VnReview
Hà Nội

Hàn Quốc lâm thế khó xử: Bị Mỹ thúc ép phải tẩy chay Huawei nhưng sợ Trung Quốc sẽ trả đũa

Mỹ đang gây áp lực lên Hàn Quốc, buộc nước này phải tham gia cuộc chiến cùng Mỹ. Điều này khiến Seoul rơi vào tình thế khó xử khi buộc phải chọn giữa Washington hoặc Bắc Kinh.

Mỹ có vẻ như chưa muốn dừng ở việc cấm cản Huawei tại thị trường nước này mà còn muốn các nước đồng minh phải quyết liệt hơn nữa với Huawei.

Theo hãng tin;Reuters, trong phiên làm việc chung giữa hai nước, một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ đã thúc ép các đồng nghiệp Hàn Quốc sớm yêu cầu nhà mạng LG Uplus ngừng sử dụng các thiết bị của Huawei tại các khu vực chứa nguồn thông tin nhạy cảm.

Trong khi đó phía nhà mạng LG Uplus cho biết, hiện tại họ chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ Bộ ngoại giao Hàn Quốc. Nhưng có lẽ việc họ có nhận được yêu cầu trên hay không chỉ còn là câu chuyện thời gian. Bởi lẽ Mỹ từ lâu đã thúc ép các đồng minh của mình sớm từ bỏ sử dụng các thiết bị mạng của Huawei nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và sự an toàn cho mối quan hệ đồng minh.

Sau động thái trên, cổ phiếu của LG Uplus đã giảm 6% trong phiên giao dịch hôm sáng 23/5.

Phía Hàn Quốc khẳng định hiểu được lập trường của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hàn Quốc, ông Kim In-chul cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng, Mỹ đang muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm bảo an toàn đối với các thiết bị mạng 5G". Hiện tại cả hai bên đang tiếp tục thảo luận thêm về vấn đề này.

Tuy Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Á. Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, thị trường Trung Quốc hiện chiếm tới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ trong bốn tháng đầu năm 2019.

Nếu Hàn Quốc chấp nhận nghe theo Mỹ, nước này có nguy cơ sẽ bị Trung Quốc trả thù cả về chính trị lẫn kinh tế. Trước đó, việc Mỹ triển khai lá chăn tên lửa tại Hàn Quốc vào năm 2017 cũng khiến Bắc Kinh nổi giận. Hành động trên của Hàn Quốc và Mỹ đã vấp phải làn sóng chỉ trích và tẩy chay của người tiêu dùng tại quốc gia tỷ dân.

Hyundai Motor, Lotte Shopping và các công ty Hàn Quốc khác đã bị chính quyền Trung Quốc gây sức ép, trong khi đó nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cũng quay lưng với các thương hiệu này. Thậm chí Bắc Kinh cũng có một thời gian cấm các tour du lịch theo nhóm đến Hàn Quốc.

Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Handong Global, Pohang cho biết: "Không dễ để lờ đi những yêu cầu như vậy của Mỹ, bởi đây là vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến nhiều công ty tư nhân. Chúng tôi cần phải theo các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Pháp. Chúng tôi có lẽ nên giải thích điều này với Trung Quốc và thuyết phục họ hiểu cho tình thế của Hàn Quốc".

Ông Trump dự kiến sẽ có chuyến viếng thăm Seoul vào tháng tới để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in nhằm thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Nhưng có khả năng, đây cũng sẽ là hội nghị bàn thảo nhiều về Huawei và Trung Quốc.

Không chỉ Hàn Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang phải chịu sức ép từ Mỹ xung quanh vấn đề của Huawei.

Tại Malaysia, nơi Huawei tham gia vào sáng kiến 5G của nước này, chủ tịch ủy ban tryền thông và đa phương tiện AI-Ishasal Ishak chia sẻ với nhật báo Nikkei về việc nước này đang làm việc với Washington nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn và gián đoạn dịch vụ.

Trong khi đó, Amazon Nhật Bản cũng đã ngừng bán các sản phẩm của Huawei thông qua cửa hàng trực tuyến. Thậm chí ba nhà mạng di động lớn nhất Nhật Bản là SoftBank, KDDI và NTT Docomo đã ngừng nhận đặt hàng từ Huawei. Vấn đề trên có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi ông Trump đến thăm Tokyo vào cuối tuần này.

Còn với Singapore, nước này vẫn đang coi Huawei là một mục tiêu cần theo dõi thêm.

Trước đó nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Qualcomm, Intel, Broadcomm và cả hãng sản xuất chip ARM của Anh, công ty Infineon của Đức, Toshiba của Nhật Bản đã tạm dừng hợp tác với Huawei. Nhà mạng Vodafone và EE của Anh cũng đã ngừng phát hành các mẫu điện thoại Huawei sau những diễn biến bất ngờ.

Một số nhà phân tích cho biết, nhiều công ty Hàn Quốc nhất định sẽ được hưởng lợi từ tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên giới quan sát trong ngành công nghiệp lại nghĩ khác, họ mong rằng mọi thứ có thể giải quyết ổn thỏa càng sớm càng tốt.

Một quản lý tại công ty công nghệ hiện đang hợp tác với Huawei cho biết: "Tôi không thể dự đoán được cuộc chiến thương mại sẽ diễn ra theo hướng nào. Nhưng tôi muốn những tranh chấp liên quan đến Huawei sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và suôn sẻ".

Tiến Thanh

Chủ đề khác