VnReview
Hà Nội

PC đang "vay mượn" những tính năng trên smartphone để trở nên độc đáo

Từ lâu, ngành công nghiệp PC đã chứng kiến sự suy giảm liên tục. Các nhà sản xuất không làm gì hơn ngoài nâng cấp những mẫu máy cũ từ năm này qua năm khác với CPU đời mới để kích thích người dùng.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong thời gian gần đây. Các hãng bắt đầu "vay mượn" nhiều tính năng trên smartphone để giúp sản phẩm của họ trông khác biệt. Triển lãm máy tính Computex 2019 vừa diễn ra tại Đài Loan là ví dụ điển hình nhất khi rất nhiều mẫu máy tính mới trang bị những tính năng đang là xu hướng trên smartphone, thậm chí chúng còn được cải tiến tốt hơn.

Các sản phẩm tại Computex năm nay tiếp tục trang bị eSIM, kết nối LTE và khả năng mở khóa cực kỳ nhanh. Xa hơn nữa, Lenovo (Trung Quốc) và Qualcomm tuyên bố đang hợp tác phát triển chiếc laptop trang bị 5G đầu tiên trên thế giới. Intel cũng mang đến triển lãm thiết bị đầu tiên thuộc chương trình Project Athena với thời lượng pin lâu, khả năng khởi động từ trạng thái "ngủ" trong chưa đầy 1 giây sẵn sàng phục vụ người dùng bất cứ lúc nào.

Thời lượng pin là chi tiết tiếp theo mà các hãng muốn laptop của họ làm được như smartphone. Với dự án Project Limitless 5G của Lenovo và Qualcomm, hai công ty đều hứa hẹn thời lượng pin của máy có thể kéo dài nhiều ngày, trong khi Project Athena của Intel là tối thiểu 9 giờ cho các tác vụ sử dụng thực tế.

Thiết kế của laptop cũng đang dần khác đi, không chỉ là những cục chữ nhật đen thui nữa, thay vào đó là những màu sắc đã quá quen thuộc trên smartphone. Như dòng Inspiron mới của Dell có cả màu tím lilac gợi nhớ đến màu oải hương lavender của Galaxy S10. HP cũng giới thiệu dòng laptop Envy có vỏ làm bằng gỗ.

Ngoài "vay mượn" tính năng, chúng ta còn thấy những ý tưởng đột phá mà smartphone cũng đang theo đuổi, đơn cử như thiết kế hai màn hình hay tân tiến hơn là màn hình gập. Trước thềm Computex, Lenovo đã trình diễn chiếc PC màn hình gập "đầu tiên trên thế giới" với thiết kế gập đôi như quyển sách tương tự Samsung Galaxy Fold. Tại triển lãm, chúng ta còn thấy những ý tưởng màn hình gập và hai màn hình đến từ nhiều hãng khác.

Trong khi màn hình gập chỉ mới xuất hiện vài tháng qua, hai màn hình là ý tưởng mà smartphone đã theo đuổi từ nhiều năm trước nhưng đều thất bại, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là máy tính hai màn hình cũng thất bại. Hãy xem chiếc ZenBook Pro Duo của Asus với màn hình ScreenPad 2.0 mang đến nhiều tính năng hữu ích hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm. Không chỉ để "làm màu", quan trọng là màn hình thứ hai phải hữu dụng thì mới thành công.

Asus ZenBook Pro Duo

Cuối cùng, các nhà sản xuất máy tính và chip cũng bắt đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hiệu suất giúp mang đến thời lượng pin lâu hơn. Trên smartphone chúng ta có Huawei Mate 10 hay Intelligent performance trên Samsung Galaxy S10.

Tương tự, với Dynamic Tuning của Intel, máy tính có thể biết được bạn đang làm gì để tùy chỉnh thiết lập hệ thống cho phù hợp. Ví dụ, nếu đang nhắn tin hay gõ văn bản, máy sẽ chỉ kích hoạt các nhân tiết kiệm năng lượng để tiết kiệm pin, hay tự tăng sức mạnh GPU khi chạy những tác vụ nặng như chơi game, chỉnh sửa video,...

Khi ranh giới giữa smartphone và laptop ngày càng thu hẹp, thật tuyệt khi hai ngành công nghiệp cùng trang bị những tính năng, xu hướng mới lẫn nhau. Quả thực thị trường PC đã bắt đầu thú vị trở lại.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác