VnReview
Hà Nội

Vì sao thay thế màn hình OLED trên iPhone X và điện thoại Samsung lại đắt đỏ như vậy?

Vỡ màn hình OLED trên smartphone? Cơn ác mộng tồi tệ nhất đã đến với bạn! Chi phí sửa chữa màn hình cao đến bất ngờ và bạn có biết tại sao không?

Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, bạn vô tình làm vỡ liền một lúc ba chiếc smartphone hàng đầu, Galaxy S10, Pixel 3 XL và iPhone 8. Việc cần thiết bây giờ là phải thay thế màn hình của chúng ngay, gọi đến trung tâm bảo hành và dưới đây là bảng báo giá:

  • iPhone 8 (LCD): 150 USD.

  • Pixel 3 XL (OLED): 270 USD.

  • Galaxy S10 (OLED): 250 USD.

Màn hình OLED trên Galaxy S10 tốn 250 USD sửa chữa

Như bạn thấy, sai lầm tai hại có thể khiến bạn mất cả trăm USD sửa chữa. Đặc biệt, giá sửa của Pixel 3 XL và Galaxy S10 cao hơn hẳn iPhone 8, mà nguyên nhân chính là ở công nghệ màn hình khác biệt. iPhone 8 dùng LCD, rẻ hơn hẳn các tấm nền OLED do Samsung sản xuất trên hai máy kia.

OLED là một công nghệ đắt đỏ

Chúng ta đã biết rằng đối với các flagship như Pixel 3 XL và Galaxy S10, màn hình OLED là một thứ đắt đỏ, phức tạp. Phần quan trọng nhất trong đó là một lớp màng các chất hữu cơ, kẹp giữa hai điện cực, bao bọc trong nhiều thành phần bảo vệ khác. Bất kỳ tác nhân bên ngoài nào như oxy hay hơi ẩm đều có thể hủy hoại chúng.

Cấu trúc cơ bản của tấm nền OLED

Gần như không thể tái sử dụng hoặc tân trang màn hình OLED đã hỏng. Điều này khiến tìm kiếm nguồn cung linh kiện thay thế trở nên đặc biệt khó khăn. Dustin Jones, CEO của công ty tân trang LCD Harvest Cellular, đã từng nhắc nhở về sự "yếu đuối" của màn hình OLED trên iPhone X. Bên cạnh bản chất "mỏng manh dễ vỡ" đó, ông còn cảnh báo về hiện tượng lưu ảnh burn-in. Chưa kể điện thoại flagship bây giờ còn dùng màn vát cong, khiến cho việc làm kính thay thế trở thành thách thức khó vượt qua. Nó đắt và khó sản xuất, Jones cho biết.

Không có một thị trường đầy đủ cho các thành phần tân trang, chỉ có linh kiện mới mới đáp ứng được nhu cầu. Và quá rõ, công ty nào hiện nay có đủ sản lượng màn hình OLED để cung cấp cho những chiếc điện thoại?

Thậm chí với từng ấy năm và đạt mức thị phần lớn hơn bất kỳ công ty nào, Samsung vẫn chưa thể đẩy giá màn hình OLED xuống thấp hơn LCD. Chi phí sản xuất ra tấm nền OLED cho một chiếc Galaxy, vẫn cao hơn so với thay thế hoàn toàn màn hình LCD cho một điện thoại khác. Theo Tech Insights ước tính, màn hình của Galaxy S10+ tốn 86,5 USD chi phí sản xuất, và ở trên đã có giá thay thế cho màn hình của iPhone 8 cho bạn đối chiếu.

Tech Insights ước tính màn hình của Galaxy S10+ tốn 86,5 USD sản xuất, là linh kiện tốn kém nhất

Vẫn chưa có ai cạnh tranh được với các nhà máy của Samsung

Trong một kịch bản tốt đẹp hơn, Apple có thể chọn mua màn hình từ bất kỳ đâu. Tuy nhiên Samsung đang kiểm soát gần 90% thị trường tấm nền OLED di động, một vị thế gần với độc quyền. Họ có thể làm gì tùy thích, đằng nào thì cũng không ai có thể cạnh tranh lại.

Các nhà phân tích từng cho biết, khi iPhone X mới ra mắt, Apple phải "cắn răng" chịu mức giá khá cao 110 đến 130 USD mỗi tấm nền OLED. Samsung nắm cửa trên ở thị trường này bởi vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là mức đầu tư đủ để nhấn chìm bất kỳ công ty nào, được tích lũy qua nhiều năm. Và thứ hai là mức độ hiểu biết về công nghệ OLED, so với các công ty Trung Quốc, Đài Loan và kể cả đồng hương LG ở phân khúc di động.

Nhà máy OLED linh hoạt (có thể gập) mới nhất được Samsung thông báo xây dựng cuối năm 2017, có vốn đầu tư 7 tỷ USD. Họ thậm chí còn đang ấp ủ một kế hoạch vĩ đại hơn, dự án có thể lên tới 15 tỷ USD. Ngay cả trong việc giành mua hệ thống lắng đọng chân không từ Canon Tokki, số lượng chỉ có không quá 10 đơn vị mỗi năm. Không ai có thể đặt mua nhiều hơn Samsung, tiến độ lắp đặt hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch sản xuất.

Samsung đang là đơn vị cung ứng chính tấm nền OLED trên smartphone

LG Display đã cố tăng cường sức cạnh tranh, tuy nhiên họ vẫn chưa thể theo kịp. Mặc dù công ty rất mạnh ở thị trường tấm nền TV OLED, cũng như đang là nhà cung ứng chính cho Apple Watch. Tuy nhiên, màn hình di động lại không phải là sân chơi dễ dàng với LG, họ thậm chí còn vừa bị BOE (Trung Quốc) vượt mặt về thị phần. Các công ty Trung Quốc được chính phủ chống lưng đang mở rộng nhanh chóng.

Samsung chịu trách nhiệm cho việc sửa chữa khó khăn này

Như bảng giá thay thế màn hình ở trên, họ thu đến 250 USD cho một tấm nền tốn 100 USD để làm ra. Tracey Chancellor, một người quản lý bán hàng và dịch vụ tại Experimac ở Midlothian, đã viết rằng: "Nhiều người lắc đầu với cái giá sửa chữa 200 USD, do vậy họ chọn cách nâng cấp". Ngoài ra, anh bổ sung thêm rằng khách hàng có xu hướng cố sửa chiếc iPhone bởi về lâu dài, nó giữ giá tốt hơn nhiều điện thoại Samsung. Lấy ví dụ tại một địa chỉ mua sắm đồ cũ là Swappa, một chiếc Galaxy S8 phát hành năm 2017 với giá 750 USD, hiện đang được rao bán khoảng 200 USD. Phía Apple, iPhone 8 (màn hình LCD) cùng năm đó vẫn đang ở ngưỡng 300 USD, còn iPhone X là hơn 500 USD.

Chancellor còn nói thêm rằng: "Sửa chữa điện thoại Samsung đắt hơn vì nó phải được mở từ sau lưng, trong khi với iPhone, việc sửa chữa bắt đầu từ phía trước". Một ý kiến khác của Jones đến từ Harvest Cellular, nói rằng bất cứ lô linh kiện sửa chữa nào bước chân ra khỏi nhà kho, các đối tác của Samsung sẽ lập tức lấy đi. Một cửa hàng sửa chữa nhỏ lẻ độc lập, một người muốn tự sửa tại nhà, đều sẽ chỉ nhìn thấy mức giá bất hợp lý. Trong khi hầu như linh kiện đã bị thâu tóm, đem đến doanh thu đáng kể cho những sở hữu chúng.

Chi phí sửa chữa đem lại doanh thu lớn cho các đối tác Samsung, và cũng "khuyến khích" khách hàng mua mới điện thoại hơn

Không có linh kiện mới thay thế, tân trang thì không thể, giá cả thị trường gần như bị thao túng, Samsung có rất ít lý do để cải thiện chi phí sửa chữa. Chưa kể các cổ đông công ty luôn muốn nhìn thấy người ta kéo đi mua điện thoại mới, thay vì cứ sửa và tiếp tục dùng điện thoại. Tác giả bài viết (kỹ sư của iFixit, công ty cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị công nghệ) cảm thấy thực sự ấn tượng với cái cách mà công ty Hàn Quốc thoát khỏi những ràng buộc của thị trường, định hình lại thị trường sửa chữa sản phẩm của họ. Tuy nhiên, từ góc độ một người ủng hộ quyền tự sửa chữa, chúng ta vẫn hy vọng có gì đó thay đổi sau này.

Ambitious Man (theo iFixit)

Chủ đề khác