VnReview
Hà Nội

Trung Quốc: Tivi nhái giá rẻ “bóp chết” tivi có thương hiệu?

Doanh số bán tivi tại Trung Quốc giảm 11% trong năm ngoái và như vậy ghi nhận năm giảm đầu tiên trong vài năm trở lại đây, nguyên nhân chính do tivi giá rẻ không thương hiệu bán tràn lan.

Tivi chợ đen tại Trung Quốc đang tác động xấu đến doanh số bán tivi tại Trung Quốc, kéo giá tivi giảm và làm tăng khả năng sẽ có nhiều tên tuổi trong ngành gặp khó khi muốn cạnh tranh tại Trung Quốc, theo nhận định được đưa ra bởi báo Nikkei.

Tính theo giá trị, doanh số bán tivi tại Trung Quốc giảm 11% trong năm ngoái và như vậy ghi nhận năm giảm đầu tiên trong vài năm trở lại đây. Tình trạng suy giảm của thị trường tivi còn trở nên tồi tệ hơn trong quý 1/2019, mức giảm của doanh số bán tivi lên đến 16% so với cùng kỳ.

Trung Quốc hiện đang là thị trường tivi lớn nhất thế giới. Thế nhưng, hơn 40 thương hiệu đang cùng tranh giành thị phần trên một thị trường, họ phải quen với sự phổ biến của hàng loạt loại tivi giá rẻ được lắp ráp từ linh kiện tivi đã qua sử dụng hoặc thậm chí linh kiện lỗi bán với cái tên chung chung "tivi giá rẻ" trên khắp Trung Quốc.

Tại một khu vực ngay bên ngoài tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, một người chủ cửa hàng tivi giá rẻ chào mời: "Quý khách có muốn mua tivi này không?" Bên trong cửa hàng của ông, người ta thấy vài người đàn ông đang xem xét và so giá cả các loại tivi trong cửa hàng. Tivi bán trong cửa hàng nhìn rất mới, nhưng không hề có thương hiệu nào được nhìn thấy.

Theo giải thích của chủ cửa hàng, tivi màn hình tinh thể lỏng 65 inch này có nguồn gốc Hàn Quốc và ông chấp nhận bán nó với giá 3.000 nhân dân tệ, tức khoảng 434USD. Giá tivi loại này như vậy chỉ bằng 1/3 so với giá sản phẩm tivi cùng loại do nhà sản xuất lớn cung cấp ra thị trường.

Trong cửa hàng, người ta nhìn thấy rất nhiều những thùng xốp có đựng logo thương hiệu của nhiều công ty lớn như Samsung Electronics hay BOE Technology. Ngoài ra còn nhiều thùng khác chứa hàng lỗi của công ty bán lại trên thị trường chợ đen, một số thùng khác nữa chứa màn hình LCD được gỡ bỏ từ tivi đã qua sử dụng.

Một người nhân viên trong cửa hàng đang kiểm tra màn hình bằng cách soi đèn từ phía sau để chuẩn bị bán nó cho một số người kinh doanh tivi đến thăm cửa hàng.

Chỉ riêng trên một con phố, người ta có thể đếm được đến 50 cửa hàng kinh doanh linh kiện tivi trong đó bao gồm bảng điện tử và màn hình LCD. Khu vực xung quanh có nhiều cửa hàng chuyên thu gom linh kiện và thiết bị – tất cả khu vực trông giống như một chợ đen các sản phẩm công nghiệp.

Tivi giá rẻ sản xuất tại Panyu và một số nơi khác được bán với số lượng lớn trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc, điều này không khỏi khiến nhiều người chỉ trích về khả năng gây gián đoạn thị trường. Phần lớn tivi giá rẻ đều mang logo lỗi của các nhà sản xuất nổi tiếng.

Chính phủ Trung Quốc từng có chiến dịch truy quét và xử lý các nhà kinh doanh kiểu này, thế nhưng với những gì chứng kiến được ở Pangyu người ta thấy rằng thực ra các nhà kinh doanh đang chỉ tự điều chỉnh lại hoạt động chứ không hề biến mất. Dù họ mất đi kênh bán hàng trực tuyến nhưng họ vẫn tiếp tục hưởng lợi bằng việc bán tivi đến các vùng quê nghèo hoặc bán sản phẩm không thương hiệu.

T.T

Chủ đề khác