VnReview
Hà Nội

Thương chiến Mỹ - Trung đẩy Apple, Samsung vào ‘vòng tay’ Ấn Độ

Thị trường Ấn Độ đang trở thành điểm sáng trong mắt các hãng smartphone cao cấp. Thương chiến căng thẳng lại càng tô màu thêm cho quốc gia này.

Sau khi thất thế ở Trung Quốc trước sự trỗi dậy của nhóm thương hiệu nội địa, cả hai công ty đều tìm đến một miền đất mới hòng kéo lại đà suy giảm. Hàng loạt nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng và sản xuất iPhone đã được tiến hành, tiếp theo Apple chuẩn bị khởi động cho cửa hàng bán lẻ đầu tiên của mình tại đây. Một nguồn tin thân cận với công ty Mỹ nói với tờ Nikkei, họ đã tiến đến việc chọn địa điểm thích hợp.

Các đối tác Apple đang dần chuyển dịch ra bên ngoài Trung Quốc để sản xuất iPhone;

Hai đối thủ Samsung và Xiaomi đã tăng cường từ sớm năng lực sản xuất smartphone, mở rộng kênh bán hàng ở quốc gia này. Dự báo sắp xảy ra cuộc chiến tranh giành miếng bánh 1 tỷ dân giữa các công ty. Apple vẫn đang xúc tiến xin giấy phép từ chính phủ và chưa ấn định cụ thể là thành phố nào. Hiện tại, Apple vẫn đang bán iPhone qua các nhà bán lẻ bên thứ ba, như Nyasa và Maple Stores, cùng với kênh trực tuyến của Amazon và PaytmMall. Chính CEO Tim Cook cũng đã xác nhận với các nhà đầu tư về kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên của mình.

Công ty đang cố gắng nội địa hóa việc sản xuất iPhone ở Ấn Độ. Các mẫu cũ được sản xuất tại nhà máy ở Bangalore, trong khi đời mới hơn như iPhone 7 đang được chuẩn bị. Công ty Đài Loan Wistron chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone tại hai nhà máy, còn chi nhánh Ấn Độ của Flextronics (Singapore), Salcomp (Thụy Điển) cung cấp các phụ kiện như bộ sạc. hHãng Trung Quốc Yuto Packaging chịu trách nhiệm đóng gói cho iPhone SE, 6s. Apple cố gắng mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên, cùng với việc mở rộng sản xuất tại Ấn Độ, cho thấy công ty đang xoay trục sang thị trường mới.

Lượng giao hàng và thị phần của Xiaomi, Samsung dẫn đầu thị trường Ấn Độ

Theo số liệu, hai đối thủ lớn nhất mà Apple phải hạ gục là Xiaomi và Samsung, đang chiếm mức thị phần khá lớn. Xiaomi nắm 28,9% và dẫn đầu, theo sau là Samsung với 22,4%, theo số liệu công bố bởi IDC. Công ty Hàn Quốc từng dẫn đầu nhiều năm, nhưng nay đã bị Xiaomi đánh bật. Theo thống kê, quý đầu năm nay Ấn Độ đạt doanh số tiêu thụ 32,1 triệu chiếc, tăng trưởng hàng năm 7,9%. E&Y ước tính trong năm nay quốc gia này có số người dùng smartphone chạm mốc 373 triệu, đến 2022 sẽ là 442 triệu.

Apple chỉ chiếm khoảng 1% ở đây (tương tự Samsung ở thị trường Trung Quốc). Nguyên nhân nằm ở mức thuế cho thiết bị di động lên đến 20%, khiến iPhone đội giá kỷ lục. Cách duy nhất là phải nội địa hóa, tránh thuế nhập khẩu cao khủng khiếp. Nhưng bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng đầu tư mạnh vào đây còn có lợi ích lâu dài hơn. Apple đang kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung, rõ ràng kéo chuỗi cung ứng iPhone về Ấn Độ là lựa chọn hợp lý. Đối tác Foxconn đang rót vốn vào đây nhiều hơn nhằm sản xuất hàng loạt. Theo truyền thông địa phương, họ đã bắt đầu thử sản xuất quy mô lớn iPhone mới nhất tại nhà máy gần Chennai.

Trong khi đó, một kẻ thất thế nữa là Samsung cũng đang mạnh tay mở rộng đầu tư vào Ấn Độ. Nếu như Apple đang chịu suy giảm doanh số lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc, Samsung đã hơn một năm nay chịu mức thị phần 1%, có lúc xuống 0,8%. Công ty đang cố gắng để điều đó không lặp lại ở Ấn Độ, bằng cách tăng chi tiêu mua sắm địa phương nhằm giành lại vị trí từ Xiaomi. Họ đã tăng gấp đôi số smartphone sản xuất ở đây nhờ mở nhà máy vào tháng Bảy năm ngoái. Dự kiến đến 2020, sản lượng sẽ đạt 120 triệu đơn vị.

Xiaomi tuyên bố tăng cường số cửa hàng bán lẻ lên 10.000 cho đến cuối năm nay 

Phía Xiaomi cũng không làm ngơ. Họ sử dụng một cơ sở của Foxconn để lắp ráp điện thoại. Công ty có tất cả sáu nhà máy, đang xây dựng tiếp cái thứ bảy. Xiaomi khoe rằng cơ sở mới sẽ giúp họ lắp ráp với tốc độ nhanh hơn, tăng lên 3 đơn vị mỗi giây. Bên cạnh mở rộng sản xuất, các hãng cũng chạy đua tăng số kênh phân phối. Mới đây, Xiaomi ra mắt máy bán lẻ smartphone tự động, tên là "Mi Express Kiosk". Mong muốn đem đến trải nghiệm mua đồ ăn nhanh, nước uống cho smartphone. Hãng cũng cho biết sẽ tăng số cửa hàng bán lẻ lên 10.000 cuối năm nay. Vivo cũng vừa thông báo rót 573 triệu USD vào Ấn Độ, là khoản đầu tư xây dựng nhà máy mới.

Một chuyên gia nhận xét, khó khăn của Apple hay Samsung khi mở rộng sản xuất là tìm kiếm đối tác cung ứng, có thể cung cấp đúng loại thành phần giá trị cao họ yêu cầu. Hiện nay vẫn chủ yếu là lắp ráp, linh kiện phải nhập khẩu. Samsung có lợi thế hơn khi họ vừa tuyên bố đầu tư tiền xây dựng nhà máy sản xuất pin, màn hình, thông qua hai công ty con. Tập đoàn cũng dự định sẽ gây quỹ cho các start-up địa phương, dần dần đưa họ lên làm đối tác cung ứng.

Ambitious Man

Chủ đề khác