VnReview
Hà Nội

Huawei đã tích trữ linh kiện đủ dùng trong ba tháng trước khi Mỹ áp đặt lệnh cấm

Công ty công nghệ Trung Quốc được cho là đã tích trữ đủ số chip và các linh kiện cần thiết để tiếp tục duy trì sản xuất và kinh doanh trong ít nhất ba tháng tới, trước khi Mỹ áp đặt lệnh cấm Huawei tiếp cận với các công nghệ của Mỹ.

Google rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, buộc dùng bản nguồn mở không có các dịch vụ của Google

Cơn ác mộng Android của Huawei tồi tệ hơn nhiều

Google, Qualcomm, Intel và Broadcomm cùng đồng loạt ngưng làm ăn với Huawei

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu vừa qua đã đưa công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc vào danh sách đen. Thời gian gần đây, Huawei thường xuyên bị phía Mỹ cáo buộc đã hỗ trợ hoạt động gián điệp của chính quyền Bắc Kinh. Động thái này đã cắt đứt nguồn cung các phần mềm và linh kiện bán dẫn thiết yếu mà công ty công nghệ Trung Quốc cần để sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị mạng. Tuy nhiên, có vẻ như Huawei đã chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu nhất này ít nhất từ giữa năm 2018, bao gồm cả việc tự thiết kế chip lẫn tích trữ linh kiện của các nhà cung cấp Mỹ, theo những nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.

Hồi năm ngoái, các quan chức Trung Quốc cũng đã bí mật cảnh báo ban lãnh đạo Huawei tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho các đối tác từ phía Mỹ, một nhân viên nội bộ của Huawei yêu cầu giấu tên cho hay. Người này cũng nói thêm rằng thời hạn ba tháng chỉ là con số ước tính khiêm tốn trong nội bộ Huawei; còn ban lãnh đạo công ty cho rằng tập đoàn hoàn toàn có thể duy trì hoạt động vượt qua thời hạn đó.

Các động thái của phía Mỹ chống lại công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc có thể gây ra những thiệt hại lớn trên phạm vi toàn cầu. Lệnh cấm buôn bán các linh kiện cốt lõi cho Huawei, chẳng hạn như các linh kiện bán dẫn, có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất của công ty này; nhưng cũng đồng thời khiến các công ty sản xuất chip của Mỹ từ Qualcomm đến Micron Technology mất đi một nguồn doanh thu đáng kể, đồng thời khiến việc triển khai mạng không dây 5G trên toàn cầu bị trì hoãn.

"Huawei sẽ phải chịu những tác động rất nghiêm trọng. Hậu quả rõ ràng nhất là đối với chuỗi cung ứng của công ty này, nhưng ngoài ra còn có những tác động đến danh tiếng và toàn bộ việc kinh doanh của công ty công nghệ Trung Quốc," Cui Kai, nhà phân tích thị trường viễn thông của IDC cho biết. "Động thái này cũng để lại những tác động tiêu cực đối với cuộc cách mạng công nghệ 5G trên toàn thế giới."

Trong một bức thư gửi tới các nhân viên, Ken Hu, phó chủ tịch Huawei nói về quyết định của phía Hoa Kỳ như sau: "Động thái này là bước đi mới nhất trong chiến dịch chống lại Huawei do chính phủ Mỹ phát động vì các lý do chính trị," ông viết. "Nhiều năm qua, công ty chúng ta đã lường tính trước được tình huống này. Chúng ta đã đầu tư mạnh mẽ và có sự chuẩn bị đầy đủ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh của chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất".

Lệnh cấm của chính phủ Mỹ được đưa ra trùng với thời điểm các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh lâm vào bế tắc. Ban lãnh đạo Huawei hiểu rằng chính phủ Mỹ đang dùng công ty công nghệ Trung Quốc để gây sức ép trên bàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung, và rằng nếu một thoả thuận thương mại được ký kết, họ sẽ lại có thể khôi phục quan hệ và tiếp tục mua công nghệ, linh kiện từ các công ty Mỹ. Đó là lý do vì sao Huawei tính toán lập một "kho dự trữ" đủ dùng trong ba tháng để giúp công ty duy trì hoạt động kinh doanh qua giai đoạn này.

Nếu như các tính toán của phía Huawei không đúng với thực tế, thì hậu quả đối với công ty này sẽ vô cùng thảm khốc. Nếu như lệnh cấm từ phía chính phủ Mỹ không được gỡ bỏ cùng với tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại, công ty sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc triển khai các mạng di động thế hệ mới cho các đối tác toàn cầu. Phần lớn mảng kinh doanh dịch vụ viễn thông và điện thoại di động – hai trụ cột lớn của công ty – sẽ bị đe doạ.

Lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei đã làm dấy lên những lo lắng trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh, rằng mục tiêu lớn hơn của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm cản trở sự phát triển Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh cuộc chiến thương mại đã làm xáo trộn thị trường toàn cầu trong nhiều tháng vừa qua, Hoa Kỳ cũng đang gây áp lực lên các đồng minh ngưng sử dụng thiết bị của Huawei trong các hệ thống mạng 5G, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế hiện đại trong tương lai.

Nguyên nhân chủ yếu đằng sau chiến dịch đầy tính toán và có lộ trình của Tổng thống Mỹ Trump là sự nghi ngờ với việc Huawei hỗ trợ chính quyền Bắc Kinh trong hoạt động gián điệp, đồng thời tìm cách hạn chế tham vọng của Trung Quốc trở thành một siêu cường về công nghệ. Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc Huawei cố tình vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran. Hồi năm ngoái chính Bộ này cũng đã lên kế hoạch bắt giữ con gái lớn của nhà sáng lập Huawei. Bản thân Huawei đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận các cáo buộc trên.

Về lâu dài, Huawei vẫn phải đảm bảo với các khách hàng của mình - nhiều trong số đó là các nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới - rằng họ không chỉ có thể xây dựng mà còn có khả năng duy trì các hệ thống mạng không dây của những công ty này. Lệnh cấm của Mỹ đối với công ty công nghệ Trung Quốc được ban hành đúng thời điểm khi Huawei đang "rót" hàng trăm tỷ USD để cùng Vodafone Group và China Mobile phát triển các hệ thống mạng không dây 5G thế hệ mới, đặt nền móng cho các công nghệ của tương lai, từ ô tô tự lái đến các thành phố thông minh.

Tình cảnh khó khăn hiện tại của Huawei càng cho thấy rõ mức độ phụ thuộc của Trung Quốc nói chung vào các công nghệ vi xử lý của nước ngoài: hiện nay, Trung Quốc nhập khẩu nhiều linh kiện bán dẫn hơn cả dầu mỏ. Trong khi Huawei và một số đối tác trong nước, chẳng hạn như Tsinghua Unigroup, đang nghiên cứu thiết kế và chế tạo các kiến trúc kĩ thuật tiên tiến, họ vẫn chưa thể đạt được quy mô đủ để đưa vào sản xuất số lượng lớn phục vụ cho nhu cầu liên tục của các hãng sản xuất.

Dù vậy, Huawei vẫn có các kế hoạch dự phòng để duy trì hoạt động thông suốt của công ty trong nhiều năm tới. Teresa He, Giám đốc bộ phận sản xuất chip HiSilicon của Huawei, gọi lệnh cấm của phía Hoa Kỳ là "điên rồ" và "vô căn cứ", trong một lá thư gửi đến các nhân viên của mình và được trang tin Bloomberg dẫn lại. Mặc dù từ trước đến nay HiSilicon chỉ được xem như là một phương án dự phòng nhằm đảm bảo nguồn cung linh kiện bán dẫn phục vụ nhu cầu sản xuất của Huawei, song lệnh cấm của Mỹ rất có thể sẽ biến HiSilicon trở thành nhà cung cấp chính, bà He khẳng định.

Quang Huy (theo Bloomberg)

Chủ đề khác