VnReview
Hà Nội

Tại sao TV 8K hiện vẫn chỉ là điều viển vông?

"Viển vông" là nhận định của phóng viên trang công nghệ The Verge khi anh nói về công nghệ đình đám nhất triển lãm CES năm nay.;Giống như mọi lần, CES là sự kiện tràn ngập các sản phẩm nghe nhìn mà TV là tâm điểm nổi bật trong đó. Năm nay, xu hướng 8K thống trị sân khấu của bất cứ hãng nào, thế nhưng nó vẫn khiến người ta có cảm giác mơ hồ thiếu thuyết phục.

Nói như vậy không phải là phủ nhận sự xuất hiện hoàng tráng của những chiếc TV 8K. Với hầu bao rủng rỉnh, bạn có thể lựa chọn bất kì mẫu nào đến từ Samsung, Sony và LG, hãng nào cũng đã cung cấp lựa chọn 8K cho khách hàng. Nhưng đừng để những màn ra mắt hoành tráng đó cướp đi mất sự tỉnh táo của bạn. Ý tưởng bất kì ai cũng nên lên đời một chiếc 8K thực sự là ngu ngốc! Vì sao? TV 8K trông rất tuyệt vời, nhưng bộ phim yêu thích của bạn và tôi không hề có sẵn ở đó. Và tình hình này còn lâu nữa mới được cải thiện, The Verge chia sẻ.

Phải thừa nhận rằng độ nét siêu cao với hơn 33 triệu điểm ảnh quả là một dấu ấn kĩ thuật đáng ghi nhận. So với 4K hiện nay, hình ảnh trông "siêu thực" như thể chúng ta đang xem qua một khung cửa sổ chứ không còn là màn hình TV nữa. Một chiếc TV 8K "khổng lồ" lên đến 88 hay kể cả 98 inch trông rất thật, "sắc nét" thôi là chưa mô tả đầy đủ và chính xác.

Và cũng chính vì thế, tôi cam đoan với bạn rằng khác biệt giữa 4K và 8K là có thể nhận ra, nhưng với điều kiện là bạn phải mua một chiếc có màn hình thật bự mà trước đây bạn chưa hề nghĩ đến. Chỉ 55 hay 65 inch thôi là chưa đủ để lột tả hết vẻ đẹp của hơn 33 triệu điểm ảnh. Chúng ta sẽ cần TV lớn từ 75 inch trở lên, càng lớn càng tốt. Sony mang đến MASTER Z9G có hai cỡ là 85 và 98 inch - chúng trông tuyệt thật sự! LG có một chiếc OLED 8K lớn 88 inch. Tuy nhiên tôi không chắc giá bán sẽ "điên rồ" đến mức nào khi mà TV OLED 77 inch hiện nay đã gần 15.000 USD ở Bestbuy! Samsung cũng có một chiếc QLED 82 inch giá 10.000 USD khác. Trong quá khứ, Sony từng có mẫu Z9D 100 inch giá lên đến 70.000 USD.

Vậy nên vấn đề đầu tiên của những chiếc TV 8K đó chính là mức giá đắt đỏ, vượt quá tầm với rất nhiều người. Thêm nữa là chúng chỉ thực sự có ý nghĩa trên kích thước rất lớn. Bạn phải sắp xếp lại phòng khách của mình để đặt "con quái vật" hơn 80 inch đó vừa vặn. Nhiều người thậm chí còn không kê nổi một chiếc TV 65 inch trong phòng, chứ đừng nói đến 80 hay 100 inch.

Và tiếp theo là nội dung 8K nguyên bản thiếu trầm trọng để thưởng thức. Một số ít kênh Youtube có video 8K nhưng nhu cầu giải trí của chúng ta đâu chỉ dừng lại ở đó. Với khoản tiền rất lớn đã bỏ ra, chúng ta cần nhiều nguồn nội dung hơn.

TV 8K là tuyên bố lớn nhất ở CES 2019

Netflix, Amazon Prime chưa chia sẻ nhiều về kế hoạch cung cấp phim 8K tương lai. Phần lớn các phim Hollywood ghi hình ở độ phân giải 4K hoặc hơn, nhưng khi phân phối sẽ được đưa xuống mức 2K (không phải là độ phân giải QHD 2560x1440). Định dạng yêu thích của các videophile là đĩa Blu-ray thì đang kẹt ở 4K UHD. Đối với các xưởng phim, đầu tư hệ thống gồm máy tính xử lý và máy quay để biến 8K thành hiện thực cần có động lực rõ ràng - mà hiện tại chưa có.

Truyền hình cáp và vệ tinh cung cấp khá hạn chế các nội dung 4K, thường là các sự kiện thể thao lớn. Cá biệt có Nhật Bản đã triển khai một kênh 8K đầu tiên trên thế giới, nhưng cho đến hết 2020 cũng chỉ cung cấp duy nhất một kênh. Hay gần đây đài CBS ở Mỹ cũng tuyên bố sẽ phát sóng 8K giải Super Bowl. Trong kế hoạch nâng cấp của các nhà đài, phát sóng 4K HDR là mục tiêu ưu tiên hướng tới, không phải 8K.

Vấn đề của các đơn vị sản xuất nội dung là nếu tiến đến 8K, họ sẽ phải kiện toàn bộ máy làm việc hiện tại. Thay đổi quy trình sản xuất nội dung đòi hỏi khoản chi phí đầu tư mà bạn không tưởng tượng nổi, từ các máy quay, hệ thống xử lý, lưu trữ, nâng cấp băng thông truyền tải,... Đến khi phân phối tới khách hàng, họ đưa ra gói thuê bao mới mà mức giá có thể làm nhiều người chùn tay. Nếu đòi hỏi cung cấp nội dung 4K/8K miễn phí hoặc không tăng giá dịch vụ, chẳng đơn vị nào dám thực hiện. Khi bạn biết đài NHK đang dùng một ống kính quay phim trị giá hơn 21 tỷ đồng sản xuất nội dung 8K, dù chỉ phát sóng một kênh duy nhất trên thế giới, bạn sẽ hiểu.

Giải pháp tạm thời trước mắt khi nguồn 8K không có

Samsung và các nhà sản xuất truyền hình đề nghị chúng ta tạm thời chấp nhận giải pháp upscale của họ. Nâng cấp các nguồn video lên gần với 8K bằng trí tuệ nhân tạo, thuật toán, cơ sở dữ liệu. Khá chắc nó sẽ có hiệu quả nhất định, nhưng vẫn không tương xứng với số tiền đắt đỏ mà khách hàng đã đầu tư. Không thể khai thác lợi ích của truyền hình 8K triệt để nếu không có nguồn nội dung nguyên bản.

Một liên minh 8K được hình thành ở CES với ý đồ thúc đẩy phát triển TV và nguồn 8K. Nhưng rõ ràng chặng đường để 8K trở nên gần gũi hơn vẫn còn đâu đó rất xa vời. Khi mà 4K xuất hiện đã hơn 5 năm còn 8K thậm chí chỉ vừa "cất cánh". 4K HDR sẽ thuyết phục hơn nhiều để nâng cấp TV, chỉ cần bạn chịu chi trả thì nguồn nội dung sẵn có hiện nay có thể đáp ứng được.

Tất nhiên nếu giàu đến mức không biết làm gì để tiêu hết tiền, chẳng ai ngăn cản bạn tậu một chiếc TV 8K khổng lồ giá 1-2 tỷ đồng. Theo phóng viên The Verge, có vẻ như các nhà sản xuất đang cố gắng thuyết phục chúng ta bằng một thứ chưa sẵn sàng. Tất cả những gì được hô vang ở CES chỉ là tăng cường độ phân giải trong khi với đại chúng, 4K HDR thiết thực hơn nhiều. Vẫn còn quá sớm để mong đợi truyền hình 8K đến gần hơn với các hộ gia đình, tại thời điểm này, nó vẫn là một điều viển vông, xa xỉ!

Ambitious Man

Chủ đề khác