VnReview
Hà Nội

7 câu hỏi nan giải đằng sau quyết định dìm Huawei đến "tận cùng đau khổ "của chính quyền Mỹ

Quyết định cứng rắn của chính quyền Trump liệu sẽ đem lại lợi ích hay để lại những hậu quả kéo dài về sau cho cả các công ty Mỹ lẫn Trung Quốc.

> Những phát biểu "nắn gân" Mỹ mới nhất của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi
> Đây là những thị trường smartphone Huawei phải đau đầu nhất vì lệnh cấm của Mỹ
> Tại sao Mỹ lại chỉ nhắm vào Huawei, không phải là Xiaomi hay Oppo?

Chỉ vừa mới tuần trước, tổng thống Trump đã chính thức ký sắc lệnh cấm các công ty công nghệ nước này hợp tác làm ăn với Huawei do những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia. Chỉ vài ngày sau, sắc lệnh đã bắt đầu có hiệu lực khi hàng loạt các ông lớn phần mềm và phần cứng như Google, Qualcomm, Intel đã đồng loạt "nghỉ chơi" với Huawei.

Theo The Verge, nếu như sắc lệnh tiếp tục có hiệu lực và có thêm nhiều các công ty khác dừng hợp tác với Huawei, tác động về lâu dài đối với Huawei, người dùng hay các nhà phân phối chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng, thậm chí nó có thể tác động lớn đến toàn bộ ngành công nghiệp. Đằng sau câu chuyện trên tồn tại vô vàn những câu hỏi của người dùng, giới phân tích liên quan đến số phận của Huawei và nguyên nhân sâu sa dẫn tới lệnh cấm này. Tuy nhiên dưới đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất.

1. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc smartphone Huawei, vậy mọi thứ sẽ ra sao?

Google khẳng định dịch vụ Google Play và các ứng dụng, dịch vụ của hãng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trên các thiết bị Huawei hiện tại hoặc còn đang lưu kho. Do đó người dùng smartphone Huawei không cần quá lo lắng. Tuy nhiên việc smartphone Huawei có tiếp tục nhận được bản cập nhật Android Q mới nhất hay không là điều chưa thể chắc chắn.

Theo Reuters, Huawei sẽ mất khả năng tiếp nhận các bản cập nhật mới nhất của Google. Điều này khá quan trọng khi 100% smartphone của Huawei đều dùng nền tảng này. Ngoài ra Android cũng đang hệ điều hành chiếm tới 80% smartphone trên thế giới.

Mặc dù Google đã nhắc đến việc các thiết bị hiện tại của Huawei vẫn có thể dùng các dịch vụ hoặc nhận được các bản cập nhật bảo mật mới nhất. Tuy nhiên vấn đề có thể kéo dài hơn tưởng tượng. Peter Richardson, giám đốc nghiên cứu chiến lược công nghệ tại hãng phân tích Counterpoint Researchh cho biết, Huawei sẽ không thể tiếp cận các phiên bản Android mới, ví dụ như Android Q ra mắt vào cuối năm nay.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc mua một chiếc smartphone Huawei mới trong lúc này, lời khuyên là hãy chờ đợi thêm những thông tin mới nhất. Nhưng bên cạnh đó cũng không nên quá lo lắng tới việc bị mất đi các tính năng nào trên các mẫu smartphone mới của hãng.

2. Liệu mọi thứ có thể sớm được giải quyết không hay ngày càng căng thẳng hơn?

Có thể dễ dàng nhận thấy, động thái của Google hay các công ty như Qualcomm, Intel,,..đều là hệ quả từ mệnh lệnh hành pháp của chính quyền tổng thống Trump. Do đó bất cứ ai cũng có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vấn đề là phải xem phản ứng của Trung Quốc trên bàn đàm phán với Mỹ sắp tới sẽ như thế nào.

Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Trung Quốc và dù lệnh cấm trên có không ảnh hưởng gì đến thị trường này thì Huawei vẫn cần phải dựa vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc không nhượng bộ Mỹ, Apple có thể sẽ sớm trở thành mục tiêu trừng phạt của nước này nhằm đáp trả sắc lệnh của Mỹ.

3. Huawei có kế hoạch B không?

Câu trả lời là có. Thậm chí theo lời chủ tịch Huawei, hãng này đã sớm nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn từ lâu nên đã chủ động phát triển hệ điều hành, kho ứng dụng của riêng mình. Theo một số tiết lộ, hệ điều hành dự phòng có tên HongmengOS của Huawei sẽ là một bước đột phá dựa trên cơ sở mã nguồn mở Android. Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực chăm chút cho đứa "con cưng" HiSilicon, công ty chuyên sản xuất chip Kirin chính cho smartphone của hãng.

Từ lâu, Huawei cũng đã bán những chiếc smartphone chạy nền tảng Android nhưng loại bỏ dịch vụ Google tại Trung Quốc. Do đó điều này không quá quan trọng với thị trường Trung Quốc nhưng đối với các thị trường khác đã quen với dịch vụ của Google, Huawei chắc chắn phải có biện pháp dự phòng.

Nhưng cái khó là làm sao để người dùng có thể làm quen được với nền tảng hệ điều hành mới và việc không còn các dịch vụ của Google. Để làm được điều này, Huawei sẽ cần một chính sách bán hàng mới với giá hấp dẫn hơn và chủ động mời gọi các nhà phát triển viết ứng dụng riêng cho nền tảng hệ điều hành của hãng.

4. Còn về phần Honor thì sao?

Honor là thương hiệu con, hoạt động độc lập với Huawei. Tuy nhiên nó vẫn hoàn toàn thuộc sở hữu của Huawei và sử dụng nhiều công nghệ và chuỗi cung ứng từ công ty mẹ. Mặc dù vậy chưa có lý do để Mỹ khép Honor vào danh sách gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia giống như Huawei. Nếu Google coi Honor như một OEM riêng, hãng có thể sẽ cấp phép dịch vụ cho công ty này.

5. Microsoft liệu có tiếp bước Google?

Google đã "dứt áo" trước vậy còn Microsoft có làm như thế không? Câu hỏi này hiện tại vẫn chưa có lời giải vì Microsoft đang để ngỏ khả năng ngừng cập nhật Windows 10 cho laptop Huawei. Thậm chí trước đó, Microsoft còn âm thầm ngững bán laptop Huawei trên trang bán hàng của hãng.

Hiện tại dòng laptop của Huawei đang được đánh giá rất cao và không giống như smartphone, dòng sản phẩm này vẫn đang được bán hợp pháp tại thị trường Mỹ. Microsoft chưa có lời gợi mở nào về khả năng nghe lời hoặc không đối với sắc lệnh của tổng thống Trump. Nhưng khả năng Microsoft chấp nhận thực hiện theo sắc lệnh trên là rất cao.

6. Huawei đã ra đoạn "đầu đài", liệu các công ty Trung Quốc khác có bị "sờ gáy"?

Theo góc nhìn của các chuyên gia, việc đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ là một mũi tên trúng hai mục đích. Mỹ vừa có thể "dằn mặt" Trung Quốc và bên cạnh đó có thể tránh được những nguy cơ bảo mật từ lâu đã được các cơ quan an ninh nước này nhắc tới.

Tuy nhiên thực tế, lệnh cấm trên của ông Trump có thể không nhằm vào Huawei mà vì những lo ngại liên quan đến luật pháp Trung Quốc khi nước này yêu cầu các công ty nước ngoài muốn kinh doanh tại đây phải liên kết hoặc chuyển giao công nghệ với các công ty địa phương. Ngoài ra, luật tình báo Trung Quốc cũng có điều khoản yêu cầu các công ty nước này phải hợp tác khi cần thiết.

Trước đó, ZTE cũng bị đưa vào danh sách đen của Mỹ với cùng lý do tương tự. Sau đó công ty đã đươc gỡ bỏ lệnh cấm sau khi chấp nhận các điều khoản bắt buộc do Mỹ đề xuất, bao gồm việc thay đổi nhân sự lãnh đạo và có thêm giám sát độc lập của Mỹ.

Hiện tại nhiều người đang đặt câu hỏi về việc liệu các công ty Trung Quốc khác sẽ là nạn nhân tiêp theo của chính phủ Mỹ. Câu trả lời là không thể xác định tại thời điểm này.

Nguyên nhân bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang rất căng thẳng và cả hai bên chắc chắn không muốn "rút dây động rừng". Ngay cả khi Mỹ chủ động tấn công phủ đầu Trung Quốc trước với việc cấm Huawei thì khả năng cao, Mỹ sẽ không dại tiếp tục leo thang căng thẳng vì chính Mỹ cũng sẽ là nạn nhân chịu thiệt hại lớn.

7. Huawei bị "bắt bí" tại Mỹ, mạng 5G toàn cầu có chịu ảnh hưởng không?

Hai câu tưởng chừng không liên quan nhưng lại có mối liên hệ rất mật thiết. Huawei hiện là nhà cung ứng thiết bị mạng 5G hàng đầu thế giới. Trong khi đó, công ty phải mua linh kiện từ các đối tác Mỹ như Intel, Broadcom, Xilinx để chế tạo thiết bị mạng 5G.

Lệnh cấm hợp tác kinh doanh với Huawei của chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ làm trì hoãn tốc độ triển khai mạng 5G tại nhiều quốc gia mà Huawei đang bao thầu. Nhưng rõ ràng vấn đề bao giờ cũng có hai mặt của nó. Các công ty Mỹ đang có mối làm ăn tốt với Huawei sẽ mất đi một khoảnh doanh thu đáng kể.

Theo Bloomberg, Huawei đã kịp thời tích trữ nguồn linh kiện để sản xuất smartphone, thiết bị mạng 5G trong ít nhất 3 tháng trước khi xảy ra sự việc trên. Đây cũng là khoảng thời gian mà Bộ thương mại Mỹ quyết định gia hạn thêm cho Huawei để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và giúp Huawei có thời gian để tìm kiếm giải pháp thay thế.

Tuy nhiên rõ ràng, những quốc gia đang thuê Huawei xây dựng mạng 5G nên lo lắng dần tới việc tốc độ triển khai mạng 5G có thể sẽ chậm trễ.

Tiến Thanh

Chủ đề khác