - thậm chí đang tiến đến gần con số 14 triệu máy Wii U được bán ra trong toàn bộ quãng đời của nó. Từ chỗ chỉ là một sản phẩm phiên bản giới hạn, NES Classic nay trở thành cỗ máy kiếm tiền chính cho Nintendo. Mỗi khi NES Classic có hàng lại tại Best Buy - trang web bán lẻ mà nay xếp "Retro Gaming" thành một danh mục sản phẩm chính - nó lại nhanh chóng leo lên vị trí đầu bảng về doanh số.

Và nếu bạn nghĩ những công ty video game khác không để ý đến điều này, bạn nhầm to rồi.

Vào ngày 3/12 sắp tới đây, Sony sẽ tung ra PlayStation Classic, một phiên bản thu nhỏ của chiếc hộp xám huyền thoại từng khiến cả ngành công nghiệp video game phải ngoái nhìn vào những năm 1990. Nó sẽ được nạp sẵn 20 game, bao gồm những tựa game bom tấn ngày ấy như Final Fantasy VII và Tekken 3.

Vậy cơn cuồng game cổ có thực hay không? Liệu Sony có kiếm bộn tiền trong một thị trường mà Nintendo đã khai phá vào năm ngoái? Câu trả lời ngắn gọn là có. Nếu những con số ban đầu nêu trên là dấu hiệu (và chúng thường là vậy), thì PlayStation Classic sẽ là kẻ chiến thắng trong mùa nghỉ lễ dành cho Sony.

Khi PlayStation Classic mở đơn đặt hàng trước tại GameStop với giá 99 USD, nó đã bán đắt như tôm tươi, vượt mặt mọi sản phẩm khác đang bày bán cùng thời điểm tháng 9 vừa qua. Chính xác, nó đánh bại Super Smash Bros, các thẻ quà tặng GameStop, và thậm chí là cả Pokemon!

Giới thiệu PlayStation Classic

Cuộc đua đào vàng từ game cổ đã bắt đầu. Atari 2600, hệ máy chơi game từ những năm 1970 đã hợp thức hoá chơi game TV, đã được tung ra bởi các nhà sản xuất khác từ năm 2011 với tên gọi Atari Flashback. Theo nhiều thông tin, chiếc máy này bán được 860.000 đơn vị tại Mỹ, và vẫn đang tiếp tục được quảng bá mạnh mẽ. Retro Games vừa tung ra một phiên bản mini giá 79 USD của hệ máy Commodore 64 vào những năm 1982 với tên gọi THEC64. Nó sẽ được nạp sẵn 64 game bao gồm Boulder Dash và Jumpman. Nó thậm chí còn được trang bị một bàn phím màu nâu kích thước một nửa nhưng không hoạt động được.

Bạn cũng đoán ra rồi chứ? Nó được bán hết sạch!

Vậy điều gì đang diễn ra? Ai đang mua những thứ đó? Game cổ sẽ tiếp tục tồn tại chứ?

Hãy bắt đầu với người mua. Nên nhớ rằng vào những năm 80, chơi game tại nhà không oách lắm đâu. Người ta thường liên tưởng việc đó với mấy gã lạc lõng khỏi xã hội, ngồi nhà, dán mắt vào những chiếc TV 19-inch, cố kiếm được điểm cao hơn. Thời đó, bạn được gọi là "oách" khi chơi các trò game thùng cơ.

Một số bộ phim mang tính biểu tượng nhất những năm 1980, từ The Karate Kid đến Tron, đều bao gồm nhiều phân cảnh lớn trong các tựa game thùng. Nhưng một điều rất rõ ràng lúc đó: chơi game chỉ "oách" nếu bạn chơi ở nơi công cộng, trong lúc hẹn hò, hay khi đang mặc một chiếc áo khoác rad satin.

Ngày nay, đối tượng khán giả rộng hơn nhiều.

Những người từng chơi các tựa game này ngày xưa mong muốn tìm thấy sự hoài cổ. Tính đơn giản của các game này trái ngược với sự phức tạp trong các trò chơi hiện đại. Có điều gì đó tươi mới trong một trò chơi 8-bit đơn giản. Thế nên, họ quyết định mua chúng.

Tiếp theo, những "đứa trẻ ngầu lòi" từng cố tỏ ra "bình thường" thời ấy, để rồi bỏ lỡ chuyến tàu khi lần đầu nó đến ga. Họ từng có cơ hội để thử Tekken 3, và lần này, họ sẽ không bỏ lỡ xu thế nữa. Thế nên, họ quyết định mua chúng.

Và rồi đến lũ nhóc. Khi nói đến video game, luôn có lũ nhóc xuất hiện, và lần này, chúng đã được biết về các tựa game cổ trên điện thoại di động của bố mẹ. Chúng cũng nghe bố mẹ nói về hàng giờ liền họ say mê chơi trò Jumpman. Đứng giữa sự hào hứng trẻ thơ và sự hoài cổ của các bậc cha mẹ, thế nên, chúng quyết định mua.

Trào lưu này sẽ tồn tại chứ? Có khả năng. Sự hoài cổ không bao giờ trống rỗng. Như Nintendo đã đi từ NES Classic đến SNES Classic, các hãng sản xuất sẽ tìm cách kỷ niệm các sản phẩm của họ trong quá khứ và, khi thời điểm thích hợp, tung ra chúng một lần nữa để làm thoả lòng người hâm mộ. Trên thực tế, có tin đồn rằng Nintendo sẽ tung ra một chiếc Nintendo 64 Classic đấy!

Công ty này nói rằng họ không hề có kế hoạch làm điều đó, nhưng họ lừa ai chứ? Khi thời khắc đến, bạn có thể tin rằng, sẽ có không ít người mua chúng đâu.

Minh.T.T

Chủ đề khác