VnReview
Hà Nội

Vì sao LG ‘hoảng loạn’ trước thông tin Samsung phát triển công nghệ microLED, QD-OLED?

Độc tôn thị trường tấm nền OLED cỡ lớn và dẫn đầu thị trường TV OLED, vậy tại sao LG phải lo lắng khi Samsung phát triển công nghệ mới?

LG Display sắp có một năm đầy hứa hẹn trước mắt. Năm nay, công ty dự tính sẽ giao được 4 triệu tấm nền OLED cho TV, tăng từ 2,9 triệu năm ngoái. Nhưng đằng sau niềm vui đó, công ty lại có nỗi lo với thị trường LCD. Giá tấm nền LCD liên tục giảm và họ thì là một trong những hãng sản xuất loại cỡ lớn cho TV lớn nhất, hơn nữa, lợi nhuận chủ yếu của công ty cũng từ đây. Lợi nhuận hoạt động năm vừa rồi của họ đã giảm 96% so với cùng kỳ. Mặc dù kinh doanh TV OLED đạt lợi nhuận lần đầu tiên trong năm nay, nó lại có quy mô khá nhỏ trong tổng thể. Doanh thu tăng chậm hơn so với mong đợi, khiến công ty cảm thấy bị áp lực.

Trong khi đó, đối thủ truyền kiếp Samsung lại tận hưởng giá tấm nền LCD giảm. Các TV LCD của họ bổ sung thêm một lớp chấm lượng tử (quantum dot), đem lại lợi thế vượt trội về gam màu, độ sáng. Cùng với đó, công ty vừa mới giới thiệu nguyên mẫu TV microLED 75 inch ở CES đầu năm, cùng là công nghệ LED giống OLED (Organic LED) nhưng lại dùng vật liệu phát sáng bền bỉ hơn. Chưa hết, Samsung Display đã xác nhận họ đang theo đuổi công nghệ QD-OLED. Ngay khi tin tức này được truyền thông Hàn lan truyền, nó đã khiến nội bộ LG lo sợ, thậm chí là hoảng loạn.

LG đang dẫn đầu cả thị trường truyền hình OLED lẫn tấm nền OLED cỡ lớn

LG đặt cược hoàn toàn vào OLED

Cả hai đơn vị LG Display và LG Electronics đều đặt cược lớn vào công nghệ OLED. Họ cần một thứ vượt trội có thể vượt qua Samsung, người đã đánh bại Sony về doanh số năm 2007, còn LG mãi mãi chỉ là kẻ tụt lại sau hai thương hiệu này. Chính vì thế, khi Samsung nản lòng với OLED và quyết định rút lui cùng lúc với liên minh Sony-Panasonic năm 2014. LG đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Trong khi Samsung quay sang công nghệ QD-LCD, được Sony giới thiệu lần đầu vào năm 2013, công ty chọn OLED với hy vọng có thể tận dụng những tràng pháo tay thành chiến thắng. Bởi OLED vẫn được đánh giá cao hơn, mà Samsung thì đã đầu hàng.

Tại thời điểm hai công ty rẽ theo hai hướng khác nhau đó, Samsung lý luận rằng OLED sẽ không mang lại lợi nhuận, và không thể xử lý triệt để điểm yếu chí mạng. Công ty nhắc đến "burn-in" như một thứ gắn liền với OLED, khiến vòng đời TV ngắn hơn sau vài năm sử dụng vì tấm nền bị thoái hóa điểm ảnh. Họ tin rằng công nghệ này chỉ phù hợp với smartphone có vòng đời ngắn hơn TV. Hơn nữa, chi phí đầu tư LCD lại rẻ hơn OLED đáng kể, biên lợi nhuận lớn hơn nhờ vào quy mô sản xuất khổng lồ. Quyết định này đã gây tranh cãi rất lớn, nhưng cuối cùng nó vẫn được đưa ra.

Samsung và LG đều theo đuổi OLED, nhưng mỗi hãng lại chọn hướng đi khác nhau

Còn LG, giới thiệu các TV White OLED sử dụng hoàn toàn các điểm ảnh phát sáng trắng (White) thay vì bộ ba màu Red, Green, Blue truyền thống. Họ sử dụng bộ lọc màu ma trận RGBW gồm bốn điểm ảnh Red, Green, Blue và White để tạo ra hình ảnh hiển thị. Điều này loại bỏ điểm ảnh Blue vốn thường gây ra hiện tượng thoái hóa điểm ảnh không đồng nhất, một trở ngại kỹ thuật khó vượt qua. Công nghệ này được LG Display mua lại từ Kodak và phát triển tiếp, sau đó thương mại hóa như bây giờ bạn biết.

Samsung cực lực phản đối cách làm của LG, chỉ trích rằng White OLED không phải là "true OLED" (RGB OLED), loại truyền thống dùng cấu trúc Red, Green, Blue. Về lý thuyết thì RGB OLED đúng là hình thái cao nhất của công nghệ này, nhưng thương mại hóa lên TV là bất khả thi. Hiện nay, RGB OLED chủ yếu được biết đến qua các màn hình di động, màn hình laptop. Và tiên tiến nhất là màn hình chuyên dụng siêu cao cấp của Sony có giá rất đắt. Chính vì thế, mặc dù Samsung ra sức chỉ trích White OLED, nhưng hướng đi của LG Display vẫn nhận được ủng hộ hoàn toàn từ ban lãnh đạo và các chuyên gia.

Ba công nghệ OLED gồm RGB, Blue và White; 

Đối với LG, họ tin tưởng tuyệt đối vào tương lai mà OLED sẽ thống trị TV. Hồi 2015, chất lượng hình ảnh giúp TV của họ nhận được cơn mưa lời khen. LG Display ghi nhận lợi nhuận kỷ lục, nhưng không phải nhờ OLED mà là LCD. Trong thời gian đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, họ phải chi nhiều tỷ USD cho các dây chuyền tấm nền, cải thiện tỉ lệ thành phẩm, tăng sản lượng,... Do vậy lợi nhuận mang về chủ yếu là nhờ các dây chuyền LCD đang làm việc rất hiệu quả.

Lãnh đạo mới, thời kỳ mới

Khi Chủ tịch Koo Bon-mon qua đời, con trai ông Koo Kwang-mo lên làm Chủ tịch mới kiêm CEO của LG Corp trở thành thế hệ lãnh đạo thứ tư của doanh nghiệp lớn thứ tư ở Hàn Quốc. Ban đầu người ta dự đoán sẽ không có nhiều xáo trộn trong tổ chức, nhưng hóa ra tân Chủ tịch đã làm ngược lại. Ông nhanh chóng đề bạt Kwon Yong-soo lên thành người quyền lực thứ hai trong tập đoàn. Kwon là một chiến lược gia sắc sảo, luôn theo đuổi những kế hoạch dài hạn. Khi Samsung và Apple lao vào cuộc chiến pháp lý, công ty Mỹ muốn hạn chế mua sắm từ đối thủ và chính Kwon là người đã nhìn ra cơ hội. Ông đã thuyết phục Apple dùng màn hình LCD của LG Display cho iPhone.

LG tin rằng OLED sẽ phổ cập trên TV nhanh hơn smartphone, nên họ đặt cược toàn bộ

Một quyết định đáng chú ý khác của Kwon là chọn đặt cược vào OLED cỡ lớn. LG tin rằng tốc độ áp dụng OLED vào TV sẽ nhanh hơn smartphone, tại thời điểm ý, niềm tin này có thể hiểu được. Tuy nhiên, thời gian gần đây LG Display lại đang gặp rắc rối lớn. Họ không có bất kỳ kế hoạch dự phòng nào, mọi nguồn lực đều đã được dồn vào OLED cỡ lớn. Trong khi Samsung cho thấy rất nhiều lựa chọn khả thi trong tương lai.

Samsung trở lại

Bản hợp đồng cung ứng màn hình cho Apple có giá trị cực khủng, được ký vào năm 2016. Đây được xem như một chiến thắng biểu tượng của Samsung trước LG. Cho thấy rằng hướng đi thương mại hóa tấm nền OLED di động là một quyết định đúng đắn, tốc độ lây lan của công nghệ này ở trên smartphone đã bỏ xa thị trường truyền hình. Hiện nay, Samsung Display bán tấm nền cho nhiều công ty, từ chính Samsung Electronics cho đến Apple, Huawei, Xiaomi, đều đang dẫn đầu thị trường smartphone.

Samsung mua tấm nền LCD giá rẻ và bán dưới thương hiệu QLED cao cấp, kiếm được nhiều lợi nhuận

Đối với TV, Samsung có thể đã thua nhiều trận đánh, nhưng bây giờ công ty lại đang có xu hướng chiến thắng toàn bộ cuộc chiến. Cuối cùng thì công nghệ QD-LCD, được Samsung đổi tên từ SUHD năm 2015 sang QLED năm 2017, lại cho thấy một quyết định nữa vượt mặt LG. Từ năm 2017, giá tấm nền LCD rớt rất nhanh và ngày càng dồi dào hơn, nhờ các hãng Trung Quốc có chính phủ chống lưng. Điều này được Samsung tận dụng triệt để, mua các tấm nền giá rẻ và bán với thương hiệu cao cấp của họ, bổ sung thêm một tấm chấm lượng tử để cải thiện hình ảnh. Một báo cáo mới đây từ IHS Markit cho thấy, công ty Hàn Quốc mua khá nhiều tấm nền 65 inch từ hãng BOE (Trung Quốc).

Trái lại, LG Display chịu thiệt hại lớn từ xu hướng này. LCD vẫn chiếm nhiều doanh thu của họ, còn OLED chưa đủ quy mô. Vào năm 2017, Samsung đã đưa ra một quyết định "định mệnh" khác. Khi BOE khởi công nhà máy thế hệ 10.5, Kwon Oh-hyun là lãnh đạo lúc đó của Samsung đã từ chối kế hoạch xin mở rộng sản xuất của Samsung Display. Điều này đồng nghĩa công ty Hàn Quốc chấp nhận từ bỏ cạnh tranh với đối thủ, cho rằng giá LCD sẽ giảm tiếp nên đầu tư vào đây khó thu hồi lợi nhuận về sau. Thay vào đó, Samsung tăng cường mua lại tấm nền giá rẻ từ các hãng Trung Quốc, bổ sung thêm chấm lượng tử và bán dưới thương hiệu QLED cao cấp. Còn LG Display mắc kẹt với thị trường LCD đi xuống, để đối thủ của mình tận dụng tốt lợi thế này. Hiện nay, cả hai đều đã dừng đầu tư vào dây chuyền LCD, còn đơn vị sản xuất TV thì mua rất nhiều tấm nền từ hãng Trung Quốc.

Samsung và LG đều đang mua nhiều tấm nền từ các hãng Trung Quốc

IHS Markit dự báo, quý đầu năm nay giá tấm nền LCD là 508 USD, đến năm 2023, sẽ giảm còn 393 USD. Trước sự rút lui của Hàn Quốc, dự đoán các hãng Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường trên mọi phân khúc. Không chỉ giá rẻ, Samsung còn nắm bắt được một lợi thế khác của màn hình LCD: độ sáng. Màn hình OLED thường có độ mở điểm ảnh - vùng phát sáng từng điểm ảnh - lớn hơn LCD. Điều này giúp hiệu suất phát sáng cao hơn, kể cả khi tăng độ phân giải. Tuy nhiên, khi tăng độ sáng, điểm ảnh hữu cơ phải chịu điện áp cao hơn và tăng nguy cơ bị thoái hóa, trong khi LCD thì không vì điểm ảnh chỉ là "hứng" ánh sáng từ đèn nền LED vô cơ. Với các xu hướng 8K, loại LCD dễ dàng tăng độ sáng mà chẳng cần lo vấn đề ngoài ý muốn, còn OLED thì có. Mặc dù công nghệ LG có lợi thế về hiệu suất sáng từng điểm ảnh, nhưng họ vẫn dùng kiến trúc phát sáng đáy nên chưa thể khai thác triệt tiềm năng của OLED. Vậy là đẩy mạnh độ phân siêu cao, Samsung đã "một mũi tên trúng hai đích" khi đánh vào hai điểm yếu của OLED: giá cả và độ sáng.

Độ mở điểm ảnh là lợi thế của TV OLED khi nâng cao độ phân giải

LG dự kiến sẽ tung ra TV OLED 8K vào nửa sau năm 2019, nhưng nó gần như không thể cạnh tranh được với các TV LCD 8K bao gồm cả QLED 8K của Samsung. Về thị phần, năm 2017 khi Samsung ra mắt QLED, họ bị giảm xuống 26,5%, LG là 14,6% và Sony là 10,2%. Nhưng năm ngoái, Samsung đã tăng lên 29%, LG là 16,4% và Sony là 10,1%. Lợi thế về giá bán giúp Samsung bán được nhiều TV QLED (công nghệ QD-LCD) hơn. Trong khi LG Electronics và nhiều hãng khác chịu sự hạn chế nguồn cung tấm nền OLED, hiện tại chưa thể vượt qua được QD-LCD. Niềm an ủi là mặc dù thua về doanh số, OLED lại chiến thắng ở doanh thu, do giá trung bình mỗi mẫu TV cao hơn.

Samsung cũng không phải tận hưởng "toàn màu hồng" trong vài năm gần đây. Mức thị phần của họ đã giảm mạnh, 21,6% năm 2016, xuống 20% năm 2017 và 18,7% năm 2018, dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Còn LG, họ hầu như đi ngang với mức thị phần duy trì 12,2%. Điều này nghĩa là doanh số tổng thể của cả hai công ty đều đi xuống, tuy nhiên hai nhãn hiệu cao cấp QLED và OLED đều đã ăn dần vào tâm trí người tiêu dùng, giúp củng cố vị thế trên thị trường. Khách hàng dường như chỉ phân vân nên chọn TV nào trong hai loại. Cả hai đều có những lựa chọn lịch sử hướng chung mục đích, mặc dù khác biệt. Trong vài năm gần đây, họ tập trung bảo vệ lợi nhuận và chống lại sự xâm chiếm của các nhãn hiệu Trung Quốc. Bỏ qua LCD truyền thống, mỗi công ty đều có định hướng cho tương lai. Nhưng Samsung dường như lại lấn lướt đối thủ một lần nữa.

Hiện tại Samsung và LG đang cạnh tranh bằng QD-LCD và OLED, nhưng tương lai sẽ xuất hiện thêm công nghệ mới

Ba công nghệ đối phó với một

Samsung cùng lúc đẩy mạnh cả ba công nghệ: QD-LCD, microLED, QD-OLED. Họ tạo ra một cuộc đua ở ngay trong nội bộ. Samsung Visual Display theo đuổi QD-LCD và microLED, đây là đơn vị kinh doanh truyền hình. Còn Samsung Display kinh doanh tấm nền thì khám phá QD-OLED. Đây là chiêu bài quen thuộc của Samsung trong quá khứ. Đầu những năm 2000, chưa thể xác định công nghệ nào sẽ thống trị thị trường nên Samsung quyết định, đầu tư cả PDP (Plasma) và LCD.

Ngoài Samsung, nhiều hãng khác cũng đang theo đuổi microLED. Apple, Google, Foxconn đều được báo cáo đang đầu tư phát triển microLED. Hướng ứng dụng của họ chủ yếu là đồng hồ thông minh, màn hình AR/VR. Sony đã giới thiệu sản phẩm thương mại microLED đầu tiên trên thế giới năm 2016. Được phát triển và sản xuất bởi nhánh bán dẫn của tập đoàn, vốn nổi tiếng với cảm biến hình ảnh CMOS chiếm hơn một nửa thị trường. Một năm sau, họ bắt đầu bán các hệ thống chuyên nghiệp này cho doanh nghiệp, tổ chức. Vừa rồi Sony đã giới thiệu màn hình 16K dài gần 20m ở Nhật, đây là phiên bản lớn nhất thế giới hiện nay của công nghệ microLED.

Hệ thống CLEDIS của Sony lắp đặt tại Nhật, là phiên bản lớn nhất hiện nay của công nghệ microLED

Còn Samsung, ông lớn xứ Hàn đã ký thỏa thuận một công ty Trung Quốc để cung cấp chip miniLED, đang dùng cho phiên bản chuyên nghiệp của The Wall và tạo nên nguyên mẫu đầu tiên năm 2018. Với phiên bản mới nhất đầu năm 2019, chip microLED được cung cấp bởi PlayNitride (Đài Loan), đóng gói với công nghệ bán dẫn độc quyền của Samsung. Nhờ cải tiến kỹ thuật, họ có thể giới thiệu độ phân giải 4K trên kích cỡ 75 inch nhỏ hơn so với nguyên mẫu đầu tiên, vốn dùng chip miniLED. Không chỉ thu nhỏ chip LED nhỏ hơn 1/15 so với nguyên mẫu năm 2018, khoảng cách điểm ảnh cũng giảm xuống, giúp nhồi nhiều điểm ảnh hơn trên cùng một cỡ màn hình.

Chưa hết, hiện tại Samsung cũng đang tìm hiểu về QD-OLED, một hướng kết hợp Blue OLED với chấm lượng tử. Dự kiến họ có thể chạy thí điểm vào cuối 2020, và cho sản xuất hàng loạt năm 2023. QD-OLED hứa hẹn sẽ hạn chế hiện tượng burn-in, trong khi tái tạo sản lượng màu dồi dào hơn White OLED của LG Display. Về mặt lý thuyết, công nghệ này hứa hẹn đem lại chất lượng hình ảnh tốt hơn. TCL cũng đang theo đuổi công nghệ này và họ từng giới thiệu một nguyên mẫu màn hình với các chuyên gia.

Nguyên mẫu The Wall 75 inch, sử dụng chip microLED từ PlayNitride và quy trình bán dẫn của Samsung 

Tương lai LG OLED bị vây hãm

Nhưng đó là hướng đi của Samsung Display, còn đơn vị kinh doanh TV thì kiên quyết với công nghệ QD-LCD hiện tại. "Chúng tôi dự đoán sản lượng TV QLED năm nay sẽ đạt 5 triệu đơn vị…" và họ phủ nhận sẽ ra mắt TV OLED. Tất nhiên vẫn do lo ngại vấn đề burn-in, sản lượng thấp (quy mô không đủ kiếm lãi dồi dào). Công ty sẽ thương mại TV microLED trong tương lai, khi lo đủ nguồn cung và xây dựng được quy trình sản xuất hoàn thiện. Trước mắt, các TV QLED vẫn sẽ là trọng tâm. Trong khi đó với LG, mặc dù White OLED không còn điểm ảnh Blue, nhưng nó vẫn không tránh khỏi bị burn-in. Đã bảy năm kể từ khi công ty khởi động kỷ nguyên TV OLED và lời hứa "giải quyết triệt để vấn đề burn-in" vẫn chưa được hoàn thành.

Một báo cáo gần đây đã cho thấy, trong khi QLED chủ yếu được biết bởi Samsung (do nhiều công ty không tham gia hoặc đã từ bỏ), thì khối OLED do LG làm trụ cột có đến 15 hãng TV tham gia. Vậy nên vài năm nữa, những người đã mua TV OLED bây giờ hoàn toàn có thể đối mặt với tình trạng burn-in. Nhưng tất nhiên công ty không thể thừa nhận công khai vấn đề này, họ đã đặt toàn bộ những gì mình có vào liên minh OLED. Không có giải pháp thay thế, trong khi Samsung có đến ba, QD-LCD hiện tại đang củng cố lợi nhuận của công ty rất vững chắc. Và tương lai, microLED hoặc QD-OLED có thể tạo ra đột phá.

QD-OLED xây dựng từ Blue OLED và chấm lượng tử, hứa hẹn hơn White OLED của LG

Công ty có thể bán song song QD-OLED với QD-LCD cho người tiêu dùng, còn microLED cung cấp cho các doanh nghiệp giống Sony đang làm. Nếu giá tấm nền LCD và vật liệu chấm lượng tử tiếp tục giảm, họ có thể đẩy mạnh QD-LCD xuống TV tầm trung và mở rộng sang màn hình máy tính gaming. QD-OLED sẽ đối đầu trực tiếp với White OLED của LG ở phân khúc cao cấp, cùng là gốc OLED nhưng loại của Samsung có chất lượng hình ảnh tốt hơn, cộng với thương hiệu mạnh hơn, nắm phần thắng nhiều hơn TV LG. Đây là một kịch bản tồi tệ với hãng đã cược tất cả cho OLED. Có thể ban đầu sản lượng tấm nền của Samsung chưa đủ để cạnh tranh, nhưng chỉ cần có đầu ra (mà chính LG đã mở ra thị trường TV OLED trước), họ có thể tiếp tục sản xuất cho đến khi có chỗ đứng vững chắc.

Ambitious Man

Chủ đề khác