VnReview
Hà Nội

Huawei có thể vẫn tham gia cuộc chơi 5G tại New Zealand và Vương quốc Anh

Thủ tướng New Zealand cho biết bà không loại trừ khả năng cho phép Huawei tham gia cung cấp các thiết bị phần cứng và công nghệ 5G nhằm giúp nâng cấp hạ tầng Internet tại quốc gia này, với điều kiện các nguy cơ về bảo mật (không được nhắc đến cụ thể) có thể giải quyết ổn thoả.

New Zealand vẫn chưa cấm Huawei tham gia chiến dịch nâng cấp hạ tầng mạng Internet chủ chốt ở quốc gia này, miễn là các vấn đề do các công ty nghiên cứu bảo mật đưa ra có thể được giải quyết ổn thoả. Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh quốc gia này không chịu ảnh hưởng bởi quyết định của Anh đối với vụ việc.

Cục An ninh Truyền thông Chính phủ New Zealand (GSCB) hồi năm ngoái đã cảnh báo công ty viễn thông Spark rằng các thiết bị của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei (lúc bấy giờ đang được đề xuất sử dụng cho hạ tầng mạng 5G ở nước này), có thể gây ra những "rủi ro về an ninh mạng nghiêm trọng" nhưng không nêu cụ thể.

Thủ Wellington cho biết ở thời điểm đó lệnh cấm được đưa ra do những lo ngại về mặt công nghệ chứ không phải nước này lo sợ về sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc đối với công ty công nghệ này, và Spark hoàn toàn có thời gian để khắc phục các lỗ hổng bảo mật đó.

Spark gọi quyết định đó là một động thái "đáng thất vọng", nhưng sẽ không làm ảnh hưởng tới kế hoạch ra mắt mạng 5G tại thị trường New Zealand vào ngày 1 tháng 7 năm 2020.

Hôm thứ ba vừa qua, Thủ tướng Jacinda Ardern đã nhắc lại lập trường của Chính phủ rằng họ đang tiến hành một quá trình nhằm kiểm tra liệu những rủi ro về bảo mật đó có thể khắc phục được không, và do đó vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

"Đó là những từ ngữ mô tả chính xác nhất tình hình hiện tại của chúng tôi," bà trả lời trang tin TVNZ. "Cục An ninh Truyền thông Chính phủ New Zealand (GSCB) đang tìm cách khắc phục vấn đề. Họ làm việc độc lập với chúng tôi. Và chúng tôi đặt niềm tin vào quy trình làm việc của họ."

Các chính khách New Zealand cũng như Cục GSCB từ chối công bố công khai các nguy cơ nào đang nằm trong diện tình nghi hay hướng khắc phục hiện tại là gì.

Tuần vừa qua, trang tin Financial Times cho biết Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh tuyên bố các nguy cơ an ninh đến từ công nghệ của Huawei có thể xử lý được, và động thái này có thể sẽ ảnh hưởng nhiều tới quyết định của các quốc gia khác đối với nền tảng công nghệ của Huawei.

Ardern cho biết New Zealand họ vẫn sẽ độc lập đưa ra quyết định của mình.

"Đúng là [mạng lưới tình báo của Anh] Five Eyes có chia sẻ thông tin với chúng tôi, song chúng tôi vẫn sẽ đưa ra những quyết định độc lập của riêng mình", bà chia sẻ với các phóng viên.

Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đưa ra lời cảnh báo đối với các quốc gia châu Âu rằng việc triển khai các thiết bị đến từ nhà sản xuất Huawei "sẽ khiến sự hiện diện của Mỹ [tại các quốc gia này] trở nên khó khăn hơn".

"Nếu các thiết bị đó [của Huawei] được triển khai cùng địa điểm với các hệ thống của Hoa Kỳ, thì chúng tôi sẽ rất khó có thể hợp tác cùng với họ."

Các nhà lập pháp New Zealand phủ nhận bị Washington gây sức ép.

Hồi tuần trước, CNN dẫn lời Giám đốc điều hành của Công ty viễn thông Consumer BT, Marc Allera cho biết họ không tìm thấy bằng chứng nào về việc các mối đe dọa về an ninh đến từ Huawei.

"Trong những năm qua, chúng tôi đã cộng tác với Huawei và chưa nhận thấy bất cứ điều gì khiến chúng tôi lo ngại", Allera cho biết. "Chúng tôi làm việc chặt chẽ với nhiều cơ quan, chính phủ và các tổ chức chuyên an ninh. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cộng tác với tất cả các cơ quan có liên quan để trả lời tất cả các câu hỏi được đặt ra."

Động thái này xuất hiện bất chấp việc BT hồi tháng 12 vừa qua cho biết họ sẽ loại bỏ các thiết bị Huawei khỏi hạ tầng mạng 3G và 4G cốt lõi của nhà mạng di động EE và sẽ không sử dụng thiết bị của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho hệ thống mạng 5G của mình.

Ở thời điểm đó, công ty viễn thông cho biết quyết định được đưa ra là nhằm hợp nhất hạ tầng mạng mới của EE phù hợp với hệ thống mạng cố định cũ, vốn không sử dụng công nghệ của Huawei.

"Vì lý do đó, Huawei không được đưa vào danh sách các lựa chọn cho hạ tầng mạng 5G lõi của chúng tôi."

Huawei đồng ý rằng quyết định này "là một động thái thông thường và có thể dự đoán trước. Chúng tôi hiểu và hoàn toàn đồng ý với quyết định đó". Dù vậy, EE đã quay trở lại hợp tác xây dựng hạ tầng mạng 5G với Huawei hồi tháng 2 năm 2018.

Đầu tháng này, Reuters dẫn lời Huawei cho biết sẽ mất tới 3 đến 5 năm và một khoản đầu tư trị giá 2 tỷ USD để giải quyết các vấn đề bảo mật mà báo cáo của Anh đã chỉ ra vào hồi năm ngoái.

Australia đã cấm Huawei tham gia vào việc triển khai mạng 5G ở nước này hồi tháng 8 năm ngoái, trong đó viện dẫn các nguy cơ an ninh quốc gia đến từ những lo ngại về việc bị chính phủ nước ngoài can thiệp vào các hạ tầng viễn thông quan trọng.

Huawei đã liên tục phủ nhận các cáo buộc sản phẩm và công nghệ của công ty là một nguy cơ về an ninh mạng. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi hồi tháng 1 thậm chí còn tuyên bố công ty thà đóng cửa còn hơn làm phương hại đến lợi ích của khách hàng để đổi lấy lợi ích của công ty.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ làm điều gì tổn hại đến lợi ích của khách hàng," ông Nhậm tuyên bố.

Nhà sáng lập Huawei cũng nhắc lại một tuyên bố của công ty từ năm 2013 cho biết, họ chưa bao giờ nhận được yêu cầu từ Chính phủ Trung Quốc để thực hiện hành vi gián điệp, đồng thời khẳng định, những yêu cầu như vậy sẽ bị từ chối thẳng thừng. Bắc Kinh có thể khởi kiện công ty nếu muốn và họ chấp nhận điều đó.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ nói không trước những yêu cầu như vậy," ông Nhậm cho biết.

Quang Huy

Chủ đề khác