VnReview
Hà Nội

Sự trì trệ của Apple và Samsung khiến người Mỹ lười lên đời điện thoại

Trong số đó, không thể phủ nhận những tác động đến từ Trung Quốc trong việc định hình thói quen mua sắm của người Mỹ trong giai đoạn hiện nay.

3 lý do tại sao smartphone 2019 lại có giá cao đến vậy

Các reviewer đánh giá sai về smartphone rẻ vì suốt ngày tiếp xúc với smartphone đầu bảng?

Tháng trước, hai nhà mạng lớn của Mỹ là Verizon và AT&T đã chính thức công bố một thông tin đã được nhiều người dự đoán từ trước: người dùng điện thoại thông minh tại Mỹ hiện nay ít nâng cấp thiết bị của mình hơn đáng kể so với trước đây. Trên thực tế, các số liệu về thực trạng "lên đời" điện thoại của hai nhà mạng lớn nhất nước Mỹ đã chạm mức thấp kỷ lục, cho thấy người tiêu dùng đang tỏ ra "kiên định" hơn bao giờ hết với thiết bị hiện có của mình. Đây là một xu hướng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, bởi thị trường điện thoại thông minh đã đạt ngưỡng bão hoà ở rất nhiều quốc gia phát triển. Nước Mỹ cũng không là ngoại lệ, song bên cạnh đó còn phải kể đến một số nguyên nhân đặc thù của quốc gia này.

Sự thống trị của Apple và Samsung

Nếu bạn hỏi tôi đâu là chiếc điện thoại thú vị nhất của năm 2019, một trong những cái tên đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là chiếc máy Huawei P30 Pro, với hệ thống camera ấn tượng và khả năng chụp đêm gần như "vô đối". Sau P30 Pro là đến mẫu điện thoại OnePlus 7 Pro, đặc trưng bởi màn hình tần số quét 90Hz cho chất lượng hiển thị tuyệt vời. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là hai chiếc máy này có xuất hiện trên kệ hàng của AT&T hay Verizon không? Không. Huawei hiện đang hứng chịu lệnh cấm hoàn toàn của chính phủ Mỹ, trong khi OnePlus chỉ có duy nhất một hợp đồng phân phối sản phẩm tại Mỹ với nhà mạng T-Mobile mà thôi. Mặc dù có vẫn còn hơn không, song điều này cũng cho thấy các mẫu điện thoại đến từ Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng ở thị trường Mỹ.

Một người có ý định mua điện thoại thông minh tại Mỹ thường chỉ biết đến những lựa chọn từ một trong hai hãng: Apple và Samsung. Dạo qua những gian hàng trực tuyến của những nhà mạng như AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint, bạn sẽ thấy có hàng loạt những mẫu điện thoại đình đám đến từ hai công ty này, tiếp đó là đến một số mẫu máy của LG xuất hiện thưa thớt, cùng một cái tên ít được biết tới khác là Kyocera. Nếu cuộn xuống xa hơn nữa trong danh sách, bạn có thể nhận thấy sự xuất hiện của mẫu máy Red Hydrogen One – một chiếc máy gần như vô dụng. Nhưng bởi đó là mẫu điện thoại do một công ty Mỹ sản xuất, nên nó nghiễm nhiên có "suất" trên gian hàng của các nhà mạng.

Các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc như Huawei và Xiaomi có thể đang giữ những vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới, nhưng ở Mỹ thì chúng gần như vắng bóng. Thông thường, một nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc muốn đạt được hợp đồng phân phối với nhà mạng Mỹ, cần phải qua một con đường "không chính thức" cho lắm, đó là giấu mình dưới tên của những thương hiệu quen thuộc. Đây là cách mà TCL đang làm thông qua việc "lợi dụng" các thương hiệu BlackBerry và Palm. Ngay cả OnePlus cũng là một thương hiệu được lập ra nhằm mục đích tiếp thị nhiều hơn, bởi cái tên của nó nghe có tính "quốc tế" hơn nhiều so với các nhãn hiệu Oppo và Vivo. Cần lưu ý rằng ba thương hiệu OnePlus, Vivo và Oppo nêu trên cùng thuộc sở hữu và điều hành của một tập đoàn Trung Quốc. Các chiến lược địa chính trị của chính phủ Mỹ được thể hiện rất rõ ràng trên các gian hàng điện thoại của các nhà mạng nước này. Họ giới hạn sự lựa chọn của người dùng vào các sản phẩm của các công ty Mỹ, chủ yếu là Apple, hoặc các nhà sản xuất đến từ các quốc gia đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc.

Sự trì trệ của Apple và Samsung

Việc bị giới hạn vào sản phẩm của hai nhà sản xuất có thể không phải là vấn đề lớn nếu các công ty vẫn cạnh tranh với nhau hết sức có thể. Tuy nhiên, cả Apple và Samsung đều có vẻ như đã "hài lòng" với những bản nâng cấp có phần "dè dặt" và không nhiều sự đột phá. "Những thay đổi của các mẫu điện thoại đời sau so với đời trước [của hai hãng này] không lớn lắm, và chúng không thể trở thành động lực để thúc đẩy người dùng "lên đời" máy," CFO của nhà mạng Verizon Matt Ellis chia sẻ.

Hãy nghĩ về những tính năng và đặc điểm khiến cho chiếc điện thoại Samsung Galaxy S10 trở nên hấp dẫn trong mắt người dùng: màn hình tuyệt đẹp với phần viền bo nhỏ xíu, camera chất lượng rất tốt, pin dung lượng lớn lại đi kèm với công nghệ sạc không dây, hiệu năng tốt, có khả năng chống nước, cùng cổng cắm tai nghe 3,5 mm. Chiếc điện thoại Galaxy S7 đã ba năm tuổi có tất cản những thứ đó. Một người dùng S7 có thể rất muốn nâng cấp lên S10, nhưng họ không cần phải làm thế. Tình cảnh này có vẻ khá giống như những chiếc máy tính xách tay chạy hệ điều hành Windows: những chiếc máy tính hiện đại ngày nay có phần mép vát rất nhỏ đến mức người ta cảm tưởng như chúng đang dần biến mất, tất cả mọi thứ đều nhẹ và nhanh hơn, song những sự cải tiến ấy chưa đủ "lớn" và hấp dẫn để khiến mọi người phải ngay lập tức bước ra cửa hàng, móc hầu bao để lên đời máy ngay trong ngày hôm nay.

Apple đã từng có một cuộc cải tổ lớn về thiết kế của chiếc điện thoại thông minh đầu bảng thế giới với sự xuất hiện của chiếc iPhone X hồi năm 2017, kéo theo làn sóng nâng cấp của những người dùng vốn đang chờ đợi một sự thay đổi đáng kể trong thiết kế iPhone, nhưng công ty sau đó vẫn giữ thái độ "bảo thủ" với chu trình ra mắt các mẫu iPhone mới theo dạng "1 năm nâng cấp thiết kế, 1 năm chỉ nâng cấp cấu hình". Bạn chắc chắn sẽ rất khó để phân biệt giữa hai mẫu điện thoại iPhone X và XS nếu chỉ nhìn qua bề ngoài, tương tự như trước đây khi chúng ta đặt cạnh nhau hai chiếc iPhone 6 và 6S.

Nếu không có những hãng công nghệ như Huawei thúc đẩy các công ty khác lao vào vòng xoáy của những chu kỳ nâng cấp sản phẩm đều đặn hơn, thì ở Mỹ, Apple và Samsung chỉ cần "theo chân" nhau là đủ. Việc ra mắt cấp tập hàng loạt tính năng mới của Huawei đã thu hút được sự quan tâm và hứng thú của rất nhiều người dùng ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Điều này đã được minh chứng với việc nhà sản xuất Trung Quốc đã chứng kiến doanh số điện thoại thông minh tăng 50% trong quý đầu tiên của năm 2019, trong khi đó Apple và Samsung vẫn "ì ạch".

Bài toán kinh tế kiểu mới của những chiếc smartphone đầu bảng

Có một "bí mật" mà ai cũng biết, đó là các nhà mạng di động rất coi trọng thông số ARPU (doanh thu trung bình trên người dùng). Do đó, các nhà mạng đang có xu hướng ngày càng "nhồi nhét" thêm nhiều các dịch vụ dạng thuê bao vào các gói dịch vụ di động của người dùng, chẳng hạn như những dịch vụ xem video hoặc nghe nhạc trực tuyến. Bên cạnh đó, họ cũng cung cấp những gói ưu đãi trả góp dài hạn để giúp người tiêu dùng có thể mua những chiếc điện thoại đầu bảng của Apple, Samsung hay Google với mức giá có thể lên tới cả nghìn USD. Chiến lược này đang tỏ ra rất có hiệu quả, bởi lẽ khi trả góp hàng tháng, người dùng chỉ nhận thấy mức phí thuê bao họ phải trả hàng tháng tăng rất nhẹ, trong khi đó lại thu về những lợi ích hấp dẫn khác (được sử dụng những chiếc điện thoại đẳng cấp và sang trọng nhất nhì trên thị trường) của các gói trả góp.

Nhưng có hai vấn đề về lâu dài đối với các nhà sản xuất phần cứng khi những sản phẩm của họ được bán với mức giá "siêu rẻ" như vậy. Một là khi người dùng sẽ phải trả gấp đôi số tiền để mua một chiếc điện thoại (nếu tính cả phí dịch vụ của các gói cước mà nhà mạng bán kè với điện thoại), thì họ sẽ có một khuynh hướng tự nhiên là cố gắng sử dụng thiết bị trong khoảng thời gian dài gấp đôi, và do đó chu kỳ nâng cấp sản phẩm của họ sẽ dài ra. Apple là nhà sản xuất nổi tiếng với việc hỗ trợ rất tốt các thế hệ iPhone cũ trong một thời gian dài với những bản cập nhật iOS mới nhất. Còn với các thiết bị Android, mặc dù các nhà sản xuất Android thường không duy trì việc cập nhật các phiên bản hệ điều hành mới nhất cho các sản phẩm của mình trong thời gian dài, song nhiều người dùng vẫn cảm thấy hài lòng với việc sử dụng các phiên bản Android đời cũ. Một vấn đề lớn khác đó là thị trường những người dùng sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền bốn chữ số (tính bằng USD) để mua một chiếc điện thoại thực tế là khá nhỏ.

Các nhà sản xuất điện thoại và các nhà mạng ở Mỹ đã chuyển từ việc bán những chiếc điện thoại sáng tạo và hấp dẫn nhất sang bán những chiếc điện thoại với mức giá mà đại đa số người dùng khó lòng với tới. Dù đã dùng nhiều chiến lược để "che" đi sự thật này, nhưng mức giá của những chiếc máy đầu bảng chỉ đơn giản là vẫn quá cao. Mẫu Galaxy S10 giá rẻ nhất của Samsung S10E, hiện đang được bán với mức giá khởi điểm là 749 USD. Túi tiền của người tiêu dùng Mỹ chưa thể theo kịp với tốc độ tăng giá của các mẫu điện thoại thông minh đầu bảng, và khi so sánh với những sản phẩm khác ở các phân khúc giá khác, người dùng sẽ cảm thấy những cải tiến về công nghệ bên trong những chiếc máy này không tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Riêng mẫu máy OnePlus 7 Pro có thể là một trong những ngoại lệ hiếm hoi, khi đưa một thiết kế ưa nhìn và hiệu năng tốt vào một sản phẩm có mức giá chưa tới 700 USD. Tất nhiên, mẫu máy này không hề dễ mua ở thị trường Mỹ.

Những người dùng hiện tại vốn đã hài lòng với thiết bị hiện có cho rằng các hãng công nghệ đã thất bại trong việc mang tới cho người dùng những cải tiến tương xứng với giá thành ngày càng cao của những mẫu điện thoại thông minh, và điều đó không đủ để thôi thúc người dùng nhanh chóng lên đời thiết bị của mình. Chưa kể, sự vắng bóng gần như hoàn toàn của các hãng điện thoại Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sự sôi động (và thậm chí là cả sự sống còn) của thị trường điện thoại thông minh Mỹ. Nói một cách công bằng, thế giới smartphone vẫn rất thú vị và chứa đầy những tiến bộ đáng kinh ngạc, tuy nhiên có lẽ bạn sẽ phải bước ra bên ngoài nước Mỹ để có thể tìm được một mẫu máy vừa hấp dẫn, thú vị lại có giá thành phải chăng.

Quang Huy

Chủ đề khác