VnReview
Hà Nội

Thị trường smartphone đang trên đà sụt giảm, và không gì có thể cứu nó được nữa

Thị trường smartphone đang cho thấy những dấu hiệu của tình trạng đình trệ, với các ông lớn như Apple, Samsung và Google tuần qua đều lần lượt công bố những bản báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy một điểm chung: bán smartphone cao cấp đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

smartphone

Quý kinh doanh gần đây nhất của Apple là quãng thời gian vui buồn lẫn lộn.

Tin xấu là doanh thu từ iPhone giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018. Tin tốt là Phố Wall dường như tin rằng doanh thu iPhone sẽ không giảm nữa, mà chỉ có thể tăng lên, khiến cổ phiếu Apple cũng tăng theo.

Tuy nhiên, có một tin xấu hơn, không chỉ đối với Apple, mà toàn bộ ngành công nghiệp smartphone.

Tuần qua, công ty phân tích thị trường IDC cho biết doanh số smartphone bán ra trong quý 1/2019 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2018 - cùng thời điểm CEO Google, Sundar Pichai, nói rằng những chiếc điện thoại cao cấp giá khủng đang ngày càng khó bán hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc Samsung báo cáo kết quả kinh doanh, với nhận định rằng sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp smartphone đã trưởng thành sẽ khiến áp lực đè nặng lên công ty trong nửa sau của năm.

Có thể nói rằng, rất khó để biết làm sao, hoặc liệu thị trường smartphone có quay lại đà tăng trưởng như trước hay không.

Cách đây chưa lâu, vào năm 2017, nhiều chuyên gia nhận định rằng người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng giữ những chiếc smartphone của họ lâu hơn trước. Năm 2018, Quỹ phòng hộ Maverick Capital cho biết "những ngày vinh quang" của cuộc cách mạng smartphone đã trôi qua, khi mà sự khác biệt ngày càng ít đi giữa các thiết bị cũ và mới khiến các bản nâng cấp trở nên kém hấp dẫn hơn.

Các hãng sản xuất smartphone cũng khó lòng thu hút được khách hàng mới - số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính trong nước, gần 80% người Mỹ hiện đã có smartphone.

Trước tình hình này, các công ty đã và đang đưa ra những chiến thuật khác nhau nhằm ứng phó với tình trạng trì trệ của thị trường.

Ví dụ, Apple đã tập trung mạnh hơn vào mảng dịch vụ - Apple Music, iCloud và Apple Pay - để giúp công ty thu được nhiều lợi nhận trên mỗi người dùng iPhone, từ đó bù đắp doanh thu thiết bị sụt giảm thời gian qua. Chiến lược này sẽ được mở rộng trong tương lai, khi dịch vụ stream Apple TV Plus và thẻ tín dụng Apple Card được triển khai đến người tiêu dùng.

Hướng đi của Apple đang dần cho thấy những dấu hiệu tích cực ban đầu, thể hiện trong bản báo cáo kết quả kinh doanh, trong đó lợi nhuận từ dịch vụ trong quý gần đây nhất đã tăng 16% so với cùng kỳ một năm trước.

Các hãng khác như Samsung, Huawei và Motorola đang trong cuộc chạy đua trên thị trường smartphone, đặt cược vào những công nghệ mới như internet không dây 5G tốc độ cao và màn hình gập sẽ thúc giục mọi người nâng cấp. Đối với riêng Samsung, hãng được kỳ vọng sẽ bắt đầu bán ra thị trường phiên bản 5G của chiếc flagship năm 2019 là Galaxy S10, cũng như trì hoãn smartphone màn hình gập Galaxy Fold.

fold

Trên thực tế, sẽ mất nhiều thời gian nữa trước khi 5G thực sự phủ sóng trên thế giới, và vụ lùm xùm xoay quanh chiếc Galaxy Fold - thiết bị mà theo nhiều reviewer là hỏng chỉ sau một vài ngày sử dụng - cho thấy các smartphone màn hình gập cũng cần thêm thời gian trước khi thực sự bước vào thời đại hoàng kim của chúng, nếu có.

Và không ai có thể ngó lơ sự thực rằng các smartphone flagship đang ngày một đắt đỏ hơn: Samsung Galaxy S10 khởi điểm ở mức 900 USD; hay iPhone XS thấp nhất là 999 USD. Giá smartphone cao cấp sẽ chỉ tăng lên mà thôi. Chiếc Galaxy S10 trang bị 5G sẽ có giá bán lẻ lên đến 1.300 USD, nhưng đó vẫn chưa là gì khi so với mức giá khởi điểm 1.980 USD của chiếc Galaxy Fold.

Cuối cùng, giá smartphone có khả năng sẽ ổn định lại, giống như chúng đã luôn như vậy trong những năm qua sau khi công nghệ mới được giới thiệu. Tuy nhiên, xét về ngắn hạn, thuyết phục được người tiêu dùng bỏ tiền sắm smartphone vẫn là việc cực kỳ khó khăn - dù màn hình có gập hay không, thiết bị có 5G hay không, thì chúng vẫn chỉ chạy những ứng dụng và website mà biết bao điện thoại giá rẻ hơn cũng chạy tốt, và những khác biệt có ý nghĩa về mặt chức năng mà chúng mang lại cũng khá ít ỏi. Bên cạnh đó, các công ty như OnePlus vẫn tiếp tục tạo ra những chiếc điện thoại hoàn hảo với mức giá tầm trung mà thôi.

Do đó, dù thị trường smartphone không hẳn là mờ mịt, nhưng những tháng ngày vinh quang khi smartphone lần đầu bùng nổ sẽ không quay trở lại nữa.

Điều gì sẽ đến tiếp theo?

Tin tốt là chúng ta đã có thể biết điều gì sẽ đến tiếp sau smartphone. Hầu như mọi công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đều đang thử nghiệm công nghệ thực tại tăng cường (AR), công nghệ được ứng dụng trong việc chiếu các ảnh kỹ thuật số vào thế giới thực.

Các công ty như Apple, Facebook, Microsoft, Samsung, Magic Leap, và cả nhà phát triển Fortnite là Epic Games đều xem AR là giao diện điện toán tuyệt vời tiếp theo mà con người phát triển được. Microsoft và Magic Leap hiện đã tung ra thị trường những chiếc kính AR, còn Apple thì được cho là đang phát triển "kính thông minh" và có thể sẽ sớm công bố trong năm nay.

Rõ ràng, mọi công ty nói trên đều xem AR như mỏ vàng khổng lồ tiếp theo cần được khai phá, theo sau tình trạng trì trệ của ngành công nghiệp smartphone.

Có lẽ họ đúng - sẽ là bất ngờ nếu điều đó không xảy ra, xét quy mô cực lớn của các khoản đầu tư mà mỗi công ty đang thực hiện.

Vấn đề là, thực tại tăng cường không thể thay thế được smartphone. Chức năng của chúng khá hạn chế (Magic Leap One và HoloLens 2 đều có trường nhìn khá nhỏ), và giá bán thì quá đắt (HoloLens 2 của Microsoft có giá đến 3.500 USD), đó là chưa kể khi đeo một thiết bị AR, trông bạn như một gã quái dị vậy.

ar

Chốt lại, dù sẽ có một thứ mới mẻ, đột phá xuất hiện như mọi khi, nó sẽ không có mặt đủ nhanh để cứu rỗi thị trường smartphone ở thời điểm hiện tại.

Minh.T.T

Chủ đề khác