VnReview
Hà Nội

Báo cáo hé lộ vì sao điện thoại Xiaomi lại giá rẻ, “đẻ” nhanh và nhiều, ít sáng tạo

Một báo cáo mới đây cho thấy, Xiaomi phụ thuộc nặng nề vào đối tác ODM của mình, với tỉ lệ lên đến 75%.

Rất nhiều công ty không tự mình thiết kế và sản xuất điện thoại, mà thuê đối tác bên ngoài đảm nhận các công việc đó. Đối tác ODM là những công ty sẽ phụ trách thiết kế và sản xuất ra những smartphone sao cho phù hợp với yêu cầu của đơn vị đặt hàng. Như vậy, các công ty đặt hàng như Xiaomi sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí duy trì nhà máy, sản xuất, nghiên cứu và rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm. Bạn đọc có thể tìm hiểu lại hình thức ODM, OEM ở đây.

Galaxy A6s là một chiếc máy do Samsung thuê Wingtech làm nhằm giảm chi phí

Theo một báo cáo mới được trang Gizmochina hé lộ, Xiaomi đang phụ thuộc rất lớn vào hình thức này. Tỉ lệ thuê ngoài thiết kế và sản xuất smartphone của hãng lên đến 75%, cao thứ hai trong ngành công nghiệp. Các đối tác ODM của Xiaomi gồm có Huaqin, Wingtech, và Longcheer, ba hãng ODM hàng đầu thị trường hiện nay. Họ có kinh nghiệm và chuyên môn cao trong việc hoàn thành sản phẩm càng sớm càng tốt, sau đó mau chóng đưa ra thị trường với số lượng lớn theo kịp kế hoạch của khách hàng.

Tuy nhiên, việc này vẫn chưa phải tối ưu. Trong thường hợp khối lượng đơn hàng ban đầu quá lớn, ngay cả công ty ODM cũng không thể theo kịp nhất là khi họ còn nhận nhiều đơn hàng từ các công ty khác. Điều đó giải thích vì sao Xiaomi lại gặp khó khăn khi bán Mi 9 ở Trung Quốc trong thời gian đầu. Họ bị khách hàng kêu ca rất nhiều việc thiếu hụt hàng tồn kho để giao. Và đây cũng không phải trường hợp đầu tiên.

Xiaomi phụ thuộc nặng nề vào hình thức ODM, trái ngược với Vivo đạt tỉ lệ 0%

Bên cạnh đó, điện thoại Xiaomi cũng thường ít mới mẻ, lặp đi lặp lại về thiết kế, tính năng và cấu hình. Còn công ty thì giới thiệu dồn dập các mẫu mới, khiến khách hàng bị rối loạn giữa ma trận điện thoại Xiaomi. Chính nhờ hình thức thuê ngoài này mà hãng có thể làm như vậy, giá rẻ và liên tục có sản phẩm để bán ra thị trường, tận dụng chéo phần cứng của các mẫu tiền nhiệm. Họ đã cắt bớt công đoạn đầu tư cho điện thoại mới để giảm chi phí và thời gian phát triển. Những việc này đã có Wingtech, Longcheer,... làm thay.

Báo cáo cũng cho thấy chiến lược kinh doanh của các công ty khác. Lenovo có tỉ lệ thuê ngoài còn cao hơn cả Xiaomi, đạt 85%. LG và Nokia đang tăng dần tỉ lệ, từ 30% lên 50% và 0% lên 40%, lần lượt. Huawei và Meizu thì giảm dần. Khá thú vị với hai trường hợp ít nhất là Samsung và Vivo. Công ty Hàn Quốc được báo cáo lần đầu thuê ODM điện thoại từ mẫu Galaxy A6s, dự báo trong năm 2019 tỉ lệ thuê ngoài sẽ tăng lên 8%. Có thể đây là lí do nhiều người nhận xét điện thoại Samsung gần đây giống máy Trung Quốc? Riêng Vivo là hãng duy nhất trong bảng không áp dụng hình thức ODM. Họ hoàn toàn tự lực thiết kế và sản xuất sản phẩm của mình, một nỗ lực rất đáng khen.

Vivo tăng trưởng 24% trong quý 1 vừa qua

Nhờ sự khác biệt này, Vivo kiểm soát sản lượng cung ứng tốt hơn Xiaomi, hạn chế tình trạng thiếu hàng. Cũng như hai năm trở lại đây, đưa ra nhiều cải tiến mới mẻ, thiết kế độc đáo. Vivo là hãng tiên phong áp dụng cảm biến vân tay dưới màn hình, thiết kế không lỗ, điện thoại toàn màn hình (camera trước thụt thò) thực sự đầu tiên, điện thoại màn hình QHD đầu tiên. Camera, màn hình, âm thanh, sáng tạo, thiết kế, đều vượt trội so với Xiaomi, vốn chỉ có dòng MI MIX gây được tiếng vang lớn.;

Trong khi điện thoại cao cấp Xiaomi vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc, Vivo và Oppo thời gian gần đây lại rất xông xáo đi lên. Báo cáo quý 1 năm 2019 của IDC cho thấy Vivo tăng trưởng 24%, trong khi Xiaomi lại bị giảm 10%. Rõ ràng khi thị trường smartphone trở nên bão hòa, sản phẩm ngày càng hoàn thiện, những hãng mang đến điều mới lạ, đầu tư bài bản cho sản phẩm sẽ chiếm được cảm tình khách hàng, hơn là chỉ chăm chăm "giảm chi phí, dồn cấu hình" như Xiaomi vẫn làm.

Ambitious Man

Chủ đề khác