VnReview
Hà Nội

Thâm Quyến: “xưởng sản xuất” các phát kiến công nghệ của Trung Quốc

Được xem là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc", thành phố Thâm Quyến đang dần trở thành nơi chắp cánh cho những sáng tạo mới mẻ.

Khi một doanh nhân trẻ muốn tìm nơi có thể giúp anh ta biến ý tưởng thành hiện thực, có thể sản xuất hàng loạt một loại vật liệu siêu chắc khỏe, anh ta sẽ đến Thung lũng Silicon? Không hề! Thay vào đó, anh đến một nơi ở Trung Quốc được xem là thỏi nam châm, thu hút rất nhiều start-up mọc lên mỗi ngày. Deng Fei, học tập tại nước ngoài sau đó trở về Trung Quốc, ôm mộng theo đuổi tham vọng của mình. Ông là một trong những "lá cờ đầu" tham gia vào quá trình chuyển đổi Thâm Quyến, từ "công xưởng của thế giới" trở thành một trung tâm đổi mới công nghệ toàn cầu.

Theo báo Nhật Nikkei, Thâm Quyến đã vượt qua Bắc Kinh, trở thành "xưởng sản xuất" bằng sáng chế lớn nhất đất nước, chiếm hơn một nửa số ứng dụng sáng chế quốc tế vào năm ngoái.

Deng Fei, trở về từ nước ngoài và lập cơ sở sản xuất ở Thâm Quyến

Người đàn ông ;40 tuổi có tấm bằng tiến sĩ từ Đại học Tokyo, đã mở một công ty chuyên sản xuất ống nano carbon năm 2016. Những phân tử carbon hình trụ này không những khỏe vượt trội mà có tính dẫn rất tốt. Hứa hẹn sẽ cách mạng nhiều ngành nghề như điện tử, máy tính, vật liệu mới,... Chủ tịch của Shenzhen CONE Technology, ông Deng phát biểu: "Chúng tôi mong muốn đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến ống nano carbon ra thế giới. Cũng như giúp những người Nhật đã tiên phong trong lĩnh vực này giành giải Nobel". Ống nano carbon (CNT) là một loại vật liệu bán dẫn được khám phá vào năm 1991, bởi một giáo sư người Nhật Sumio Iijima, tại Đại học Meijo ở Nagoya.

Người Nhật đã cố sản xuất hàng loạt CNT nhưng không vượt qua được rào cản về kỹ thuật. Cách thức sản xuất truyền thống không tạo ra được sản phẩm đảm bảo chất lượng, vì thế không một ai trong nhóm khám phá có thể nhận giải thưởng Nobel. Shenzhen CONE Technology tại Thâm Quyến thì khác, họ đã tìm ra cách để "trồng" CNT lên bề mặt thủy tinh theo chiều dọc. Cách này có thể sản xuất ra các ống nhỏ với kích thước 10 nanomet, trên quy mô hàng loạt. Hồi tháng Ba năm 2018, công ty CONE bắt đầu vận hành một nhà máy ở Thâm Quyến, có thể sản xuất 30.000 tấn ống nano carbon hàng năm dưới dạng bột nhão.

Cuộc sống công nghệ cao tại Thung lũng Silicon của Trung Quốc

Công ty bắt đầu cung cấp thành phẩm này cho các hãng công nghệ Trung Quốc như BYD, hãng sản xuất xe điện lớn nhất đất nước, cũng như các hãng xe điện khác. Vật liệu này tham gia quá trình chế tạo điện cực cho pin li-ion, thành phần quan trọng nhất của xe điện. Ngoài ra, họ cũng cung cấp cho các công ty máy bay không người lái, chế tạo thân máy bay. Ở nước ngoài, họ đã bắt đầu giao hàng mẫu cho các hãng Nhật, thu về 180.000 USD năm vừa qua. Các hãng xe hơi Nhật luôn yêu cầu nghiêm ngặt về sản phẩm, do vậy việc ký được đơn hàng cho thấy chất lượng ống nano carbon của công ty đã đạt mức khả thi.

Deng sinh ra ở Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây. Ông theo học Đại học Tsukuba và Đại học Tokyo, cũng như Đại học Delwar ở Mỹ. Ông làm việc tại cả ba nơi là Mỹ, Nhật, Trung Quốc, quản lý tổng cộng 80 nhân viên, có hoạt động nghiên cứu tại Mỹ, và đang phát triển công nghệ ở Nhật. Nhưng sau đó, ông quyết định đặt hoạt động sản xuất tại Thâm Quyến, vì ba lí do chính. Thứ nhất, sự hào phòng của chính quyền địa phương. Thứ hai, nhân tài hội tụ đông đảo. Và thứ ba, dễ tiếp cận các nguồn vốn mạo hiểm. Danh tiếng của Thâm Quyến đã vang xa trong và ngoài nước, thu hút rất nhiều người làm trong lĩnh vực công nghệ như ông tìm đến.

Mất 30 năm để biến một làng chài trở thành trung tâm công nghệ sôi động

Quá trình phát triển của Thâm Quyến có thể tóm gọn lại như sau:

1980: Trung Quốc chỉ định Thâm Quyến sẽ trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Các công ty Hồng Kông đổ về đây đầu tư.

1990: Các nhà máy do công ty nước ngoài đầu tư mọc lên, biến nơi đây thành "công xưởng của thế giới".

2000: Doanh nghiệp tư nhân như Huawei, Tencent sinh ra ở đây, trở thành những công ty vươn tầm thế giới.

2010: Các start-up địa phương nổi lên nhờ nền tảng sản xuất vững chắc.

Công ty của Deng đã nhận được số tiền viện trợ khoảng 1 tỷ yên từ chính quyền, khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc trở về với quê hương. Thâm Quyến giờ dẫn đầu trong bốn thành phố lớn, bên cạnh Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, về số công ty khởi nghiệp mọc lên nhanh chóng. Tại đây, xuất hiện nhiều ‘kỳ lân' (start-up đạt giá trị trên 1 tỷ USD) như DJI, UBTech Robotics.

Thung lũng Silicon của Trung Quốc

Nhờ thế, Thâm Quyến giờ thành một trung tâm sở hữu trí tuệ lớn nhất đất nước. Năm 2018, Trung Quốc có 53,345 ứng dụng sáng chế được đăng ký, xếp sau Hoa Kỳ và dẫn đầu châu Á, theo WIPO. Nikkei ước tính chỉ riêng Thâm Quyến đã chiếm 52% con số này, bỏ xa mọi thành phố khác. Ban đầu nơi đây lắp đặt nhiều dây chuyền sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử. Nhưng sau đó chính quyền thành phố đã thay đổi bằng chính sách "Con công" - chương trình sẵn sàng cung cấp 447.000 USD cho bất kỳ ai đạt được giải Nobel về khoa học tự nhiên. Một nỗ lực thu hút nhân tài Trung Quốc đã học hoặc làm việc ở nước ngoài về cống hiến cho quê hương, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

Một ví dụ hưởng lợi từ chương trình này là Bronze Technologies. Công ty thành lập năm 2009 bởi một nhóm doanh nhân đã tốt nghiệp Cambridge. Họ phát triển các con chip gốc tạo nên module bán dẫn năng lượng, linh kiện cho xe điện và tàu hỏa. Hãng bán dẫn Đức Infineon Technologies và nhà sản xuất dụng cụ điện đang sử dụng các con vi chip này. Tháng Sáu năm ngoái, CRRC, tập đoàn nhà nước và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về tàu hỏa đã đầu tư vào Bronze Technologies.

Sản phẩm của Bronze được các doanh nghiệp nước ngoài tin dùng

Royole, một start-up khác ở Thâm Quyến chuyên về tấm nền hữu cơ phát quang điện (Organic EL), đã trở thành một ‘kỳ lân' nhờ chương trình "Con công". Họ đã vẫn hành một cơ sở sản xuất tấm nền trị giá 11 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Công ty trở nên nổi tiếng toàn cầu khi đánh bại Samsung và Huawei, ra mắt điện thoại màn hình gập đầu tiên trên thế giới. Ngoài làm điện thoại gập, họ còn muốn sản xuất màn hình OLED cho xe hơi, thiết bị điện tử đeo được, mặc được,...

Và Thâm Quyến không chỉ là nơi tạo nên những start-up nổi bật. Đây cũng là nhà của ZTE, Huawei, những "vật tế thần" trong cuộc chiến Mỹ - Trung căng thẳng. Nếu bất kỳ công ty nào xuất thân từ "lò đào tạo" này trở nên quá hùng mạnh, nó hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân kế tiếp.

Ambitious Man

Chủ đề khác