VnReview
Hà Nội

Công ty Euro Auto buôn lậu xe hơi BMW bằng cách nào?

Vụ án buôn lậu ô tô BMW gây thiệt hại cho nhà nước hơn 6,45 tỷ đồng tiền thuế các loại đang gây chú ý trong dư luận. Vậy theo cáo trạng thì các đối tượng buôn lậu ô tô bằng cách nào?

Euro Auto buôn lậu ô tô BMW bằng cách nào?

Từng là ‘ông lớn' trong ngành nhập khẩu và phân phối ô tô BMW chính hãng tại thị trường Việt Nam, việc ‘sếp tổng' của Euro Auto phải hầu tòa vì buôn lậu gây xôn xao trong dư luận. Theo cáo trạng của Viện kiểm soát nhân dân Tối cao, Công ty Euro Auto là đại lý nhập khẩu chính thức ô tô BMW, Mini Cooper và Motorrad tại Việt Nam từ tháng 7/2007 khi ký hợp đồng với Công ty BMW AG của Cộng hòa Liên bang Đức. Kể từ thời điểm đó đến hết tháng 12/2016, công ty Euro Auto đã ký 473 hợp đồng, nhập khẩu 9.350 xe thuộc 3 thương hiệu BMW, Mini Cooper và Motorrad với tổng trị giá gần 5.500 tỷ đồng.

Để việc nhập khẩu thuận lợi hơn, công ty Euro Auto đã ký hợp đồng thuê công ty Việt Á làm dịch vụ khai báo hải quan, thông quan, giao nhận hàng hóa. Người đại diện của công ty Việt Á trực tiếp làm thủ tục hải quan cho Euro Auto là và Trần Hải Đăng (sinh năm 1974, nguyên Phó giám đốc Công ty Việt Á).

Theo đó, vào năm 2013, Trần Hải Đăng làm giả các tài liệu, chứng từ và hóa đơn nhập khẩu 91 xe BMW (có tổng trị giá 2.163.692 EUR) có giá trị thấp hơn hóa đơn do tập đoàn BMW AG phát hành. Sau đó, bị cáo này chuyển các giấy tờ cho Nguyễn Thị Minh Yến (sinh năm 1982, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối Euro Auto) trình Nguyễn Đăng Thảo (sinh năm 1974, nguyên Tổng giám đốc Euro Auto) hoàn thiện hồ sơ khai báo hải quan để nhập khẩu 91 xe BMW đã nói trên.; Được biết, hóa đơn mà công ty Euro Auto trình hải quan có giá trị thấp hơn hóa đơn của công ty BMW phát hành là 129.259 EUR. Hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng các loại thuế là 6,45 tỷ đồng.

Người trực tiếp ký các chứng từ, tài liệu giả hoàn thiện thủ tục nhập khẩu 91 xe BMW là Nguyễn Đăng Thảo. Trong đó, Nguyễn Thị Minh Yến đặt hàng, nhận bộ chứng từ mua bán còn Trần Hải Đăng là người trực tiếp làm giả hóa đơn và trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu 91 ô tô.

Hiện tại toàn bộ 91 xe BMW nói trên đã được thông quan và bán cho khách hàng ở 22 tỉnh thành khác nhau. Do khách mua không biết đây là ô tô nhập lậu nên sản phẩm không bị thu hồi. 

Cơ quan điều tra không đề cập xem xét xử lý cán bộ Hải quan

Theo báo tiền phong, Cơ quan điều tra không đề cập xem xét xử lý với các cán bộ hải quan thuộc chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3. Được biết, một số cán bộ hải quan thuộc chi cục này là những người được phân công tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, trực tiếp kiểm hàng hóa với 91 xe BMW do công ty Euro Auto nhập khẩu có hành vi gian lận thuế vào năm 2013.

Theo Viện kiểm sát, quá trình tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, các cán bộ hải quan làm thủ công nên không phát hiện hóa đơn, chứng từ do công ty Euro Auto làm giả. Cùng với đó, hải quan cũng đã thực hiện đúng quy định như kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, thương hiệu... và đối chiếu phù hợp giữa hàng hóa thực tế với hồ sơ hải quan điện tử.

Các bị cáo tại phiên tòa

Đồng thời, với các cán bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, quá trình đăng kiểm không phát hiện ra được các chứng từ của công ty Euro Auto làm giả nên cơ quan điều tra cũng không xử lý.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Trần Hải Đăng đã khai nhận hành vi làm giả hóa đơn của Công ty BMW AG phát hành. Cùng với đó, bị cáo Nguyễn Đăng Thảo thừa nhận điều chỉnh giá 79 chiếc xe ô tô BMW với tổng số tiền chênh lệch 126.400 EUR. Khi đó, giá trên hóa đơn làm giả sẽ thấp hơn giá của hợp đồng ban đầu nên phần nộp thuế nhập khẩu sẽ thấp đi.

Ngoài các bị cáo nói trên, Nguyễn Đăng thảo và ông Simon Andrew Rock (chủ tịch HĐQT Euro Auto) còn có liên quan đến hành vi trốn thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 7 tỷ đồng và một số hành vi phạm pháp khác. Tuy vậy, ông Simon và một số người có liên quan đến vụ việc đã rời khỏi Việt Nam nên cơ quan điều tra đã tách các hành vi nói trên để xử lý sau.

T.T

Chủ đề khác