VnReview
Hà Nội

Mỹ cân nhắc gỡ lệnh cấm Huawei nếu đạt được thỏa thuận thương mại có lợi

Mặc dù đang đơn phương cấm cửa Huawei nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, nước Mỹ có thể sẽ nới lỏng các hạn chế đối với Huawei nếu như đạt được thỏa thuận có lợi với Trung Quốc trên bàn đàm phán.

Nói cách khác, giờ đây số phận của Huawei sẽ chỉ có thể quyết định được trên bàn đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.

Chia sẻ với báo giờ hôm 23/5 vừa qua, tổng thống Trump đã có những phát biểu dường như đi ngược lại chính sách cứng rắn trước đó của Washington đối với Huawei. Đặc biệt những phát biểu này của ông Trump được đưa ra chỉ một tuần sau khi Bộ thương mại nước này đưa công ty vào trong danh sách đen.

Ông nói: "Huawei là một thứ gì đó rất nguy hiểm. Bạn hãy nhìn vào những gì họ đã làm từ góc độ an ninh tới quân sự. Điều này vô cùng nguy hiểm. Do đó trường hợp của Huawei có thể sẽ được đưa vào một thỏa thuận thương mại để giải quyết. Nếu cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán, tôi có thể tưởng tượng Huawei sẽ là một dạng hoặc một phần nào đó của thỏa thuận thương mại".

Thậm chí khi phóng viên gặng hỏi về thỏa thuận trên, tổng thống Trump có nhấn mạnh rằng: "Thỏa thuận này sẽ rất có lợi cho chúng ta (nước Mỹ)".

Ngay sau tuyên bố trên của tổng thống Trump, các chuyên gia phân tích đều đồng loạt đặt câu hỏi nghi ngờ. Nếu như Huawei thực sự là một mối đe dọa an ninh lớn như vậy, tại sao ông Trump lại muốn giải quyết vụ việc của Huawei chỉ đơn giản bằng cách đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.

Nhìn bề ngoài, lệnh cấm Huawei của Mỹ thực chất vừa làm tổn thương ngành công nghiệp smartphone và đồng thời gây áp lực lên chính Trung Quốc để hai bên có thể ngồi lại đàm phán với tư cách Mỹ ở thế thắng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tổng thống Trump sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm Huawei nếu như đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc chẳng khác nào đã phô bày toàn bộ kế hoạch của chính phủ Mỹ. Nếu Huawei thực sự là một mối de dọa an ninh, tại sao ông Trump lại muốn nó giải quyết bằng thỏa thuận thương mại? Nói cách khác Huawei có thể chỉ là cái cớ nhằm giúp chính quyền ông Trump đạt được lợi thế trên bàn đàm phán hơn là để giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Sau khi ký sắc lệnh hành pháp hồi tuần trước, đến đầu tuần này hàng loạt các công ty công nghệ cả phần mềm lẫn phần cứng của Mỹ, ví dụ như Google, Qualcomm, Intel,…đã đồng loạt "nghỉ chơi" với Huawei. Các hãng đều khẳng định đang tuân thủ sắc lệnh và không còn cách nào khác. Sau đó không lâu, nhiều đối tác của Huawei tại Nhật Bản như Panasonic, Toshiba hay cả những hiệp hội lớn nhỏ trong ngành công nghiệp được cho đã chấm dứt hợp tác.

Có lẽ chưa bao giờ Huawei phải đối mặt với một cơn sóng gió khủng khiếp như lần này.

Tiến Thanh

Chủ đề khác