VnReview
Hà Nội

Báo Đức: Các lãnh đạo Châu Âu sẽ không theo chính sách "cấm cửa" Huawei của ông Trump

Một số lãnh đạo Châu Âu như Đức, Pháp hay Hà Lan cho biết sẽ không ngăn chặn Huawei tham gia mở rộng mạng 5G tại các quốc gia này, bất chấp Mỹ khuyến cáo các đồng minh nên sớm tẩy chay Huawei.

> Google rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, buộc dùng bản nguồn mở không có các dịch vụ của Google
> Smartphone Huawei sẽ mất gì khi bị Google rút giấy phép sử dụng Android, chỉ được dùng bản AOSP
> Google, Qualcomm, Intel và Broadcomm cùng đồng loạt ngưng làm ăn với Huawei

Mới đây, truyền thông Đức đã lên tiếng về việc các quốc gia Châu Âu không nên mù quáng nghe theo lời ông Trump, đồng thời kêu gọi Đức và Châu Âu nói chung không nên theo chân Mỹ cấm cửa các hãng công nghệ như Huawei, ZTE hay các hãng cung cấp thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.

Theo tờ German Media, sau nhiều năm theo dõi và đánh giá, chính phủ Anh, Văn phòng thông tin liên bang Đức, Ủy ban Châu Âu và các tổ chức khác đã đi đến kết luận rằng, họ không tìm thấy bất kỳ "backdoor" hay "cửa hậu" nào trên các thiết bị của Huawei.

Tuy nhiên trong quá trình điều tra, các quan chức Châu Âu đã phát hiện thấy một số lỗ hổng bảo mật trên các sản phẩm của công ty Cisco có trụ sở tại Mỹ. Ít nhất đã có 10 trường hợp được phát hiện kể từ năm 2013 tới nay và những sơ hở này có thể là tiền đề cho việc đặt backdoor.

Jochen Homann, giám đốc Cục Quản lý Mạng Liên bang Đức nhấn mạnh, chúng ta nên đối xử bình đẳng đối với tất cả các công ty và các vấn đề an ninh trong xây dựng mạng 5G phải được thảo luận dựa trên quan điểm trung lập, tránh bị lạm dụng cho các mục đích chiến tranh thương mại. Ông cũng nhắc đến kế hoạch xây dựng mạng 5G tại Đức không ngoại trừ sẽ dùng đến thiết bị của Huawei. Trước đó, Homann đã đưa ra một tuyên bố tương tự vào ngày 15/4.

Trong khi đó, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết mọi công ty đều có thể tham gia mở rộng mạng 5G tại Đức nếu đáp ứng được các tiêu chí an toàn đã đưa ra.

Một tờ báo với tiêu đề nhắc các nước Châu Âu không nên "mù quáng" nghe theo lời ông Trump

Bà Merkel nhấn mạnh: "Đối với chúng tôi, các tiêu chí bảo mật là yếu tố tiên quyết quyết định công ty nào sẽ tham gia mở rộng mạng 5G tại Đức". Ngoài ra các tiêu chí này không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay công ty nào.

Đồng quan điểm với bà Merkel, thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte cho biết, nước này cũng không loại bất kỳ công ty nào trong việc chọn nhà thầu xây dựng mạng 5G.

Ủng hộ quan điểm trên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng trong một hội nghị công nghiệp ở Paris. Ông khẳng định, chúng ta không nên để xảy ra những tranh chấp thương mại liên quan đến công nghệ. Mục tiêu không phải là loại trừ Huawei hoặc bất kỳ công ty nào khác khỏi kế hoạch mở rông mạng 5G mà là chọn ra công ty có thể cung cấp bảo mật tốt nhất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Châu Âu, một nhánh điều hành của EU cũng không yêu cầu chính phủ các nước thuộc khối liên minh phải tránh sử dụng thiết bị của Huawei.

Mặc dù vậy mới đây, Cơ quan dịch vụ tình báo và an ninh của Hà Lan đã bắt đầu một cuộc điều tra về "backdoor" trên một số sản phẩm của Huawei. Tất nhiên đây mới chỉ là nghi vấn nên cần điều tra để làm sáng rõ. Còn có backdoor hay không thì thực sự chưa có câu trả lời.

Để đối phó với sức ép ngày càng tăng, thậm chí có phần leo thang của Mỹ, Huawei gần đây đã gửi thư tới các khách hàng toàn cầu về việc họ đã thiết lập một hệ thống quản lý nghiêm ngặt và đảm bảo mọi sản phẩm của hãng có thể phục vụ khách hàng ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt.

Tuy nhiên chỉ mới tuần trước, ông Trump đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong lĩnh vực viễn thông. Trong đó, tổng thống Mỹ nghiêm cấm tất cả các công ty nước này không được phép hợp tác với Huawei khi chưa được phép của chính phủ. Mặc dù mục đích của tuyên bố là ngăn chặn rủi ro an ninh quốc gia nhưng động cơ đằng sau đó được giới chuyên gia phỏng đoán có liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang.

Vào sáng nay (20/5), Google và hàng loạt các công ty công nghệ Mỹ như Qualcomm, Intel, Broadcomm cũng đã quyết định ngừng hợp tác với Huawei nhằm tuân thủ sắc lệnh của chính quyền Mỹ.

Tiến Thanh

Chủ đề khác