VnReview
Hà Nội

Đầu tư cho màn hình microLED: Apple mua lại, Samsung hợp tác, Sony tự lực

Hướng đầu tư cho công nghệ microLED vừa được tờ The Elec của Hàn khái quát, dựa theo chuyên trang LEDinside. Đây là công nghệ màn hình mới tiếp theo, được kì vọng sẽ thay thế LCD (tinh thể lỏng) và OLED (phát quang hữu cơ) ở một số lĩnh vực. Phân chia theo vùng miền, dưới đây là tóm tắt ngắn gọn hướng phát triển công nghệ microLED tại từng khu vực.

Đầu tiên, ở Mỹ và châu Âu thì các công ty có xu hướng tìm đến các start-up (công ty khởi nghiệp), viện nghiên cứu. Công ty Cree và Đại học bang Illinois đã dẫn đầu sự phát triển công nghệ này ở Mỹ trong giai đoạn đầu (2000 - 2013). Sau đó, Apple cũng tìm cách mua lại hãng khởi nghiệp Đài Loan LuxVue năm 2014. Nhiều người tin rằng những thiết bị đầu tiên sử dụng công nghệ microLED do Apple phát triển dựa trên nền tảng của LuxVue, sẽ là đồng hồ Apple Watch và kính AR.

Tháng Chín năm ngoái, công ty phụ tùng Canada Magna lập liên doanh với một start-up Mỹ, Rohinni. Magna Rohinni Automotive dự định sẽ ứng dụng công nghệ microLED lên xe hơi. VueReal, một start-up Canada, cũng hợp tác đồng phát triển với công ty thiết bị bán dẫn Mỹ tên Veeco. VueReal từng gây chú ý năm 2017 khi giới thiệu nguyên mẫu màn hình microLED độ phân giải 4K, mật độ điểm ảnh 6.000ppi. Nhìn chung đều hướng đến các công ty non trẻ khi muốn đầu tư vào microLED.

Apple mua lại LuxVue đã khiến nhiều công ty khác để mắt đến công nghệ microLED

Đó là khu vực Âu Mỹ, còn với xứ xở kim chi xa xôi, nơi có hai công ty nổi tiếng nhất là Samsung và LG, họ chọn làm đối tác với các công ty có sẵn kinh nghiệm về LED. Do phần lớn nguồn đầu tư chính của họ đã chuyển sang OLED, khiến cho việc đầu tư vào micro LED bị hạn chế. Công ty dẫn đầu thị trường Trung Quốc là Sanan Optoelectronics đã công bố mối hợp tác với Samsung. Ngoài ra, đại gia Hàn Quốc còn đầu tư vào một công ty Đài Loan khác là PlayNitride, thậm chí từng có tin đồn Samsung muốn mua lại. Do đang giữ thế thống trị ở thị trường truyền hình, Samsung và LG đều muốn nhắm đến phát triển màn hình microLED loại lớn, có thể dùng cho TV. Tuy nhiên cả hai vẫn chỉ dừng lại ở mức trưng bày nguyên mẫu.

Ở Đài Loan, các công ty vốn có nền tảng cực mạnh ở sản xuất, chế tạo. AUO đã phát triển các bảng điều khiển TFT 8 inch độ phân giải cao cho màn hình microLED. PlayNitride cũng đã giới thiệu hai nguyên mẫu microLED xuyên thấu năm ngoái, họ thậm chí còn nhắm đến sản xuất hàng loạt chip microLED cuối năm nay. JDC (Jasper Display Corp) cũng đã ra mắt màn hình microLED cho các thiết bị đeo. Chỉ duy nhất Foxconn có kế hoạch hoàn thiện công nghệ. Công ty đang phát triển bằng cách thâu tóm eLux ở Mỹ (cũng giống lựa chọn Apple). Nhánh sản xuất màn hình Innolux trực thuộc tập đoàn Foxconn vừa thành lập một đơn vị kinh doanh microLED. Có suy đoán rằng họ muốn giành miếng bánh cung cấp màn hình cho Apple sau này, dựa trên microLED.

Và cuối cùng là Nhật Bản. Ở đây, Sony là công ty dẫn đầu việc nghiên cứu về microLED. Điều này không ngạc nhiên vì họ đã tìm đến công nghệ này từ rất sớm. Ngay từ năm 2012 trước cả khi Apple mua lại LuxVue hai năm, thương hiệu Nhật Bản đã đem đến CES nguyên mẫu TV LED "thực" đầu tiên trên thế giới, sử dụng công nghệ microLED. Một khác biệt thú vị so với tất cả các trường hợp nêu trên, Sony được xác định là đã tự mình nghiên cứu, thử nghiệm, thay vì thông qua hợp tác bên ngoài. Sản phẩm microLED thương mại duy nhất hiện nay là hệ thống CLEDIS của Sony, dù vậy nó không dành cho khách hàng phổ thông mà nhắm đến các tổ chức, doanh nghiệp,...

Hệ thống CLEDIS của Sony trưng bày tại CES 2017, sử dụng nhiều module microLED ghép lại

Năm ngoái, hãng sản xuất LED UV Nitride Semiconductor của Nhật đã thành lập một chi nhánh con, Micro Nitride. Điều này là để mở rộng sự phát triển và sản xuất chip UV LED kích thước micromet cho các ứng dụng hiển thị.

Về mặt bằng sáng chế, giai đoạn phôi thai cho công nghệ microLED là từ năm 2000 đến 2013. Giai đọan này hoạt động nghiên cứu còn mang tính thăm dò, thị trường chưa có, do vậy không có động lực đầu tư cho các công ty. Các công ty dẫn đầu gồm Sony, Cree và Đại học bang Illinois. Dấu mốc thay đổi bắt đầu từ khi Apple mua lại LuxVue năm 2014, tin tức lan nhanh trong ngành công nghiệp. Sau đó là Uniquarta của Hoa Kỳ, PlayNitride (Đài Loan), Rohinni của Hoa Kỳ, Mikro Mesa (Đài Loan), QMAT (Hoa Kỳ) và VueReal (Canada) đã mở rộng đầu tư micro LED của họ. Trong hai năm gần đây, các nhà sản xuất tấm nền như AUO (Đài Loan), BOE và CSOT của Trung Quốc, cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế.

So với LCD và OLED, microLED mang lại nhiều ưu điểm về độ sáng, tương phản, tốc độ phản hồi, tiêu thụ năng lượng. Do vậy chúng ta đều kì vọng microLED sẽ nhận được nhiều đầu tư để sớm vượt qua các rào cản, đi đến sản xuất đại trà. Đây chắc chắn là công nghệ màn hình của tương lai nhiều năm nữa, thay vì chỉ là "bánh vẽ" như hiện tại.

Ambitious Man

Chủ đề khác