VnReview
Hà Nội

Nhìn lại những xu hướng smartphone thú vị và vớ vẩn nhất 2018 [phần 1]

Một năm đã trôi qua, và chúng ta đã chứng kiến một số lượng khổng lồ các thiết bị di động xuất hiện trên thị trường - con số này có thể lên đến 80, cho thấy một năm đầy hào hứng của thế giới công nghệ.

Trong năm 2018, chúng ta thấy màn hình "tai thỏ" đầy tai tiếng trở nên phổ biến, sau đó thu nhỏ lại chỉ còn một lỗ nhỏ trên màn hình. Cảm biến vân tay đặt dưới màn hình bắt đầu xuất hiện rộng rãi hơn, và cuối cùng cũng đủ ổn định để sử dụng được. Mở khóa bằng khuôn mặt được chú ý nhiều hơn, trong khi số lượng camera ở mặt sau điện thoại tiếp tục tăng cao hơn con số 2 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Sạc nhanh đã đạt đến những cột mốc mới với tốc độ cao không tưởng. Có rất nhiều sự ngạc nhiên trong năm nay - cả tốt lẫn xấu - và những xu hướng đã nổi lên sẽ tiếp tục phát triển xuyên suốt 2019.

Những hãng sản xuất smartphone truyền thống đã có một năm khó khăn vì áp lực từ những công ty năng động hơn đến từ Trung Quốc. Hàng loạt những chiến lược đánh chiếm thị trường được đề ra - một số thương hiệu trỗi dậy, một số khác tụt dốc.

Dưới đây là những xu hướng phát triển smartphone nổi bật nhất trong năm 2018, theo tổng hợp từ trang GSMArena.

1. Cuộc đua đến chiếc "tai thỏ" nhỏ nhất và công nghệ sạc nhanh nhất

Muôn hình vạn trạng "tai thỏ"

Không còn nghi ngờ gì nữa, xu hướng của mọi xu hướng trong năm nay chính là "tai thỏ". Phần khoét màn hình đầy tai tiếng, có lẽ đã xuất hiện từ trước khi chiếc iPhone X ra đời, nhưng chính Apple lại là người làm nó trở nên phổ biến. Và sau đó, nó lan ra như cháy rừng chỉ trong vòng vài tuần. Một sớm mai thức dậy, chúng ta bỗng thấy chiếc "tai thỏ" này đã hiện diện trên vô vàn những chiếc smartphone mới toanh trên thị trường.

Người tiêu dùng càng kêu gào phản đối những chiếc "tai thỏ" này bao nhiêu, các công ty lại tung ra những chiến dịch PR hoành tráng bấy nhiêu nhằm thuyết phục chúng ta mua điện thoại "tai thỏ" của họ - nay được quảng cáo là có màn hình Full View, Full Vision, Super Retina HD, Full Screens...hay bất kỳ cái tên nào các chuyên gia marketing có thể nghĩ ra được. Các nhà sản xuất thôi thúc người dùng chấp nhận "tai thỏ" để đổi lấy vẻ ngoài hiện đại hơn mà nó mang lại cho thiết bị của họ, dù tính thực tiễn của thiết kế này bị đánh giá là không cao. Nhưng dù cho như vậy, và dù chúng ta có thích hay không, "tai thỏ" đã góp phần trong việc giúp cả ngành công nghiệp di động đi theo một hướng tích cực.

Các hãng smartphone Android đầu tiên tự hào về việc có những chiếc "tai thỏ" nhỏ hơn của Apple, trong khi lờ đi sự thật là chúng chẳng chứa bất kỳ thứ gì tương đương với công nghệ quét khuôn mặt Face ID của Apple. Nhưng chính việc các công ty không ngừng so sánh sản phẩm của họ với Apple đã xác nhận một điều, rằng Apple vẫn tiếp tục là người tạo ra trào lưu trong ngành công nghiệp di động theo nhiều cách khác nhau.

Trong nửa sau của năm 2018, những "tai thỏ" hình giọt nước bắt đầu xuất hiện. Oppo và Vivo có những thiết kế giọt nước khác nhau, nhưng cả hai đều đi đúng hướng - hướng đi mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc tiễn "tai thỏ" vào dĩ vãng. Hiện nay, hầu như mọi hãng sản xuất đều có ít nhất một mẫu smartphone với "tai thỏ" hình giọt nước - cũng hợp lý thôi, nếu không đưa được công nghệ quét khuôn mặt tiên tiến vào vị trí này, tại sao không làm nó càng nhỏ càng tốt?

Một bước tiến khác của "tai thỏ" là đến cuối năm 2018, chúng ta bắt đầu thấy những thiết kế màn hình với một lỗ tròn nhỏ chứa camera xuất hiện. Có lẽ không nên gọi nó là "tai thỏ" nữa, và chưa ai biết liệu nó có đẹp hơn và thực tế hơn "tai thỏ" giọt nước hay không. Người tiêu dùng sẽ quyết định điều đó.

Samsung và Sony là hai trong số rất ít các hãng smartphone không tham gia cuộc đua "tai thỏ" trong năm 2018. Có thể họ không thích theo đuôi Apple, hoặc có thể họ đã có kế hoạch nhưng chậm triển khai hơn các công ty nhỏ khác. Một số tin đồn cho biết Samsung sẽ sớm tung ra những chiếc smartphone màn hình OLED với nhiều loại "tai thỏ" khác nhau, do đó năm 2019 có lẽ sẽ chứng kiến những thay đổi thú vị liên quan vị trí đặt camera trước.

Cuối cùng, hi vọng không nhà sản xuất nào chú ý đến Sharp Aquos R2 Compact - một chiếc điện thoại với đến...2 "tai thỏ" quái dị đến mức không tưởng.

Sạc nhanh đến mức điên rồ

Các tùy chọn sạc nhanh đã xuất hiện được vài năm, nhưng chỉ đến năm 2018 chúng mới có những tiến triển đáng kể. Trong số các công nghệ sạc nhanh, Quick Charge của Qualcomm được sử dụng rộng rãi nhất. Tuy nhiên, Oppo và Huawei lại là hai hãng dẫn đầu cuộc đua cải tiến và cả hai đều đạt được những thành tựu mới trong năm nay.

Vào đầu năm, Huawei sở hữu chuẩn sạc nhanh nhất - Super Charge ở 22,5W, theo sau là VOOC của Oppo và Dash của OnePlus ở 20W. Huawei sau đó tiếp tục tung ra Mate 20 Pro với phiên bản Super Charge lên đến...40W, và Oppo không chịu thua kém với Find X Lamborghini Edition và R17 Pro với Super VOOC 50W. OnePlus tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc đua, tung ra Warp Charge 30W, hiện chỉ dành riêng cho OnePlus 6T McLaren Edition. Qua thử nghiệm, dù Oppo và Huawei vẫn đang dẫn đầu, nhưng OnePlus và Vivo đã sắp bắt kịp.

Tốc độ sạc không dây cũng được cải thiện. Pixel 3/3XL và LG V40 đều có thể sạc không dây 10W. Chiếc Razer 2 mới đây thậm chí có thể sạc đến 15W. Không may là đến thời điểm hiện tại, hầu hết những đế sạc không dây công suất cao như vậy đều là hàng độc quyền, hoặc rất khó mua được, hoặc khá đắt, hoặc... hội đủ 3 vấn đề trên!

2. Sự trở lại của những dạng máy khác lạ

Trước thời kỳ màn hình cảm ứng, chúng ta từng có những chiếc điện thoại rất khác - chúng có khớp xoay, màn hình trượt, vỏ sò... Các hãng sản xuất tự do thử nghiệm với các dạng máy và thậm chí khi chúng không mang lại hiệu quả, một số dạng máy khác lạ vẫn giúp người dùng biết đến thương hiệu đó và cải thiện khả năng nhận diện thương hiệu.

Nhưng hiện nay, khi ngành công nghiệp smartphone đã chuyển sang thời kỳ của những thiết bị cảm ứng hoàn toàn, thì những màn hình cảm ứng lại trở thành một rào cản lớn đối với sự tự do sáng tạo. Điều ngạc nhiên trong năm nay là dù "tai thỏ" đang trên đà trỗi dậy, chúng ta lại được chứng kiến sự xuất hiện của một vài dạng máy khá thú vị, với thiết kế toàn màn hình ở mặt trước và vị trí đặt camera trước khác hẳn so với trước đây.

Thiết kế đầu tiên là camera selfie được đặt trong một mô-đun thò thụt. Vivo tung ra NEX S có camera selfie thò ra thụt vào bằng mô-tơ với kích thước tương đương một khay SIM. Cơ chế mô-tơ cho phép nó tự động bật ra khi cần dùng đến. Oppo cũng tham gia cuộc chơi với thiết kế thò thụt bằng mô-tơ, nhưng mô-đun của họ lớn hơn và chứa cả camera trước lẫn sau. Toàn bộ phần trên của Oppo Find X sẽ trồi lên, có nghĩa là bạn sẽ dùng đến mô-đun này thường xuyên hơn Vivo, nhưng trông Find X "ngầu" hơn nhiều. Cuối cùng, Xiaomi Mi Mix 3 và Honor Magic 2 nhập cuộc. Hai hãng này cũng đặt camera lên một mô-đun trượt, nhưng không dùng mô-tơ mà đẩy bằng tay như ngày xưa. Cơ chế trượt trên Mi Mix 3 và Magic 2 khá chắc chắn và sử dụng rất dễ dàng, chưa kể cơ chế lên-xuống này mang lại cảm giác thỏa mãn đáng ngạc nhiên khi nó gợi lên chút "hương vị" ngày xưa.

Và nhân lúc chúng ta nói về điện thoại trượt và hoài cổ, thì đừng quên Nokia 8110 4G. Người ta đã đồn đại về sự tái sinh của "quả chuối" từ lâu, và khi nó thực sự xuất hiện, ai cũng hào hứng. Du chiếc Nokia 8110 mới không gây được nhiều ấn tượng, chúng ta vẫn thích thú khi có được một phiên bản hiện đại của chiếc điện thoại đã đi vào huyền thoại này và tận hưởng việc trượt nắp nó lên xuống chẳng cần lý do cụ thể nào.

Chiếc NEX Dual Display Edition mới đây chọn một hướng đi khác để giải quyết vấn đề màn hình toàn mặt trước. Thay vì phải lo lắng tìm một vị trí để đặt camera ở mặt trước máy, tại sao không trang bị cho nó một màn hình thứ hai ở mặt lưng? Màn hình thứ hai không phải là điều gì đó mới mẻ - từ năm 2002, hoặc gần đây hơn là chiếc Meizu Pro 7/7 Plus đã có rồi. Tuy nhiên, màn hình thứ 2 của NEX Dual Display không phải thuộc dạng "có cho vui" - nó là một màn hình Super AMOLED độ phân giải cao hẳn hoi, cho phép người dùng sử dụng máy chẳng khác gì màn hình chính.

Và trước khi chúng ta tạm dừng phần 1 của bài viết, hãy nhắc đến chiếc ROG Phone của ASUS một chút, dù lý do nó xuất hiện ở đây hoàn toàn khác so với những thiết bị còn lại. ROG Phone là một mẫu flagship mạnh mẽ, nhưng điều làm nó đặc biệt là những món phụ kiện gắn ngoài. Những phụ kiện này mở rộng khả năng của điện thoại như bộ giáp Iron Man được gắn thêm vũ khí, và dù chiếc điện thoại lúc này trông khá lạ mắt, những trang bị gắn thêm này khiến nó trông cực kỳ hầm hố, đặc biệt trong mắt các game thủ.

(còn tiếp)

Minh.T.T

Chủ đề khác