VnReview
Hà Nội

Người tiêu dùng vay tiền mặt sẽ khó hơn?

Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 43 của NHNN, việc cho vay tiền mặt sắp tới sẽ bị thắt chặt khi các công ty tài chính sẽ phải cân đối lại hoạt động cho vay tiền mặt không được vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận về dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nếu được thông qua, dự thảo sẽ có tác động lớn đến hoạt động cho vay tín dụng.

Thắt chặt cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt

Dự thảo của NHNN chia hoạt động cho vay tiêu dùng thành 2 loại là cho vay giải ngân trực tiếp và cho vay giải ngân gián tiếp.

Cụ thể hơn, cho vay giải ngân trực tiếp là cho vay tiền mặt với mục đích tiêu dùng. Khi đó, các công ty tài chính sẽ giải ngân trực tiếp tiền mặt cho khách hàng. Tuy nhiên, dự thảo của NHNN cũng nêu rõ chỉ những người có lịch sử tín dụng tốt và không nợ xấu theo thông tin trên Trung tâm thông tin tín dụng mới được vay tiền theo hình thức này. Điều này có nghĩa các khách hàng mới, không có thông tin tín dụng sẽ không được vay tiền mặt.

Thông tin tín dụng là các thông tin nhận dạng khách hàng vay; thông tin nhận dạng chủ thẻ tín dụng; Thông tin quan hệ tín dụng của khách hàng vay; Thông tin tình trạng tài khoản thẻ tín dụng; Thông tin bảo đảm tiền vay;

Còn vay giải ngân gián tiếp có nghĩa là vay mua trả góp các mặt hàng tiêu dùng hoặc dịch vụ nào đó. Trong trường hợp này, các công ty tài chính sẽ giải ngân trực tiếp cho bên cung ứng hàng hóa.

Dự thảo này cũng quy định, tỷ trọng cho vay tiền mặt không được vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay của công ty tài chính. Như vậy, các công ty tài chính sẽ chỉ cho được cho vay tối đa 30% với hình thức giải ngân trực tiếp trên tổng số tiền cho vay. Con số nói trên là một thách thức bởi theo báo cáo của Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) thì tỷ lệ cho vay tiền mặt so với tổng dư nợ cho vay của FeCredit đang khoảng 80%, HD Saison đang làm 40% còn Home Credit đang là 50% - cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ mà dự thảo đề ra. Nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 43 của NHNN được thông qua, việc cho vay tiền mặt sẽ bị thắt chặt và các công ty tài chính sẽ phải cân đối lại tỷ lệ cho vay tiền của mình nếu không muốn phạm luật.

Liệu có hạn chế được 'tín dụng đen'?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 43 của NHNN là một trong những biện pháp để hạn chế đến mức tối đa 'tín dụng đen'. Tuy vậy, điều này không dễ để thực hiện. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, quy định về việc cho vay gián tiếp, trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng hàng hóa là thiếu khả thi. Ví dụ như khách hàng mua đồ điện máy hoặc xe thì dễ thực hiện nhưng còn các mặt hàng như cho vay du lịch, trả tiền viện phí... thì sẽ sinh ra nhiều bất tiện.

Cùng với đó, với việc hạn chế cho vay trực tiếp thì người dân sẽ khó tiếp cận khoản vay hơn. Điều này sẽ dẫn đến việc họ nghĩ tới các hình thức vay nóng vốn thủ tục là rất dễ dàng. TS Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Intelligence Service Partners cho rằng: 'Những người vay 'tín dụng đen' thường có nhu cầu vay tiền mặt ngay chứ không quan tâm đến vay tiền để mua hàng hóa, dịch vụ... Siết chặt lại việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay là cần thiết nhưng nếu 'chặt quá' thì người dân lại phải trông chờ vào 'tín dụng đen' để giải quyết việc cấp bách'.

Năm 2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN dành cho 3 công ty tài chính lớn nhất là 20% với FE Credit, 35% với HD Saison và Home Credit. Tuy vậy, tăng tưởng tín dụng thực tế của 3 công ty này chỉ đạt chưa đến 17%, trong đó Fe Credit đạt 18,9%, HD Saison và Home Credit đạt khoảng 13%.

Nếu dự thảo thông tư 43 của NHNN được thực thi, các ý kiến cho rằng mức tăng trưởng của toàn ngành năm nay chỉ đạt khoảng 12%. Nhận định của HSC cho rằng: 'Ngành cho vay tiêu dùng Việt Nam có vẻ sẽ chứng kiến sự giảm tốc nhằm nâng cao chất lượng tài sản trước khi có tăng tốc trở lại'.

T.T

Chủ đề khác