VnReview
Hà Nội

Trước Auchan, đại gia bán lẻ nước ngoài nào đã từng 'ngã ngựa' tại Việt Nam?

Trước Auchan, đã có những doanh nghiệp, đại gia bán lẻ nước ngoài khác rút lui khỏi Việt Nam hoặc bán lại cho tập đoàn khác vì tình hình kinh doanh không như ý muốn?

Quyết định đóng cửa chuỗi siêu thị Auchan tại Việt Nam được chủ tịch tập đoàn Auchan Retail tiết lộ với tờ Les Echos vào ngày 14/5. Theo đó, kết quả kinh doanh không khả quan là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc.

Tập đoàn Auchan Retail góp mặt tại Việt Nam từ năm 2015 và hiện có mạng lưới 18 siêu thị trên toàn quốc. Số lượng này là khá ít so với các đối thủ cạnh tranh như Big C hay Vinmart. Được biết, doanh thu của chuỗi siêu thị Auchan tại Việt Nam khá 'khiêm tốn' với khoảng 45 triệu Euro trong năm 2018.

Có vẻ như thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong những năm gần đây đang bước đến thời kỳ bão hòa khi rất nhiều thương hiệu lớn báo lỗ. Thậm chí, có những doanh nghiệp bán lẻ danh tiếng của nước ngoài đã rút hoàn toàn hoạt động tại Việt Nam.

Parkson rút lui sau khi liên tục thua lỗ

Bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2005, Parkson từng có những 'năm tháng hoàng kim' trong giai đoạn từ năm 2005 - 2010. Đây cũng là một trong những thương hiệu đầu tiên phát triển mảng bán lẻ hàng hiệu tại nước ta.

Tuy vậy, từ năm 2011, việc kinh doanh của tập đoàn dến từ Malaysia gặp vấn đề và liên tục thua lỗ triền miên. Đến năm 2014, làn sóng đầu tư của Parkson dừng hẳn và năm 2016 họ quyết định đóng cửa trung tâm thương mại Parkson Viet Tower tại Thái Hà, Hà Nội. Đây là động thái đánh dấu sự rút lui hoàn toàn của tập đoàn này tại miền Bắc. Họ cho rằng thị trường tại Hà Nội đang suy yếu và quyết định tập trung cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy vậy, đến đầu năm 2018 thì trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đóng cửa, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn tại thị trường Việt Nam. Được biết, trước khi đóng cửa hoàn toàn, kết quả kinh doanh của Parkson ở Việt Nam được đánh giá là kém nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Metro bán lại cho đại gia Thái Lan

Tập đoàn Metro công bố thỏa thuận với tập đoàn TCC của Thái Lan về việc chuyển giao chuỗi siêu thị Metro vào tháng 8/2014. Đây là bước đi đầu tiên dẫn đến việc đại gia của Đức rút khỏi Việt Nam.

Theo đó từ đầu năm 2016, tập đoàn Metro (Đức) rút lui tại Việt Nam và sang nhượng hệ thống kinh doanh cho tập đoàn TCC (Thái Lan). Tổng giá trị của thương vụ này trị giá 655 triệu USD.

Metro Cash & Carry có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 và kinh doanh trên lĩnh vực bán buôn. Trước khi rời khỏi Việt Nam, công ty này có 19 trung tâm thương mại trên cả nước với 3.600 nhân viên. Doanh thu của Metro Cash & Carry liên tục tăng qua các năm nhưng lợi nhuận lại không hề khả quan. Thậm chí năm 2013, công ty này còn đứng đầu trong danh mục các doanh nghiệp FDI báo lỗ.

Tuy đã đổi chủ nhưng từ năm 2016 đến nay tình hình kinh doanh của đơn vị này vẫn không khả quan hơn trước.

Big C về tay đại gia Thái Lan vì không phải thị trường trọng điểm

Đầu năm 2016, đại gia đến từ Thái Lan Central Group chính thức mua lại thương hiệu Big C tại Việt Nam từ tay tập đoàn Casino Group (Pháp) với giá 920 triệu Euro.

Central Group đã phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nhà đầu tư khác mới có thể mua lại được thương hiệu Big C tại Việt Nam bởi tại thời điểm đó, đây là một chuỗi siêu thị bán lẻ rất thành công.

Thời điểm được bán lại, Big C có 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm với mức doanh thu năm 2015 đạt khoảng 585 triệu Euro. Lý do mà Casino Group (Pháp) bán lại Big C là bởi Việt Nam không nằm trong thị trường trọng điểm của tập đoàn này.

Tuy nhiên, theo các kết quả kinh doanh được công bố thì từ ngày về tay đại gia Thái Lan, hệ thống Big C tại Việt Nam ghi nhận mức doanh thu tụt giảm hoặc đi ngang.

T.T

Chủ đề khác