VnReview
Hà Nội

Liệu Apple có bị đưa vào “danh sách đen” sắp công bố của Trung Quốc?

Trung Quốc vừa tuyên bố đã lập ra một "danh sách đen" gồm các công ty và cá nhân nước ngoài không cung ứng hay hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là Huawei.

huawei

Đừng để khoảng thời gian hòa hoãn 90 ngày đánh lừa bạn, chính quyền Trump chắc chắn vẫn không tin tưởng Huawei. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Patrick Shanahan, cho biết Huawei không thể được tin tưởng bởi hãng này có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Shanahan nói về áp lực mà Mỹ đã đặt lên các đồng minh nhằm yêu cầu họ không cho phép sử dụng các trang thiết bị mạng của Huawei trong các mạng 5G đang được xây dựng như sau: "Khi tôi nhìn vào tình hình, (tôi thấy) có quá nhiều nguy cơ… Bạn không thể tin tưởng rằng những hệ thống mạng đó sẽ được bảo vệ". Nguy cơ mà ông này đề cập đến ở đây chính là khả năng các thiết bị Huawei có chứa cửa hậu (back door) để gửi thông tin về cho chính phủ Trung Quốc – bởi theo luật của Trung Quốc, chính phủ có thể yêu cầu Huawei làm gián điệp cho họ bất kỳ lúc nào.

Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc sẽ có đòn đáp trả. Quốc gia này đã tuyên bố vào hôm qua rằng đã lập một "danh sách đen" gồm các công ty và cá nhân nước ngoài không cung ứng hay hợp tác làm ăn với Trung Quốc, đặc biệt là Huawei. Nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và là hãng sản xuất trang thiết bị mạng dẫn đầu toàn cầu đã bị Mỹ đưa vào danh sách cấm xuất khẩu của Bộ Thương mại hồi tháng trước, đồng nghĩa họ sẽ không thể mua các thành phần linh kiện sản xuất tại Mỹ nếu không được chính phủ nước này cấp giấy phép. Điều này đã dẫn đến việc một loạt các thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng tại Mỹ của Huawei (Huawei đã chi đến 11 tỷ USD để mua sắm linh kiện từ các công ty trong chuỗi này vào năm ngoái) cắt đứt quan hệ với hãng. Các nhà cung ứng quan trọng như Google, Qualcomm, và Intel sẽ ngừng bán sản phẩm cho Huawei và thậm chí các công ty nước ngoài có mối liên hệ với Mỹ như nhà thiết kế chip ARM cũng sẽ thực hiện động thái tương tự.

Những công ty này, cùng một số công ty khác nằm ngoài nước Mỹ, có thể bị đưa vào "danh sách đen" của Trung Quốc. Đáng ngạc nhiên là, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết danh sách này sẽ bao gồm các công ty và cả các cá nhân "đe dọa hoặc tiềm ẩn mối đe dọa đến an ninh quốc gia (của Trung Quốc)". Gao Feng nói rằng Bộ Thương mại sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để xử lý những đối tượng trong danh sách. Feng còn nói thêm rằng những biện pháp đó, cùng tên các đối tượng trong danh sách, sẽ được công bố rộng rãi trong thời gian tới.

Apple nhiều khả năng sẽ không bị vào "danh sách đen" của Trung Quốc

iphone

Tuy nhiên, dù bạn là anti-fan của Apple đi nữa, đừng kỳ vọng hãng này sẽ bị đưa vào "danh sách đen". Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với Apple, và khiến doanh số iPhone tại đây bị ảnh hưởng hẳn sẽ là một đòn đánh hoàn hảo mà những quan chức Trung Quốc với tư tưởng thù hằn sẽ thực hiện. Apple chắc chắn cũng sẽ chiếm lại vị trí thứ 2 trên thị trường smartphone toàn cầu mà Huawei đang nắm giữ. Nhưng có một vài điều cần nhớ. Đầu tiên, Apple không có quan hệ kinh doanh với Huawei. Và thứ hai, phần lớn iPhone được sản xuất tại Trung Quốc, bởi các công ty Trung Quốc, bằng nguồn nhân lực người Trung Quốc. Triệt hạ Apple, khiến quá trình sản xuất iPhone bị sụt giảm, sẽ chỉ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị "gậy ông đập lưng ông".

Tin tức về những "danh sách đen" xuất hiện trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn mà chưa thấy dấu hiệu hồi kết. Cả hai quốc gia đang tìm cách đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ nước còn lại. Dù smartphone hiện vẫn chưa là nạn nhân của cuộc chiến, nhưng trong số những sản phẩm tiếp theo của Trung Quốc mà Mỹ dự kiến đánh thuế được cho là sẽ bao gồm các thiết bị di động. Bởi iPhone được lắp ráp ở Trung Quốc, nó cũng được xem là một mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia này. Không may là, các công ty và người tiêu dùng Mỹ lại chính là đối tượng "ăn quả đắng" bởi các khoản thuế do Mỹ đặt ra, bởi các công ty bị ảnh hưởng bởi thuế bổ sung chỉ có hai lựa chọn: chấp nhận mất tiền, hoặc chuyển gánh nặng đó sang người tiêu dùng. Ví dụ, ốp iPhone và iPad bị đánh thuế 25%. Tuy nhiên, nhờ Apple đứng ra chịu trận nên giá bán lẻ của các phụ kiện này vẫn không thay đổi.

Minh.T.T

Chủ đề khác