VnReview
Hà Nội

Ông Tập Cận Bình vừa thăm nhà máy "đất hiếm", ngầm cảnh báo Mỹ cũng có yếu huyệt về công nghệ

Nếu Mỹ đe dọa cắt nguồn cung chip và vi xử lý cho Huawei, Trung Quốc cũng có thể cắt nguồn cung "đất hiếm" cho các công ty công nghệ Mỹ.

rareearth

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cắt nguồn cung chip và vi xử lý đối với Huawei đã đánh đúng vào yếu huyệt của công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc: Huawei đã quá dựa dẫm vào bán dẫn, phần mềm smartphone, và thiết bị mạng của nước ngoài. Thế nhưng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy xử lý "đất hiếm" vài ngày sau đó, nhiều nhà quan sát đã thấy được thông điệp ngầm mà Trung Quốc muốn truyền tải: Mỹ cũng có những yếu huyệt về công nghệ của chính họ!

1. Đất hiếm là gì?

Đó là một nhóm gồm 17 nguyên tố có liên quan về mặt hóa học tìm thấy dưới dạng khoáng chất, có các thuộc tính từ tính và quang học, có tác dụng giúp các thiết bị điện tử hoạt động hiệu quả hơn. Các hãng sản xuất xe hơi điện dựa vào "đất hiếm" để tạo ra những viên pin và linh kiện xe hơi có khối lượng nhẹ hơn, trong khi các tuabin gió cỡ lớn thì sử dụng các khối nam châm có thành phần cấu tạo từ "đất hiếm". Chúng còn là thành phần thường xuyên xuất hiện trên các vật dụng thường ngày như đi-ốt phát quang, hay LED, dùng để phát sáng màn hình smartphone và bảng tỉ số trên sân vận động.

2. Chúng hiếm đến mức nào?

Không hiếm như các kim loại quý khác, như vàng hay bạc nhưng chúng thường trộn lẫn với các khoáng chất khác, khiến quá trình chiết xuất và tinh luyện chúng trở nên cực kỳ tốn kém, đặc biệt khi quá trình khai thác phải tuân thủ theo những quy chuẩn môi trường của các quốc gia đã phát triển.

3. Ai kiểm soát chúng?

Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á kiểm soát cả quá trình khai thác lẫn xử lý "đất hiếm". Quốc gia này nắm giữ đến 71% tổng lượng "đất hiếm" khai thác được trên toàn thế giới trong năm ngoái. Úc và Mỹ là hai quốc gia tiếp sau, nhưng ở khoảng cách khá xa, với tổng lượng "đất hiếm" gộp lại chưa bằng 1/3 của 120.000 tấn mà Trung Quốc nắm giữ. Số "đất hiếm" Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ chiếm 4/5 tổng số "đất hiếm" Mỹ nhập khẩu trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2017, và năm ngoái, Mỹ đa chi ra đến 160 triệu USD để mua "đất hiếm", tăng 17% so với một năm trước đó. Ngoài Trung Quốc, các quốc gia có nguồn dự trữ "đất hiếm" lớn khác là Brazil, Việt Nam, và Nga. Chính vì tình trạng rớt giá trong vài năm trở lại đây nên không nhiều quốc gia hào hứng với việc tìm kiếm thêm nhiều nguồn mới.

rareearth

4. Vai trò của nó trong chiến tranh thương mại?

Cho đến thời điểm này thì chưa nhiều. Tổng thống Trump đã loại bỏ "đất hiếm" khỏi danh sách hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ trong lần gần đây nhất, sau khi đưa nó vào danh sách trong lần trước đó. Trung Quốc thì ngược lại, mới đây họ đã đưa "đất hiếm" vào danh sách những mặt hàng bị tăng thuế nhập khẩu từ Mỹ từ 10% lên 25% nhằm trả đũa Trump. Một công ty ở Mountain Pass, California, có tên là MP Materials, là nhà sản xuất "đất hiếm" duy nhất của Mỹ bán phần lớn quặng khoáng chất cho Trung Quốc. CEO của công ty này nói rằng khoản thuế áp lên "đất hiếm" là cố tình và đơn phương.

5. Tại sao chuyến thăm của Tập Cận Bình đến nhà máy "đất hiếm" lại quan trọng?

Sau khi ông Tập và nhà thương thuyết cấp cao của mình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, ghé thăm một nhà máy "đất hiếm" trong nước, các nhà phân tích dự đoán rằng vật liệu chiến lược này có thể trở thành một vũ khí trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Với việc Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn trong đàm phán thương mại, chuyến thăm này làm dấy lên một câu hỏi, rằng có phải thuế áp lên hàng nhập khẩu từ Mỹ chỉ là khởi đầu, và sẽ dẫn đến một lệnh cấm hay các lệnh giới hạn xuất khẩu "đất hiếm" sang Mỹ hay không. Và đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc khiến đối thủ đau đầu bằng cách áp đặt giới hạn thương mại lên các loại khoáng sản. Trong 15 năm qua, quốc gia này đã đặt ra những giới hạn thương mại, bao gồm hạn ngạch (quota) và thuế (duty), lên các mặt hàng xuất khẩu liên quan "đất hiếm". Những giới hạn này được gỡ bỏ vào năm 2015, sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới tuyên bố chúng vi phạm luật thương mại.

Minh.T.T

Chủ đề khác