VnReview
Hà Nội

Tại sao chân đế Mac Pro giá 1.000 USD của Apple là điều hoàn toàn bình thường

Tại WWDC 2019 tuần qua, Apple đã công bố chiếc máy tính bàn Mac Pro mới cùng màn hình Pro Display XDR và chân đế màn hình Pro Stand. Trong số đó, chân đế Pro Stand quả thực là một tuyệt phẩm công nghệ tinh vi xét cả về thiết kế lẫn kỹ thuật gia công.

apple

Apple nói về chân đế này như sau: "Pro Stand giúp mọi thao tác điều chỉnh màn hình của bạn trở nên liền lạc. Góc nghiêng chính xác và chiều cao cho phép điều chỉnh 120mm giúp Pro Display XDR tương thích với bất kỳ góc nhìn nào. Góc nhìn của màn hình vẫn trung thực cho dù bạn điều chỉnh chiều cao. Với Pro Stand, bạn có một chiếc màn hình nhẹ nhàng, di chuyển đơn giản đến nơi bạn muốn, và đứng vững ở chính nơi bạn đặt nó".

Sẽ không có gì đáng nói nếu chân đế này có giá lên đến 999 USD. Hãng tin CNN ngay lập tức đưa tin rằng "chân đế màn hình Apple có giá hơn cả một chiếc iPhone khiến cộng đồng mạng dậy sóng". Trang tin Engadget thì nhận định "Một chiếc chân đế màn hình 999 USD là mọi điều sai lầm xảy đến với Apple hôm nay". Trang tin Gizmodo cũng có bài viết với tiêu đề "1.000 USD là quá nhiều tiền cho một chiếc chân đế màn hình".

Chính xác. Đó là số tiền quá lớn đối với một chiếc chân đế màn hình!

apple

Nhưng đùng đùng nổi giận vì mức giá hoang tưởng kia lại là một hành động vô lý. Hãy thử nhìn nó dưới góc nhìn của một thiết kế công nghiệp và văn hóa công ty của chính Apple để thấy lý do tại sao.

Trước hết, chân đế Pro Stand không được thiết kế dành cho người tiêu dùng thông thường. Chắc chắn nó không được thiết kế cho phần lớn những người đang đọc bài viết này. Dòng sản phẩm Pro của Apple được thiết kế cho giới "trong nghề", cho những kẻ lắm tiền, và cho những công ty tên tuổi có thể bỏ ra những khoản tiền năm con số để sắm một chiếc máy trạm mà chẳng cần đắn đo. Nó dành cho những người thực sự cần đến 28 nhân vi xử lý mà Mac Pro được trang bị. Họ sẽ chi tiền vì họ sẽ sớm kiếm lại được, hoặc bởi họ là những người xem tiền chẳng là vấn đề.

apple

Jonathan Ive có lẽ là một trong những nhà thiết kế quyền lực nhất hành tinh xét về tầm ảnh hưởng. Chẳng lạ khi Steve Jobs, trước lúc qua đời, đã nói rằng trong nội bộ Apple, đừng can thiệp vào việc của Ive. Không có gã kế toán nào có thể nói với Ive rằng "Không, tôi không nghĩ như vậy" được cả.

apple

apple

Vậy bạn nghĩ Ive nghĩ gì khi thiết kế chiếc chân đế điên rồ này? "Tạo ra một thứ giá rẻ có thể mang ra bán ở siêu thị?" Không. Mục tiêu của ông này là thiết kế ra một chiếc chân đế màn hình tuyệt vời nhất mà lắm tiền cũng chưa chắc mua được. Ive hẳn đã quyết định sẽ thiết kế một chiếc chân đế màn hình tối thượng, với điểm kết nối kiểu bản lề được gia công tỉ mẩn, có độ chính xác gấp nhiều lần so với những gì mọi nhà thiết kế khác đang làm. Một thứ mà một nhóm kỹ sư sẽ phải châm đèn trằn trọc vô số đêm mới ngộ ra được. Jonathan Ive có khả năng đó. Hầu hết các nhà thiết kế khác thì không.

apple

Đó là lý do tại sao không nhà thiết kế công nghiệp nào có thể ganh ghét Ive. Chúng ta có thể ghen tị với ông, nhưng chúng ta không thể ganh ghét ông ấy. Bạn sẽ làm gì nếu là Ive, với cả núi tài nguyên và một tầm ảnh hưởng kinh khủng như vậy?

Hãy nhìn vào phần lỗ thoát khí trên Mac Pro và trên màn hình máy. Trong đoạn video quảng cáo, Ive nói rằng phần lỗ của lớp vỏ máy được gia công phay CNC bằng máy ở cả hai mặt. Ông có nghĩ ra được cách làm nào rẻ tiền hơn không? Chắc chắn là có. Nhưng vấn đề là ông chẳng phải nghĩ đến điều đó. Ive làm việc cho Apple, nơi năng lực của ông cho phép ông làm bất kỳ thứ gì mình muốn. Dù bạn có thích những lựa chọn thiết kế của Ive, hay những kỹ thuật sản xuất ông đưa ra hay không, thì quyền lực của Ive vẫn là giấc mơ của mọi nhà thiết kế.

apple

Vậy tại sao lại "ném đá"?

Điều đang xảy ra với Apple chính xác là điều đang xảy ra với xã hội của chúng ta. Khoảng cách giữa kẻ giàu và người nghèo ngày càng xa hơn. Apple không thiết kế cho người nghèo. Họ có lẽ còn chẳng muốn thiết kế cho tầng lớp trung lưu. Họ thiết kế cho những người có thể sắm những chiếc điện thoại 1.000 USD cơ.

Người ta tức giận với Apple bởi họ đang và sẽ bị bỏ rơi bởi một thương hiệu họ từng yêu thích. Điều đó không phải xảy ra chỉ sau một đêm; mọi thứ diễn ra một cách từ từ.

apple

Những món đồ của Apple luôn đắt đỏ hơn các đối thủ, nhưng với nhiều người, một khi có đủ tiền để tự mua sắm máy tính và các món đồ công nghệ cho chính bản thân, họ sẽ tiết kiệm để mua Apple và chẳng muốn cân nhắc bất kỳ thứ gì khác. Bởi theo những người này, tất cả những món đồ Apple hoạt động hoàn hảo như họ mong muốn. Steve Jobs chẳng phải là một người thân thiện, nhưng ông ấy là một thiên tài về trải nghiệm người dùng. Sau nhiều năm nghe nhạc bằng cát-sét hay CD, thì iTunes và iPod chính là thứ mà không ít người từng mơ đến. iPhone, iPad, MacBook, tất cả đều hoạt động như kỳ vọng của người dùng mà chẳng cần họ phải vọc vạch nhiều.

Dần dần, điều này bắt đầu thay đổi. Hệ điều hành của Apple trở nên nặng nề. iTunes ngày càng khó sử dụng, với giao diện thay đổi liên tục khiến người dùng phải mò mẫm hết lần này đến lần khác. Nhiều người phải nhờ đến Google để biết được những thứ cơ bản trên chiếc iPhone của mình, hay sửa những lỗi vặt trên những chiếc máy Mac. Châm ngôn ban đầu của Apple – "bạn không cần hướng dẫn sử dụng" – dường như đã biến mất. Nhiều người cho rằng đó là bởi họ đã già, khi mà giới trẻ ngày nay – thế hệ lớn lên cùng công nghệ - chẳng gặp vấn đề gì trong việc sử dụng các thiết bị mới cả.

apple

Nhưng sự thật là Apple đã tiến hóa, và một bộ phận người dùng không thể theo kịp họ, hoặc không còn đủ tiềm lực để làm điều đó. Apple chưa bao giờ nói họ là một công ty với các sản phẩm dành cho số đông. Khi còn sống, Steve Jobs từng nhắc đến Mercedes-Benz rằng công ty này bán xe hơi với giá cao hơn nhiều so với các đối thủ. Với những chiếc iPhone nghìn đô, và bây giờ là chân đế màn hình nghìn đô, Apple đang dần tiến vào thị trường cấp cao, bán các hàng hóa chất lượng cao cho giới nhà giàu. Đó thực sự là một mô hình kinh doanh khôn ngoan, và thị trường đó quả thực rất béo bở. Investopedia, sau khi nghiên cứu dữ liệu của Boston Consulting Group, đã đưa ra kết luận rằng mỗi ngày có đến 1.700 người trở thành tỷ phú!

Với những công việc bình thường, bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành một trong số họ. Điều đó làm bạn buồn chứ? Hẳn rồi. Còn tức giận? Chắc là không nhỉ. Chúng ta đang sống cùng thời đại với một nhà thiết kế công nghiệp tài năng, nắm trong tay nguồn tài nguyên khổng lồ, với quyền lực rộng lớn , không bị ràng buộc bởi bất kỳ ai. Những sản phẩm gần đây của Apple và mức giá của chúng chính là đại diện cho thứ thiết kế không bị ràng buộc bởi những hạn chế về kinh tế.

Nhiều người trong chúng ta chắc hẳn từng tự mình làm chân đế màn hình từ những thanh gỗ thông. Loại chân đế này chẳng cần khớp xoay hay nam châm, bởi chúng ta chẳng cần phải xoay màn hình hay tháo nó ra. Nó cũng không thay đổi độ cao được bởi chúng ta đã đo đạc kỹ càng chiều cao cần thiết và tự cưa gỗ, đóng đinh theo đúng ý đồ đó. Giống Jonathan Ive, chúng ta sử dụng tài nguyên sẵn có để tạo ra thứ mình muốn, và đó là thứ hoàn hảo đối với bản thân mình.

apple

Xét cho cùng, "cơn gạch đá" mà chân đế Pro Stand đang hứng chịu có lẽ xuất phát từ một bộ phận những kẻ ích kỷ muốn được sở hữu thiết kế và kỹ thuật gia công tuyệt đỉnh của Pro Stand, nhưng lại không thể chạm tay đến nó được. Đừng như vậy, bởi một khi bạn bước chân vào con đường đó, bạn không thể dừng lại. Mọi thứ bạn sở hữu chắc chắn sẽ có một phiên bản cao cấp hơn đang được bán đâu đó ngoài kia. Nếu chiếc điện thoại của bạn khiến bạn thất vọng, hãy tìm cách dùng nó ít lại. Nếu bạn muốn thứ gì đó bạn không thể mua được, hãy tự thiết kế và làm ra thứ tương tự phù hợp với nhu cầu của chính mình. Có thể nó trông không hoành tráng, nhưng đảm bảo khi nhìn vào thành quả của mình, bạn sẽ thấy thỏa mãn đến lạ kỳ.

Minh.T.T (Theo Corei77)

Chủ đề khác