VnReview
Hà Nội

Tại sao các hãng công nghệ đều không công bố giá sản phẩm mới ra mắt tại Computex năm nay?

Trong khuôn khổ sự kiện Computex diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại Đài Loan, chúng ta đã được chứng kiến những cải tiến công nghệ mới nhất đến từ các ông lớn Qualcomm, Dell, Asus, AMD và hàng trăm tập đoàn khác dự kiến ra mắt trong năm nay. Hầu như toàn bộ các công ty đều công bố ngày phát hành cho các sản phẩm mới của mình, tuy nhiên giá cả - một trong những nhân tố quan trọng giúp khách hàng có quyết định mua thiết bị hay không – lại là thứ mà ít công ty nào nhắc đến.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt hơn nữa, là trong số các nhà sản xuất công bố giá thành sản phẩm mới của họ, đa phần sẽ có một sự chênh lệch nhất định trong mức giá bán lẻ tại thị trường Mỹ so với quốc tế. Điều này có thể được lý giải bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đến hồi kết, và mức thuế 25% áp lên các vật liệu và hàng nhập khẩu vẫn còn đó. Đơn cử như nhà sản xuất khung máy tính NZXT đã nâng giá sản phẩm của mình tại Hoa Kỳ cao hơn 10 đến 30 USD so với giá toàn cầu do chịu thuế suất cao khi nhập các nguyên liệu chế tạo gồm nhôm và thép từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại sao các công ty khác lại không muốn công bố ngay giá thành thiết bị của mình tại sự kiện như NZXT? Họ đang chờ đợi điều gì nữa? Có lẽ, câu trả lời cho vấn đề này sẽ khá phức tạp với nhiều lý do sâu xa khác nhau. Tuy nhiên, có thể đoán được một trong số đó là bộ thuế quan mới đang được thông qua nhắm vào các thiết bị điện tử lắp ráp được nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Trung Quốc. Các mức thuế mới đã được công bố vào ngày 14/5, trước khi Computex 2019 bắt đầu và có hiệu lực sau ngày 2/7, vì vậy có lẽ nhà sản xuất đang muốn đợi chờ luật mới được ban hành để căn cứ theo đó đưa ra giá bán phù hợp.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm sơ qua đặc điểm của bộ thuế mới, cùng như tác động của chúng đối với ngành công nghiệp smartphone nói riêng và ngành công nghiệp điện tử nói chung.

Sơ lược diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Ngày 23/3/2018: Hoa Kỳ khơi mào cuộc chiến thương mại bằng việc áp thuế 25% lên thép, nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc vào trong nước với lý do rằng việc này đe dọa đến an ninh quốc gia. Và người gánh chịu hậu quả này là các nhà nhập khẩu thép nhôm của Mỹ, buộc họ phải tăng giá bán để có thể hòa vốn. Đây cũng chính là khởi nguồn cho cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường của thế giới.

Ngày 6/7/2018: Chính phủ của tổng thống Donald Trump chứng tỏ sức mạnh kinh tế của mình bằng cách áp thuế 25% đối với 818 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các bản mạch in (PCB) và màn hình cảm ứng trên các thiết bị xách tay.

Căng thẳng tiếp tục leo thang, đến ngày 23/8/2018: Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng chính sách áp thuế lên chất bán dẫn. Trong khi chính quyền Bắc Kinh tiến hành trả đũa bằng 25% thuế vào than và thiết bị y tế.

Ngày 24/9/2018: cả hai nước tung ra các chính sách thuế quan mới áp đặt lẫn nhau, bắt đầu từ mức 5 đến 10%.

Ngày 7/1/2019: Washington và Bắc Kinh thỏa hiệp đình chiến tạm thời, thời hạn đến ngày 1/3 cùng năm. Tưởng chừng đây sẽ là kết thúc cho cả hai bên sau khi đã chịu thiệt hại đủ lớn, tuy nhiên vào ngày 13/5, Hoa Kỳ lại tiến hành tăng mức thuế suất lên 25%, và để trả đũa, Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế 60 tỷ đô la các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/6.

Ngày 14/5/2019: Hoa Kỳ tiếp tục ban hành một danh sách mới đề xuất các mặt hàng sẽ bị áp thuế 25% khi nhập từ Trung Quốc và bắt đầu triển khai vào ngày 2/7 năm nay.

Trong một diễn biến khác có vẻ như không liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại, nhưng đã góp phần đẩy căng thẳng giữa hai bên lên đến đỉnh điểm, đó là vào ngày 17/5, Hoa Kỳ chính thức đưa Huawei vào danh sách đen "Entity List" và ban hành lệnh cấm các hoạt động thương mại giữa tập đoàn "được chống lưng bởi Bắc Kinh"; và các công ty công nghệ Mỹ, trong đó có Google, ARM, Intel và Microsoft. Hành động này của chính quyền Trump đã đưa Huawei vào tình thế bấp bênh, phá vỡ tham vọng lật đổ Samsung và trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới trong vòng hai năm của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Hiện tại, danh sách thuế quan mới nhất được Mỹ áp dụng vào ngày 2/7 sắp tới đây đang trở thành mối lo lớn cho các hãng sản xuất cũng như nhà bán lẻ muốn trao đổi hàng hóa trong nội địa Mỹ, bởi lần đầu tiên trong danh mục áp thuế có đề cập đến các sản phẩm điện tử được lắp ráp hoàn chỉnh và nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại thông minh và máy tính xách tay, trong khi những đợt áp thuế trước đó của Mỹ chỉ ảnh hưởng đến các linh kiện điện tử, không phải thành phẩm.

Chính sách thuế quan mới sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến các tập đoàn sản xuất điện thoại?

Một số hãng smartphone như Apple và Google có trụ sở tại Mỹ nhưng quá trình sản xuất và lắp ráp thường được thực hiện tại Trung Quốc. Ví dụ: phần lớn thiết bị của Apple được Foxconn lắp ráp tại nhà máy ở Thâm Quyến, và trong một ước tính mới đây từ tập đoàn tài chính JP Morgan cho biết Táo Khuyết sẽ cần phải tăng giá iPhone XS từ 999 USD lên 1142 USD (tăng khoảng 14%) để có thể bù đắp vào mức thuế 25%. Mặc khác, theo công ty nghiên cứu Tech Insights, Apple đang tạo ra lợi nhuận gần 200% đối với các thiết bị như iPhone XS Max, do đó công ty có thể trích ra một phần lợi nhuận của mình để bù vào thuế thay vì tăng giá sản phẩm để bảo đảm tính cạnh tranh. Tất nhiên quyết định này của Apple sẽ làm họ vụt khỏi tay khoảng 4% lợi nhuận sau thuế.

Khác với Apple, nhiều hãng điện thoại khác có trụ sở tại Trung Quốc thường nhắm đến sản phẩm chất lượng cao nhưng với chi phí thấp. Vì vậy, mức lợi nhuận thu được từ việc bán sản phẩm nhỏ hơn rất nhiều so với Apple.

Đơn cử như Xiaomi, tập đoàn đã từng tuyên bố rằng họ sẽ chỉ nhận được mức lợi nhuận sau thuế tối đa 5% giá thành sản phẩm. Ở thời điểm hiện tại, Xiaomi đã mở rộng thị trường kinh doanh của mình tại Mỹ với các mặt hàng như Mi Electric Scooter và Mi Box S, tuy nhiên trong đó vẫn chưa có cái tên nào thuộc về smartphone. Mục tiêu của công ty trong năm 2019 là đưa mảng kinh doanh điện thoại thông minh của mình hòa nhập vào thị trường Hoa Kỳ, và điều đầu tiên mà họ cần phải tính tới là tìm cách vượt qua rào cản thuế "25%".

Ngoài ra còn có một số các công ty khác, tưởng chừng như sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới, nhưng trên thực tế mức độ thiệt hại có lẽ không thua kém gì Apple. Google Pixel 3 đang được sản xuất bởi Foxconn tại Trung Quốc, đồng nghĩa với việc thiết bị này cũng sẽ phải chịu mức thuế mới, hay tập đoàn Samsung khi họ vẫn còn duy trì hoạt động tại một nhà máy sản xuất lắp ráp tại Thâm Quyến, mặc dù công ty hiện đang dần chuyển dây chuyển lắp ráp sang các nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ do doanh số sụt giảm tại thị trường tỷ dân.

Nhiều lựa chọn thay thế

Nếu các nhà sản xuất không muốn phải chịu khoảng thế quan đắt đỏ thì họ sẽ cần phải chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên điều này không phải chuyện nói là làm được, kể cả đối với các tập đoàn lớn. Tổng thống Donald Trump đã từng gợi ý rằng Apple nên chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ, không chỉ tránh được thuế quan nặng nề, mà còn hưởng được các ưu đãi về tài chính. Tuy nhiên nhà phân tích  Wamsi Mohan thuộc Bank of America – Merrill Lynch lại khẳng định rằng Táo khuyết sẽ phải chịu thêm 20% chi phí sản xuất nếu họ chiều lòng ông Trump.

Vừa mới đây, chủ tịch Foxconn Terry Gou cho biết họ đang có kế hoach chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan để tránh phải trả thuế 25% của Hoa Kỳ. Tất nhiên điều này có thể làm giảm áp lực đáng kể đối với Foxconn nói riêng và các OEM nói chung, nhưng nó chỉ thực sự có tác dụng khi nhà máy quyết tâm di dời – hoặc bất kỳ hợp đồng sản xuất nào khác – mà không được thực hiện tại nhà máy Trung Quốc. Xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn sẽ cần phải mất nhiều năm và trong khoảng thời gian đó, các công ty sẽ sẵn sàng đội giá sản phẩm lên mức cao nhất.

Chuyện gì sẽ sảy ra tiếp theo?

Hội nghị G20 sắp tới tại Nhật Bản chính là chìa khóa quan trọng để xác định có mở được cánh cửa hòa giải cho cả hai nước hay không. Nếu hai nhà lãnh đạo gặp nhau, nhiều khả năng có thể tránh được mức thuế mới, tuy nhiên nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự hay từ chối gặp mặt, chính phủ Donald Trump sẽ ngay lập tức thi hành chính sách áp thuế lên các sản phẩm vào ngày 2/7. Vẫn chưa biết tình hình sẽ diễn ra như thế nào, tuy nhiên bạn cần phải chuẩn bị tinh thần cho việc mua các thiết bị với giá đắt đỏ hơn nếu đang sống tại Mỹ.

Mức thuế mới không chỉ áp dụng với điện thoại, mà còn có laptop, máy tính bảng cùng với rất nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Nhiều khả năng giá của hầu như tất cả các mặt hàng công nghệ sẽ tăng ngay sau khi mức thuế có hiệu lực. Tuy vậy, vẫn sẽ có thể sẽ có một số nhà sản xuất sẵn sàng giảm lợi nhuận để tăng khả năng cạnh tranh – đơn cử như Apple.

Quyết định đánh thuế 25% sắp được thi hành vào ngày 2/7 tới đây sẽ làm cho các tập đoàn trên rơi vào thế khó khăn, trong khi một số nhà sản xuất khác hoàn toàn không dính líu gì đến Trung Quốc như Asus và LG thì đây được coi là một lợi thế rất lớn. Nếu Xiaomi hay Samsung chọn cách tăng giá sản phẩm trong khi Asus và LG với mức giá giữ nguyên, thì có thể trong tương lai, chúng ta sẽ dần thấy được sự chuyển dịch cơ cấu trên thị trường công nghệ.

Hiện nay, có khá nhiều tin đồn cho rằng Google cũng đang lên kế hoạch "rời bỏ" Trung Quốc và chuyển phần lớn hoạt động sản xuất phần cứng sang Đài Loan – nơi đang đặt nhà máy sản xuất bo mạch chủ của tập đoàn – và Malaysia. Và nếu các nhà sản xuất khác cũng đang có những kế hoạch tương tự như vậy, thì các tác động dài hạn trong tương lai sẽ không mấy rõ ràng.

Cuối cùng, cho dù chính sách thuế sắp được ban hành sẽ có ảnh hưởng nặng nề nhất đến người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, tuy nhiên sớm thôi chúng ta cũng sẽ được chứng kiến hiệu ứng lan truyền trên toàn thế giới, khi các công ty vẫn giữ nguyên giá bán sản phẩm của họ tại thị trường Mỹ nhằm mục đích cạnh tranh, thay vào đó cố gắng bù đắp các tổn thất bằng các cách khác nhau, có thể là tăng giá các dịch vụ thuê bao hay thay đổi giá bán sản phẩm tại thị trường quốc tế.

Quang Minh

Chủ đề khác