VnReview
Hà Nội

Axit benzoic là gì? Axit benzoic trong tương ớt có đáng lo?

Thông tin hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu được Công ty Masan công bố là 'dành riêng cho thị trường Việt Nam' bị;trung tâm y tế cộng đồng thành phố Osaka ra lệnh thu hồi do chứa hoá chất axit benzoic gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng.

Mặc dù các chuyên gia và lãnh đạo Cục ATTP đã lên tiếng công bố và giải thích về hàm lượng axit benzoic cho phép trong thực phẩm nhưng chưa giải toả được lo lắng của người tiêu dùng.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội)  cho biết, axit benzoic là loại chất bảo quản để chống mốc và chống sinh vật phát triển trong thực phẩm. Rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang dùng chất này trong các sản phẩm tiêu dùng thường ngày.

Hiện tại, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm của Liên hợp quốc (Codex) cho phép sử dụng axit benzoic với hàm lượng 0,1%. Theo quy định của Bộ Y Yế Việt Nam, nồng độ chất này trong thực phẩm tối đa cũng là 0,1%, hay 1 g/ 1 kg.

Theo các báo cáo và số liệu thì hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chinsu vẫn nằm trong mức cho phép theo tiêu chuẩn Codex

Hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chinsu có trong ngưỡng an toàn?

Trên nhãn hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản có ghi rõ hàm lượng axit benzoic trong đó lần lượt là 0,41 g/ 1 kg với các chai có hạn dùng 10-6-2019, 0,44 g/ 1 kg với hạn dùng 17-6-2019 và 0,45 g/ 1 kg với hạn dùng 6-7-2019.

Như vậy, chiếu theo những tiêu chuẩn Quốc tế và cả ở Việt Nam thì lượng axit benzoic trong tương ớt Chinsu vẫn trong ngưỡng cho phép.

Cần phải nói thêm rằng Codex là một tiêu chuẩn Quốc tế trong lĩnh vực thực phẩm, tùy vào nó mà các quốc gia sẽ đưa ra những quy định riêng theo hoàn cảnh đất nước mình. Theo danh mục sử dụng phụ gia ở Nhật Bản ban hành cuối năm 2018 thì axit benzoic bị cấm sử dụng trong tương ớt nhưng lại được dùng trong xì dầu (hàm lượng 0,6 g/ 1 kg), siro (0,6 g/ 1 kg) hay bơ thực vật (hàm lượng 1 g/ 1 kg)...

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y Tế xác nhận: 'Chúng tôi có tìm hiểu thì Nhật Bản vẫn cho phép sử dụng axit benzoic trong thực phẩm. Tuy vậy, họ không cho phép sử dụng trong tương ớt'.

Sau khi tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản thì có thông tin axit benzoic khi gặp vitamin C trong thực phẩm và đồ uống sẽ sản sinh ra benzene - chất gây ung thư. Điều này càng khiến dư luận hoang mang hơn khi ớt là loại nguyên liệu có chứa lượng vitamin C khá cao.

Tuy vậy, phát biểu với Zing PGS.TS Trần Hồng Côn - Giảng viên khoa Hóa học, Đại học Tự nhiên Hà Nội cho biết Benzene rõ ràng là một chất gây ung thư nhưng việc kết hợp axit benzoic và vitamin C tạo ra Benzene thì mới chỉ ghi nhận là có báo cáo như vậy, không có kết luận cụ thể về việc kết hợp như thế nào, mức độ bao nhiêu, trong điều kiện thế nào thì sản sinh ra benzene.

Cùng với đó, thí nghiệm về axit benzoic và vitamin C kết hợp tạo ra chất gây ung thư mới chỉ là một nghiên cứu độc lập trên chuột. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, việc 2 chất kết hợp để tạo ra benzene thì phải có cơ chế, chuyển hóa chứ không thể chúng cứ gặp nhau là sản sinh ra chất gây ung thư được.

Axit benzoic là chất có sẵn trong rất nhiều loại cây ăn quả chúng ta thường gặp như anh đào, quất, mận, việt quất... Ngoài được dùng trong tương ớt hay nước ngọt để làm chất chống nấm, chống vi sinh vật thì chúng cũng được dùng trong việc bảo quản khá nhiều loại thực phẩm khác như sữa lên men, hoa quả ngâm đường với hàm lượng cho phép khác nhau.

T.T

Chủ đề khác