VnReview
Hà Nội

Các công ty công nghệ Mỹ có thể thiệt hại 11 tỷ USD vì không bán được sản phẩm cho Huawei

Những biện pháp mới được phía Mỹ đưa ra nhằm hạn chế các công ty trong nước bán sản phẩm cho Huawei có thể khiến Thung lũng Silicon phải trả giá bằng khoản doanh thu lên đến hàng tỷ USD.

huawei

Theo hãng tin CNN, nhà cung ứng trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời là hãng smartphone đứng thứ hai toàn cầu, dựa vào hàng chục công ty công nghệ Mỹ để có được các linh kiện trọng yếu.

Được biết, trong năm ngoái, Huawei đã mua số linh kiện trị giá đến 70 tỷ USD từ 13.000 nhà cung ứng. Trong số đó, 11 tỷ USD được chi ra để mua sắm các sản phẩm đến từ hàng chục doanh nghiệp Mỹ, bao gồm nhiều con chip máy tính từ Qualcomm, Broadcom, cũng như phần mềm của Microsoft và hệ điều hành Android của Google.

Khoản doanh thu khổng lồ đó hiện bị đe dọa bởi quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump đặt Huawei vào danh sách các công ty nước ngoài bị cấm nhập linh kiện từ các nhà xuất khẩu Mỹ nếu không có đủ các giấy phép cần thiết.

Việc đưa Huawei vào "sổ đen" khiến bản thân công ty này gặp nhiều nguy cơ, đồng thời mạng lưới khách hàng toàn cầu của công ty Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị liên lụy, khi mà công ty này sẽ không thể nâng cấp phần mềm và tiến hành bảo dưỡng định kỳ và thay thế phần cứng cho các thiết bị đã bán ra.

Ví dụ, người dùng smartphone Huawei sẽ không thể cập nhật hệ điều hành Android trên các thiết bị họ sở hữu, bởi Huawei có vẻ vẫn chưa hoàn thiện được giải pháp thay thế của chính mình.

Các nhà cung ứng đau đầu tìm giải pháp

Lệnh cấm của Nhà Trắng còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi các công ty nước ngoài cũng không thể bán cho Huawei các sản phẩm có chứa linh kiện từ Mỹ.

Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không thể mua nhiều thứ, ví dụ như chipset từ các nhà cung ứng Đài Loan, nếu những chipset đó có chứa bất kỳ thành phần hay linh kiện nào do Mỹ sản xuất.

Huawei cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này từ nhiều năm qua.

"Quyết định này là động thái mới nhất trong chiến dịch chống lại Huawei, phát động bởi chính phủ Mỹ vì những lý do chính trị" – Chủ tịch Ken Hu của Huawei viết.

"Công ty đã biết điều này sẽ trở thành hiện thực từ nhiều năm qua. Chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ và chuẩn bị sẵn sàng trên nhiều lĩnh vực" – ông nói.

huawei

"Quyết định điên rồ"

Bộ phận thiết kế chip của Huawei còn nói rằng họ đã và đang chuẩn bị cho "tình huống sống còn tồi tệ" này.

CEO HiSilicon, He Tingbo, cho biết công ty tin rằng "một ngày nào đó, mọi con chip và công nghệ tiên tiến của Mỹ sẽ không còn dùng được nữa"

Để đảm bảo Huawei có thể tiếp tục phục vụ khách hàng, HiSilicon đã phát triển nhiều giải pháp dự phòng để công ty có thể sinh tồn.

Mỹ đã "đưa ra quyết định điên rồ nhất và đặt Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Hôm nay, khi mà lịch sử đã đưa ra lựa chọn, những kế hoạch dự phòng chúng tôi phát triển đã trở thành ‘Kế hoạch A' chỉ sau một đêm" - bà He nói.

Tuy vậy, công ty môi giới Jefferies cho biết sẽ rất khó để Huawei có thể chống chịu lâu dài trước lệnh cấm của Mỹ.

Các công ty Mỹ hiện thống trị thị trường trên các lĩnh vực phần mềm cho smartphone và các trang thiết bị viễn thông. Huawei cũng không có các giải pháp thay thế cho các con chip máy tính của Mỹ vốn đang được dùng cho các trạm viễn thông.

Điều đó có nghĩa là ngay cả khi Huawei là kẻ đi đầu trong công nghệ 5G, những sản phẩm liên quan đến mạng di động không dây siêu nhanh thế hệ tiếp theo vẫn cần đến các linh kiện của Mỹ.

Huawei đã ký kết hàng chục hợp đồng thương mại nhằm triển khai 5G trên toàn thế giới, bao gồm 25 nước châu Âu và 10 nước Trung Đông. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các hợp đồng này nếu không thể mua được phần mềm hoặc chip máy tính từ các nhà cung ứng Mỹ.

Chiến dịch chống lại Huawei của Mỹ đã khiến các nhà đầu tư hốt hoảng.

Cổ phiếu của Qualcomm đã giảm 4% trong phiên đóng cửa hôm thứ 5 vừa qua tại New York. Doanh số của Huawei chiếm 15% doanh thu của hãng sản xuất thiết bị quang học Lumentum, và cổ phiếu của hãng này đã giảm gần 12%.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip Mỹ, vốn là nhà cung ứng cho Huawei – bao gồm Qorvo, Skyworks Solutions, và Xilinx – cũng kết thúc phiên giao dịch trong báo động đỏ.

Minh.T.T

Chủ đề khác